27/12/2011 14:08 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Dẫu sao TTK VFF Trần Quốc Tuấn đã chính thức rút lui khỏi vị trí của mình nên có lẽ cũng không cần thiết phải đặt ra vấn đề là liệu có hay không một sự “đo lường” mức độ phản ứng của dư luận trong quá trình ra quyết định của ông “Tổng”.
Nhưng từ ông Falko Goetz cho đến ông Trần Quốc Tuấn, từ địa phương cho đến cấp độ quốc gia, những sự thay đổi xoành xoạch của bóng đá VN, thậm chí còn nhanh hơn cách người ta thay một chiếc áo khoác trong những ngày lạnh giá của mùa đông miền Bắc, khiến không thể không xét đoán rằng phải chăng “những bộ não” của nền bóng đá của chúng ta đang không ở trong tình trạng tốt nhất?
Cho đến buổi chiều hôm qua, chừng 4 ngày là quãng thời gian khá ngắn ngủi để tất cả chóng quên những lập luận mà VFF từng đưa ra để bảo vệ TTK Trần Quốc Tuấn vào ngày 22/12. Câu chuyện của ông Tuấn có thể có những tình tiết không giống với HLV Goetz, nhưng sự xoay chiều đột ngột của cả 2 kịch bản ấy thì y hệt như 2 giọt nước.
Sau khi ông Tuấn rời vị trí TTK VFF, công việc điều hành sẽ do Phó TTK Dương Nghiệp Khôi
đảm trách trước khi tìm được người thay thế. Ảnh: VSI
Nên không ngạc nhiên nếu người ta cảm thấy sốc khi các quyết định quan trọng có ảnh hưởng tới diện mạo của nền bóng đá quốc gia lại có thể được đưa ra một cách tùy hứng đến thế, theo kiểu ngày hôm nay là “ý chí của tập thể” thì ngày mai là “tôn trọng ý kiến của cá nhân”.
Có lẽ VFF chưa đạt đến tầm “cao thủ” để nghĩ ra những kịch bản “ngoạn mục” đến vậy và tin rằng đằng sau các quyết định với HLV Goetz rồi TTK Trần Quốc Tuấn là trăm ngàn sự “khó nói” khác. Nhưng cái tính chất “bồng bột” (để rồi dẫn tới sự tùy tiện) của tổ chức ấy lại là thứ mà nếu muốn sẽ không quá khó để thấy đang là hiện tượng phổ biến của bóng đá VN.
Ai đó đã gọi câu chuyện xoay xung quanh mối quan hệ giữa CLB Thanh Hóa với HLV Lê Thụy Hải mùa vừa rồi là “hài kịch” qua cái cách đội bóng xứ Thanh bất ngờ đình chỉ công tác của ông Hải mà không cần báo trước, rồi lại quay ngoắt mời ông Hải tiếp tục làm việc, và sau một vòng đấu thì đẩy ông ra đường.
ĐT.LA tại V-League 2011 nằm trong số các đội bóng thay HLV như thay áo. Điều kỳ lạ (đúng hơn là kỳ cục) nằm ở chỗ, khi muốn nâng nhà cầm quân nào lên (giống như VFF), họ cũng đưa ra đầy đủ các lập luận rất thuyết phục, nhưng khi sa thải (tương tự LĐBĐ của mình) lại là một đống lý do để “phản biện” điều từng nói.
Nếu để tìm ra ông vua tùy hứng của bóng đá Việt thì V.HP (tiền thân là XM.HP trước đây) hẳn sẽ là nhà quán quân. Từ HLV nội cho đến HLV ngoại, từ HLV người bản địa cho đến HLV địa phương khác, từ trẻ đến già... đội bóng đất Cảng đặt ra một cái “lệ” là bất kỳ ai cũng có thể ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng của họ và nếu muốn họ cũng sẵn sàng sa thải các nhà cầm quân vào bất cứ thời điểm nào...
Hãy giả sử rằng tất cả những câu chuyện nêu trên, từ VFF cho tới các CLB, nếu đặt trong một môi trường chuyên nghiệp mang tính chuẩn mực của bóng đá hiện đại về quản lý và điều hành thì cách giải quyết vấn đề sẽ ra sao? Chắc chắn sẽ không dễ dàng xảy ra chuyện “nuốt” phát ngôn chính thức, nếu coi đó là kết quả của một sự phân tích đúng đắn về sự việc.
Quốc gia bắt đầu từ địa phương và tổng thể thì bắt đầu từ cụ thể, nên nếu ngày hôm nay có đi đến kết luận rằng, suy cho cùng VFF cũng chỉ là một sản phẩm thời cuộc của một nền bóng đá còn đang loay hoay, thậm chí là vật vã để thoát ra khỏi 2 chữ “nghiệp dư” thì cũng không oan uổng chút nào.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất