23/09/2023 07:47 GMT+7 | Văn hoá
Có trời không nhỉ. Khi đau đớn thất bại người ta kêu trời, lúc khốn quẫn cùng đường cũng "trời ơi", khi may mắn sung sướng người ta cũng kêu trời.
Ông trời là cái tên chung chỉ đấng tối cao có thể phán xét số phận con người. Điều đó gần như ăn chắc vào đầu lương dân của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng, chỉ cái tên gọi khác nhau đôi chút, còn nội hàm đều như vậy.
Ông trời là thế, chẳng ai biết mặt ngang mũi dọc ông trời ra sao. Nhưng với đấng tối cao toàn năng đó con người đều tin, dù ít dù nhiều.
Tôi thì tin ông trời có thật, mà ông đang hàng ngày ở bên chúng ta, trong mỗi chúng ta, sống cùng chúng ta. Ông trời không ai thấy mặt đó chính là quy luật tự nhiên của tạo hóa. Con người không ai sống ngoài quy luật đó, chẳng ai tránh được. Ông trời cũng là chính mình. Quy luật đó là gì? Đó là có sinh có diệt, ác giả ác báo. Quy luật đó giám sát, kiểm soát ta hàng ngày. Thật thà hay giả dối có ngay trong mình, làm sao che giấu được chính mình.
***
Thực ra điều này con người thông thái nhận ra từ rất sớm. Nó ẩn dưới dạng tích tụ thành những tổng kết trong dân gian, và cao hơn nó giấu mình vào tôn giáo, thành tín ngưỡng.
Tiền nhân nhận ra điều này rất sớm bằng tổng kết: "Quỷ thần hai vai", "giấu được người chứ ai giấu được trời". Trong chùa có hai hộ pháp là "ông Thiện" và "ông Ác" hai bên tả hữu để nhắc nhở phật tử đến chùa, đó là lời răn dạy bằng hình tượng. Dân gian dạy rằng "Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa". Thế đấy, sống tử tế được trong nhà mình và giữa chợ nhộn nhạo là tu rồi.
Tranh Đạo giáo, phía sau Tam Thanh hay các vị thần tiên đều có vòng tròn tỏa sáng, nhưng đó không phải hào quang như Đức Phật tỏa ra mà là cái gương. Khi hỏi một người nghiên cứu thì được giải thích rằng Đạo giáo cho rằng vạn vật hữu linh, cây cối sống nghìn năm, tu luyện có thể thành hạ tiên, còn muông thú như hổ báo, cáo chồn, chim chóc ngộ đạo, tu luyện nghìn năm cũng có thể thành tiên thánh. Cái gương gài phía sau để hàng ngày soi lại biết thân phận mình từ đâu ra mà giữ gìn phẩm cách. Mới biết Đạo giáo có triết lý rất duy vật, rất gần cuộc sống.
Đó chỉ là hai ví dụ, còn có thể liên hệ thấy ở nhiều câu chuyện khác hướng thiện cho loài người, đấu tranh với cái ác. Nếu không thế, cái ác lộng hành thì con người sẽ bị diệt vong.
Làm điều ác, người ta biết. Người đời cũng biết. Kẻ ác phải lo giấu diếm chống đỡ kết bè kết đảng, tuổi thọ cũng vì thế mà hao vơi. Có người nói: Bọn làm điều ác vẫn sống nhăn ra đó thôi, có đứa nào chết đâu! Có đấy. Nhưng sống dai đâu phải là thọ, đó chỉ là cái xác sống. Người có tuổi thọ là người chết đi mà người đời không quên, tên tuổi còn mãi cho hậu thế. Còn sống trên đời vắn dài là thể lực, là số mệnh. Tuổi thọ nhất quyết khác sống dai.
Ông trời là thế. Trời có đâu xa, "có có không không" trong mỗi chúng ta. Biết là có, nhưng có mà không trông thấy, chỉ có thể nhận ra. Trời trong ta, nên làm việc thiện ác, trời đều biết cả.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất