PGS Phan Văn Các là... tác giả Kim Bình Mai (?! )

15/03/2009 10:41 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Cầm trên tay bốn tập Kim Bình Mai (ngoài bìa đề là Nxb Văn hóa Thông tin, ngoài ra còn có logo cùng dòng chữ Nhan Van Book , nhiều người sẽ không thể tưởng tượng nổi một trong những tác phẩm nổi tiếng  của Trung Quốc lại có tác giả là… người Việt Nam!

* PGS Phan Văn Các tá hỏa

Tất nhiên PGS Phan Văn Các, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm không thể là tác giả của Kim Bình Mai. Nhưng những người chưa biết về văn học cổ điển Trung Quốc (con cháu của chúng ta sau này chẳng hạn) hoàn toàn có thể nghĩ thế, bởi vì ngay ngoài bìa sách, tên ông Phan Văn Các được đặt rất... thản nhiên dưới tên tác phẩm; còn tên Tiếu Tiếu Sinh, tác giả đích thực của bộ tiểu thuyết này thì không đề.

PGS Phan Văn Các đối chiếu Lời giới thiệu của bản in Kim Bình Mai mới và cũ

Lật vào trang lót, vẫn không thấy tên Tiếu Tiếu Sinh đã đành, lại thấy đề: Phan Văn Các (biên dịch)(?). Nhưng ông Phan Văn Các không hề dịch tác phẩm này. Ở Việt Nam lâu nay lưu hành khá rộng rãi bản dịch Kim Bình Mai được Nxb Khoa học Xã hội xuất bản từ năm 1989, nhưng không cho biết tên dịch giả, chỉ ghi là in theo bản của Nxb Chiêu Dương năm 1969.

Chưa hết, lật tiếp nữa vào trang trong, lại thấy ông Phan Văn Các đứng tên dưới bài Lời giới thiệu. Cứ như sách mà suy thì hóa ra, ông Phan Văn Các vừa là người viết Kim Bình Mai, sau đó tiện tay dịch sang tiếng Việt và cuối cùng là viết luôn Lời giới thiệu!

Trao đổi với PGS Phan Văn Các về việc này, ông tỏ ra cực kì ngạc nhiên và bất bình: “Tôi không hề được một thông báo gì từ những đơn vị thực hiện bộ sách này về việc họ sử dụng tên tôi trong bộ sách. Năm 1999, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây in bộ này, tôi có hợp tác với họ viết lời giới thiệu cho cuốn sách, nhằm tóm tắt quá trình lưu truyền và giá trị của bộ tiểu thuyết Kim Bình Mai trong nền văn học Trung Quốc. Vậy mà nay, những người làm bộ sách này khi in sách lại ghi tên tôi vừa là tác giả, vừa là dịch giả nữa thì đó là một sự cẩu thả không thể nào chấp nhận được”.

Bộ Kim Bình Mai mới với bìa giống truyện tranh Nhật Bản

* Lời giới thiệu – be bét lỗi sai

Chúng tôi tìm lại bản in Kim Bình Mai của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây trước đây theo lời ông Phan Văn Các. So sánh Lời giới thiệu của bộ Kim Bình Mai cũ này với bộ sách mới, thì Lời giới thiệu của ông Phan Văn Các trong bộ sách mới này bị méo mó dễ sợ so với nguyên bản. Không hiểu vì lý do gì, hầu như các chữ “Kim Bình Mai” trong lời giới thiệu đều biến mất, khiến cho các câu văn trở nên cụt lủn, vô nghĩa. Ví dụ, nguyên bản viết “Kim Bình Mai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng” thì bản kia chỉ còn mỗi “Đã dịch ra nhiều thứ tiếng”, nguyên bản ghi “Kim Bình Mai được coi là tác phẩm mở đường cho tiểu thuyết xã hội Trung Quốc” thì chỉ còn mỗi “được coi là tác phẩm mở đường cho tiểu thuyết xã hội Trung Quốc”. Một bảng so sánh các bản Kim Bình Mai ông Phan Văn Các lập nên rất khoa học thì bị phá ra, các thông tin đảo lộn lung tung, không thể hiểu nghĩa là thế nào. Ngoài ra là những chỗ lên dòng xuống dòng vô tội vạ và vô thiên lủng lỗi chính tả khác.

Trên website nhanvan.vn của Nhà sách Nhân văn giới thiệu: “Bản dịch (Kim Bình Mai) lần này của Hải Đăng, Ngọc Quang và Mạnh Linh do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành đã lược bớt nhiều chỗ không cần thiết và đã làm nổi bật cốt truyện và nhân vật hơn. Tuy chưa phải là bản dịch hay nhất song đã là bản dịch gọn nhất. Bản dịch này vừa đảm bảo nội dung vừa có hành văn sáng sủa, mạch lạc”.

Ông Phan Văn Các cho biết: “Thứ nhất, họ đã vi phạm bản quyền khi in Lời giới thiệu của tôi mà không hề xin phép. Thứ hai, việc in Lời giới thiệu này với chi chít lỗi là một sự xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín của tôi. Tất nhiên với những người trong nghề văn chương chữ nghĩa thì có thể họ hiểu tôi chỉ là nạn nhân của vụ làm ăn cẩu thả này, nhưng với những bạn đọc khác, họ có thể đánh giá không chính xác về tôi. Sắp tới tôi sẽ liên hệ với họ để hỏi cho ra nhẽ…”

* Giống bìa truyện tranh Nhật Bản?

Đấy là chưa kể đến những tấm bìa lòe loẹt của bộ sách này, được trang trí hình các cô gái với phục trang tóc tai kỳ lạ, giống các hình mẫu trong truyện tranh hay hoạt hình của Nhật Bản đang rất phổ biến bây giờ, chẳng hề ăn nhập chút nào với nội dung, khiến cho tác phẩm Kim Bình Mai  trông “tân” không ra “tân”, “cổ” chẳng ra “cổ”.

Biết bao người đã bỏ tiền ra để mua về những sản phẩm kém chất lượng thế này? Và những người làm sách chân chính thì bị chèn ép, không được làm việc trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh.
 
Quế Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm