Rafael Nadal: Biểu tượng của sự bền bỉ

19/01/2021 18:17 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc tới khái niệm bền bỉ trong quần vợt, hẳn nhiều người sẽ nghĩ tới Roger Federer. Nhưng biểu tượng của sự bền bỉ ở đỉnh cao thì phải là Rafael Nadal, tay vợt vừa chạm mốc 800 tuần liên tiếp nằm trong Top 10 thế giới.

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay: Trực tiếp Leicester vs Chelsea. K+, K+PM

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay: Trực tiếp Leicester vs Chelsea. K+, K+PM

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Lịch thi đấu bóng đá Ngoại hạng Anh: trực tiếp Leicester vs Chelsea. Lịch thi đấu bóng đá Tây Ban Nha La Liga, bóng đá Đức Bundesliga, bóng đá cúp FA, cúp Italia. Lịch thi đấu bóng đá ngày 19/1, sáng 20/1.

Nếu như vị trí Top 10 chưa đủ thuyết phục bạn về sự bền bỉ ở đỉnh cao thì hãy nhớ rằng trong 800 tuần ấy, có 570 tuần (71%) là Nadal nằm trong Top 2 bảng xếp hạng ATP.

800 tuần đỉnh cao

800 tuần có phải một khoảng thời gian dài? Đó là một hành trình kéo dài hơn 15 năm, với 5.600 ngày, hay cụ thể hơn là 134.400 giờ. Chuỗi ngày trong Top 10 ATP của Nadal còn kéo dài hơn chiến tranh Napoleon, Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai, và Nội chiến nước Mỹ.

11/2020, Nadal đã phá kỷ lục 789 tuần liên tiếp trong Top 10 thế giới của huyền thoại người Mỹ Jimmy Connor, và không có dấu hiệu gì anh sẽ dừng lại, dù đã 34 tuổi. Lần gần nhất, Nadal nằm ngoài Top 10, mạng xã hội Facebook mới ra đời được một năm, Twitter và Instagram còn chưa được phát minh, không ai biết Kim Kardashian là ai, còn Justin Bieber chỉ là một cậu nhóc hát rong trên những con phố ở Straford, Ontario.

Lần đầu Nadal lọt vào Top 10 thế giới là tháng 4/2005, ở tuổi 18. Và đó là thời điểm một tháng trước khi anh giành được Grand Slam đầu tiên, tại Roland Garros 2005. Suốt 15 năm sau đó, anh hầu như xếp thứ một hoặc thứ hai, chỉ trừ một số khoảng thời gian khi chấn thương, anh mới suýt rớt khỏi Top 10. Hè 2015 chẳng hạn khi Nadal tụt xuống thứ 10, nhưng sau đó lại leo lên. Hay mùa đông 2016-17, anh từng rơi xuống thứ 9, nhưng đến cuối năm đã trở lại vị trí số một.

Điều đáng khâm phục là cứ khi nào mọi người nghĩ rằng sự nghiệp Nadal đã tới hồi kết thì anh lại trở lại mạnh mẽ hơn. cứ mỗi khi thứ hạng bị ảnh hưởng là anh lại tự hoàn thiện lối chơi của mình, để trở thành một phiên bản đáng gờm hơn.

Chú thích ảnh
Nadal vừa chạm mốc 800 tuần liên tiếp trong Top 10 ATP

Tự nghi ngờ bản thân là một trong những lý do giúp cho Nadal thành công. “Tôi nghĩ rằng việc tự nghi ngờ bản thân là rất tốt, vì khi ấy tôi cảm thấy như mình được cảnh báo vậy. Quần vợt là môn thể thao mà mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh”, Nadal từng chia sẻ với chuyên gia quần vợt Jon Wertheim của Sports Illustrated như thế trong một chương trình mang tên 60 phút hồi tháng Bảy năm ngoái. Chính việc ý thức được mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng là đặc tính có thể sẽ giúp Rafa trụ lại trong Top 10 trong nhiều năm tới.

Nadal ở đâu, so với Federer và Djokovic

Dĩ nhiên, bất cứ tranh luận nào liên quan tới một thành viên của Big Three đều có thể đặt ra câu hỏi: Rafa đứng ở đâu, khi so sánh với Novak Djokovic và Roger Federer?

Federer chính là người đứng sau Jimmy Connors về số tuần liên tiếp trong Top 10, với 734 tuần, từ tháng 2/2002 đến tháng 10/2016. Tay vợt người Thụy Sĩ đã rớt xuống thứ 17 ATP vào mùa đông 2016 do chấn thương đầu gối phải. Djokovic từng có cả một thập kỷ nằm trong Top 10 (2007-2017), nhưng rồi chuỗi thời gian thành công ấy bị đứt quãng bởi chấn thương khuỷu tay. Nole trở lại Top 10 vào tháng 7/2017, và ở lại từ đó đến nay.

Để đạt được tới kỷ lục của Nadal, Djokovic sẽ phải nằm trong Top 10 đến tận năm 2033, khi anh sẽ 46 tuổi. Federer thì sao? Anh trở lại Top 10 vào tháng 1/2017 nên chỉ có thể cân bằng kỷ lục của Nadal nếu như thi đấu tới năm… 51 tuổi. Đó là viễn cảnh mà ngay cả những người lạc quan nhất có lẽ cũng khó có thể hình dung ra.

Vậy mục tiêu kế tiếp của Rafa là gì, khi mà kỷ lục hiện tại của anh là bất khả xâm phạm? Federer đang giữ kỷ lục 931 tuần nằm trong Top 10 thế giới, và đó cũng là một cột mốc mà Rafa có thể chinh phục. Nhưng trước mắt, anh hoàn toàn có thể vượt qua huyền thoại Jimmy Connors (816 tuần). Với Djokovic, chặng đường này còn khá dài, bởi anh đang xếp thứ 6 trong danh sách này với “chỉ” 656 tuần.

Liệu Rafa có thể đạt mốc 1.000 tuần liên tiếp trong Top 10 hay không. Theo tính toán, “bò tót Tây Ban Nha” có thể hoàn thành mục tiêu ấy vào cuối năm 2024, khi anh 38 tuổi – tức là vẫn còn trẻ hơn Roger Federer bây giờ.

“Trong sự nghiệp của mình, tôi phải đối mặt với rất nhiều chấn thương. Nhưng tôi luôn cố gắng giữ niềm đam mê và tình yêu để có thể tiếp tục theo đuổi quần vợt. Tôi tự hào rằng ngay cả khi đã giành được rất nhiều, tôi vẫn có những khoảnh khắc cảm thấy khát khao và đủ khiêm tốn để chấp nhận thử thách, chấp nhận thực tế rằng đôi khi mọi thứ không như mong muốn. Tôi đã luôn nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh mình. Không có họ, điều này là bất khả thi” – Rafael Nadal đã trải lòng như vậy ở giải Paris Masters 2020 khi được hỏi làm thế nào mà anh có thể trụ lại đỉnh cao lâu như thế.

 

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm