Nghệ thuật trình diễn Việt: Vàng thau lẫn lộn (Bài 1)

13/12/2010 07:28 GMT+7 | Văn hoá

 "Định chuẩn" cho performance art Việt?

Sau tác phẩm cởi đồ gây sốc của họa sĩ Lại Thị Diệu Hà tại Liên hoan nghệ thuật trình diễn In: Act tháng 8/2010, khi trên mạng tràn ngập những hình ảnh “behind the scenes” của màn trình diễn “lộ không thể lộ hơn” này thì những người yêu nghệ thuật, làm nghệ thuật và cả các cơ quan chức năng mới bừng tỉnh rằng nghệ thuật trình diễn Việt Nam đã thực sự rời khỏi các hội thảo (workshop) để thâm nhập rộng vào đời sống văn hóa đại chúng.

 
Nghệ sĩ Nezaket Ekici (Đức) trong một tác phẩm trình diễn  

Để mở đường cho nghệ thuật trình diễn phát triển mạnh hơn tại Việt Nam, mới đây, Viện Goethe đang tổ chức dự án Open Academy - Học viện mở (từ 8/11 đến 10/12) với sự giảng dạy/thực hành của 10 nghệ sĩ lớn nổi tiếng trên thế giới về trình diễn tại 3 thành phố lớn Hà Nội – Huế - TP.HCM. Đây là một cơ hội lớn để “thu thập kiến thức” với những ai đang có ý định bước chân vào “miền đất hứa”. Bởi dù nghệ thuật trình diễn Việt Nam đến nay đã tròn 15 tuổi, nhưng “cô gái đang độ trăng rằm” này vẫn còn quá non dại và phát triển một cách tự phát. Không phủ nhận những thành quả mà nghệ thuật trình diễn Việt Nam đã đạt được, bằng chứng là nhiều nghệ sĩ trẻ được mời ra nước ngoài trình diễn thường xuyên từ 5 năm trở lại đây, nhưng nghệ thuật trình diễn Việt đến giờ vẫn là những tác phẩm “trình diễn quá đà” thành ra vui vẻ như cuộc chơi. Trong các “cuộc chơi” đó người ta cũng không thiếu những lý lẽ biện bạch để giải thích cho tính nghệ thuật trong các tác phẩm của mình.

Phải chăng có sự “vàng thau lẫn lộn” trên là bởi chúng ta chưa có được một thước đo chuẩn về mặt nghệ thuật cho bộ môn này tại Việt Nam? Đây là câu chuyện chuyên đề mà TT&VH Cuối tuần số này muốn đề cập tới.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Quỳnh Trang

(TT&VH Cuối tuần) - Trong mấy năm gần đây, nghệ thuật trình diễn (NTTD) được coi là miền đất hứa với những ai ôm mộng làm nghệ sĩ. Những người đến với NTTD hầu hết đều có gốc gác từ cái nôi hội họa nhưng trong số đó, đa phần lại là những cái tên xa lạ với công chúng với vai trò họa sĩ. Tuy nhiên, chỉ cần một tác phẩm trình diễn gây sốc với dư luận, ngay lập tức ngày hôm sau, họ thành những cái tên được nhắc đến khắp nơi trên các mặt báo. 

Nấm sau mưa 

Mấy năm gần đây performance art bung ra như nấm sau mưa, tháng nào, tuần nào cũng có những buổi tụ tập của giới làm performance art, tập trung tại một số địa điểm chủ yếu là tại Hà Nội như: Nhà Sàn Studio, Viện Goethe, Trung tâm văn hóa Pháp, Anh Khánh Studio. Còn ở Huế, địa chỉ cho những hoạt động này là New Space Art Residence (NSAR) của hai anh em song sinh Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải. Tại TP.HCM, Sàn Art đang nổi lên là một địa chỉ mới trong lĩnh vực này. 

Tại Hà Nội, nổi lên như hai thế lực lớn, có ảnh hưởng và dẫn dắt được lớp nghệ sĩ tham gia vào performance art hiện nay là Nhà Sàn Studio và Anh Khánh Stutio nhưng hai studio này đi theo hai hướng khác nhau. 

Nhà Sàn Studio (Vạn Phúc, Hà Nội) của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, hoạt động thường xuyên hơn với sự ra mắt nhiều tác phẩm của những người trong nhóm “Nhà Sàn”. Cùng với sự đỡ đầu rất tích cực của chủ nhân studio, ngay từ khi NTTD được nhen nhóm ở Việt Nam, cách đây khoảng 15 năm, Nhà Sàn đã là nơi quy tụ và cổ súy cho phong trào đương đại này. 

Hiện ba cái tên chủ lực, ở vị trí curator - giám tuyển - tại Nhà Sàn là Trần Lương, Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Phương Linh (con gái ông chủ Nhà Sàn - Nguyễn Mạnh Đức).
 
Hoàng Minh Đức trong chương trình NTTD Ba chu vi tại Nhà Sàn studio (Ảnh: Dino Trung)  

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng thuộc lớp đầu tiên được tiếp cận với performance art qua những gợi mở của nữ nghệ sĩ Veronica Radulovic, người đã từng sống tại Việt Nam từ năm 1993 đến 2005 trong chương trình lưu trú nghệ sĩ và là giảng viên thỉnh giảng Đức đầu tiên của DAAD (Tổ chức trao đổi hàn lâm Đức) tại Việt Nam (giảng dạy trong trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh) cũng như là giám tuyển một số triển lãm nghệ thuật của Việt Nam ở Đức. 

Gần đây dưới sự dẫn dắt của curator Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Phương Linh, các hoạt động của performance art tại Nhà Sàn đa dạng hơn, nhiều buổi gặp mặt, giao lưu với các nghệ sĩ nước ngoài diễn ra thường xuyên hơn. Sự kiện lớn nhất trong năm tại đây mới diễn ra hồi đầu tháng 8/2010 là Liên hoan nghệ thuật trình diễn In: Act. 

Ấn tượng ở In: Act vừa qua phải nói tới tác phẩm trình diễn của nhóm nghệ sỹ Vũ Đức Toàn - Hoàng Minh Đức - Vũ Huy An. Trong vai một ngư dân ướt từ đầu tới chân, Vũ Đức Toàn bị trói chặt tay vào cột nhà sàn, nửa thân người chênh vênh trong không gian, mắt nhìn chăm chú vào một điểm trong khi tay vẫn cầm chặt con cá. Hoàng Minh Đức trở thành con trai người bán đậu phụ đã sập tiệm, đứng chôn chân trong một chiếc thùng nhồi toàn đậu phụ tươi. Vũ Huy An trong vai người thợ lò ngồi im trong một tư thế, dìm chân trong vũng bùn than, hai tay cầm hai vốc than, với mặt mày (bị một nghệ sĩ khác trêu trọc?) bôi quét than lấm lem. Hay tác phẩm lần đầu tiên trình diễn của Phùng Tiến Sơn: Sơn tự trói tay và buộc vào một sợi dây vắt lên trần, đầu kia sợi dây buộc một chiếc đồng hồ cổ to nặng. Mặc cơ thể của Sơn gầy gò yếu đuối cùng mặt tái xanh mồ hôi nhễ nhại, nhiều người lần lượt đến đẩy mạnh đồng hồ vào ngực Sơn làm cậu ngã dúi dụi, thậm chí có người còn xô ngã và đè lên người Sơn. Nghệ sĩ Phương Linh, con gái của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, chủ Nhà Sàn Studio, đã chọn một phương thức thể hiện bớt tính khiêu khích là “màn” đổ gạo. Chị nằm xuống cho khán giả đổ gạo lên mặt thành một đống ngập đầu. Gạo đổ ngập mặt, ngập miệng, ngập mũi cho đến khi chị ngạt thở không chịu nổi, lại vùng dậy, hót gạo cho vào thúng, dịch chuyển ra chỗ khác để khán giả tiếp tục đổ gạo lên... cứ thế, cứ thế... Nhưng nếu In: Act vừa qua chỉ có những tác phẩm trình diễn như vậy thì đã không gây xôn xao suốt vài tuần. Nhân vật gây sốc cho In: Act là họa sĩ trẻ Lại Thị Diệu Hà, mà thường thì tại bất cứ một hoạt động nào có tính quy mô của nghệ thuật trình diễn đều có một vài màn gây sốc, (không sốc không phải là performance art !). Màn cởi bỏ bạo liệt của Lại Thị Diệu Hà trong tác phẩm Bay lên đã khiến người xem thảng thốt và gây ra nhiều dư luận trong chính giới làm nghề (TT&VH Cuối tuần đã đề cập tới câu chuyện này trên số báo 37 - Sốc vì nghệ thuật hay sốc vì nuy?).  

Ở một “khu vực” khác, nghệ sĩ Đào Anh Khánh, lại chọn giải pháp chơi trội hơn khi mỗi năm cho ra mắt một Đáo Xuân, Đáo Xuân năm sau thường to hơn năm trước về quy mô và các tác phẩm sắp đặt, duy chỉ có màn áo quần trắng toát bó sát, uốn éo và hú hét theo âm nhạc của chủ nhân là không có gì “cải tiến”. Năm nay để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nghệ sĩ này cho ra mắt ba chương trình lớn Hội tụ ánh sáng (chủ yếu cho các tác phẩm sắp đặt), Cầu âm thanh (trình diễn và âm nhạc thể nghiệm) và Cây đời(sắp đặt, trình diễn, video art và âm nhạc thể nghiệm). Sự kiện Cầu âm thanh (diễn ra vào ngày 24 và 25/2) tuy là một chương trình âm nhạc đương đại với sự tham gia của 12 nghệ sĩ âm nhạc đương đại của Hà Nội và quốc tế nhưng những màn hú hét và performance art với sự hỗ trợ của 80 diễn viên chuyển động là màn gây chú ý nhất với người xem. Cũng giống như Cầu âm thanh, ở sự kiện Cây đời, diễn ra đêm ngày 15 - 10/2010 đã mang đến một “bữa tiệc hoành tráng” cho đám đông. Sự chơi trội của Đào Anh Khánh cũng không có gì lạ, bởi anh xưa nay vẫn rất được lòng các quỹ văn hóa và anh là người duy nhất làm trình diễn ở Việt Nam có thể quy mô hóa lớn chương trình của mình với kinh phí hàng tỉ đồng dành cho một đến vài đêm diễn. 

Vàng thau từ các “nhà hộ sinh” 

Nhà văn Lê Anh Hoài với tác phẩm WC.đọc

Sự lớn mạnh của Nhà Sàn Studio và Anh Khánh Studio là điều không thể phủ nhận. Và chất lượng của từng buổi trình diễn tại hai “nhà hộ sinh” này thường được quan tâm và thu nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nếu như ở Anh Khánh Studio, nghệ sĩ Đào Anh Khánh vừa đóng vai trò ông chủ, người xin tài trợ, người trình diễn, kiêm luôn là curator cũng như nắm vai trò tổng đạo diễn thì tại Nhà Sàn Studio những nghệ sĩ có tác phẩm được ra mắt thường có sự gắn kết chặt chẽ với các curator và trình diễn với sự “giám sát” của đồng nghiệp đến từ nhiều nước. Ở Nhà Sàn studio, tác phẩm của mỗi nghệ sĩ được đem ra bàn bạc, mổ xẻ hết sức nghiêm túc. Không dám đảm bảo về chất lượng ổn định nhưng các tác phẩm ra đời tại cái nôi này chí ít cũng được qua một lớp màng lọc khá chặt chẽ của một nhóm người am hiểu về nghề trước khi đến với công chúng. 

Nhưng không phải cứ nhắc đến performance art là chỉ có hai nhóm trên. Ngoài hai nhóm chính được người ta biết đến thì còn có những nhóm nghệ sĩ hoặc nghệ sĩ hoạt động đơn lẻ tại các dự án performance art khác. Mà thỉnh thoảng đâu đó người ta lại thấy phì cười bởi những màn trình diễn của những nhóm này. 

Ví như mới đây nhà văn Lê Anh Hoài, một người cũng được biết đến khi tham gia vào khá nhiều các hoạt động performance art, thản nhiên... cởi quần, đọc sách kinh điển trong toilet thông qua tác phẩm WC.đọc tại chương trình Restart - Khởi động lại (diễn ra vào tối 5/10 tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại, Đê La Thành, Hà Nội)… Tác phẩm này có cấu tứ như sau: sau phần giới thiệu những cuốn sách kinh điển có trong toilet, nhà văn Lê Anh Hoài cởi quần, tất nhiên là vẫn còn quần lót, chứ nhà văn này chưa đủ dũng khí để cởi toàn bộ như họa sĩ trẻ Lại Thị Diệu Hà đã làm, hoặc anh đủ thông minh để nhận ra rằng mình có cởi hết cũng chẳng gây sốc hơn được. Anh ngồi vào bàn cầu và lấy sách và điềm nhiên đọc sách dưới sự chứng kiến của nhiều người. Cũng như hầu hết các nghệ sĩ tham gia performance art, Lê Anh Hoài cũng phải thuyết minh cho tác phẩm của mình bằng lời như sau: Anh cho biết mình có thói quen đọc sách trong toilet từ nhiều năm nay, cũng như chuyện có rất nhiều người có thói quen đó, nhưng họ không dám công khai bởi coi đây là hành động không bình thường! Lý giải này có phần giản đơn quá với một tác phẩm nghệ thuật performance art, xưa nay vốn… khó hiểu. 

Hay mới đây trong khuôn khổ dự án Open Academy 2010 - Học viện mở: một dự án giao lưu văn hóa nhân năm Đức tại Việt Nam 2010, tối ngày 13/11, tại Viện Goethe Hà Nội đã diễn ra một hội thảo mang tính ngẫu hứng giữa các họa sĩ Đức và họa sĩ Việt Nam. Cuộc trình diễn này là kết quả của sự hợp tác sáng tạo và ứng biến; là sản phẩm sau bốn ngày thảo luận giữa các họa sĩ Việt Nam cùng hai nghệ sĩ Đức là: Veronika Wite và nghệ sĩ Bertold Sneider, chỉ diễn ra trong 8 phút, nhưng trong thời gian ngắn ngủi ấy họ đã mang đến những màn trình diễn khá bất ngờ. Các họa sĩ tham gia gồm có: Phạm Huy Thông, Doãn Hoàng Kiên, Phạm Văn Trường,Võ Ngọc Huế và Nguyễn Hường. Âm nhạc được dùng làm chất liệu cảm hứng là vở nhạc kịch về tình yêu Tristan Isolde. Họa sĩ Phạm Huy Thông đã tự trói mình vào một bức tường, họa sĩ Doãn Hoàng Kiên thì vừa đi vừa đấm ngực, Trường Art (Phạm Văn Trường) thì xếp những miếng vải tròn thành những dấu chấm trên sàn nhà, họa sĩ Võ Ngọc Huế đọc to những lời được viết trong một mảnh giấy, nghe lõm bõm vì chìm trong tiếng hát… Phần trình diễn này của các họa sĩ khá đơn giản và thô mộc, không có gì là quá đặc biệt hay quá gây chú ý nhưng nó được mỗi người giải thích theo một cách. Chung quy theo giải thích này thì đấy là nghệ thuật. Tuy nhiên người xem chắc cũng phải nghĩ nát óc cũng không hiểu những mối liên hệ của các tác phẩm trình diễn này với vở Tristan Isolde. Thì rõ, khó hiểu mới là performance art, và chỉ khi làm cái đơn giản thành cái phức tạp, khó hiểu thì người sáng tạo ra nó mới dễ trở thành nghệ sĩ (!).  

Sự nở rộ của các hoạt động performance art trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2010 bước đầu tạo được khái niệm cho công chúng dần quen với loại hình nghệ thuật này. Nhưng số nghệ sĩ được đào tạo về performance art còn quá ít, số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ yếu những người làm performance art hiện nay được dẫn dắt bởi một vài cái tên, và do đó performance art cũng không thoát khỏi ra sự hạn hẹp suy nghĩ của một vài cá nhân. Bởi cá nhân nào thì năng lực sáng tạo cũng có hạn. Chính vì thế, khi lực lượng còn mỏng, người ta cứ cố bung ra làm performance art mạnh mẽ cũng là lúc “vàng thau lẫn lộn”. Các tác phẩm performance art ra đời ngày càng nhiều nhưng chất lượng thì còn phải bàn. Bởi chúng ta hiện nay chưa có thước đo nào cho performance art, và cũng chưa có một lực lượng curator đủ mạnh để dẫn dắt loại hình nghệ thuật còn mới mẻ này ở Việt Nam. 

Đón đọc Bài 2: 15 năm phù du? 

Việt Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm