Ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội: "Nhiều tiềm năng của người khuyết tật chưa được khai phá"

30/07/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Có tên gọi khá trừu tượng "Gặp để gỡ: Những gợi mở về nghệ thuật bao hàm", nhưng sự kiện do Viện Goethe Hà Nội vài tuần trước lại liên quan tới một dự án rất… dễ hiểu và nhân văn, khi hướng tới sự tham gia - và thụ hưởng - của những người khuyết tật trong nghệ thuật.

"Khi nhắc đến cụm từ ít nhiều có tính trừu tượng như "nghệ thuật bao hàm", bạn hình dung ra khung cảnh gì? Một buổi triển lãm có sự tham gia của nhóm đối tượng khán giả rất đa dạng, bao gồm cả người khuyết tật? Hoặc là một khung cảnh hàng ghế khán giả trong rạp chiếu phim hoặc nhà hát, nơi có những hàng ghế dành riêng cho người đi xe lăn, cộng thêm cả phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu dành cho nhóm người điếc?"

Đó là những lời giới thiệu về dự án mà Viện Goethe đang theo đuổi, khi kêu gọi đề xuất ý tưởng và hợp tác từ nghệ sĩ, nhóm và các tổ chức mong muốn hướng sự quan tâm đến những vấn đề của người khuyết tật tại Việt Nam. Như chia sẻ, ngoài việc xóa bỏ rào cản từ cơ sở vật chất để khuyến khích sự tham gia của những nhóm khán giả đa dạng, dự án còn muốn khuyến khích sự tham gia của người khuyết tật vào quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Thể thao Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội.

Ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội: "Nhiều tiềm năng của người khuyết tật chưa được khai phá" - Ảnh 1.

Ông Oliver Brandt (ngoài cùng bên trái), Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, chia sẻ trong một cuộc tọa đàm thuộc dự án

* Khi nhắc đến khái niệm về nghệ thuật bao hàm, Viện Goethe muốn công chúng hiểu về nó như thế nào?

- Khái niệm này khá rộng, nhưng trọng tâm của chúng tôi là nghệ thuật và sự hòa nhập. Bởi, dự án có mục đích là tăng cường sự tham gia của người khuyết tật - không chỉ với tư cách là khán giả mà còn với tư cách là các chuyên gia và nghệ sĩ trong công tác văn hóa và giáo dục.

Các chương trình và dự án nghệ thuật hòa nhập sẽ hướng tới thúc đẩy sự đa dạng trong thể hiện nghệ thuật và thẩm mỹ, tạo không gian để các nghệ sĩ và chuyên gia thể hiện hoặc chia sẻ quan điểm và tiếng nói của mình. Tất cả các loại hình, từ sân khấu, nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, văn học… đều có những cách tiếp cận khác nhau và có thể nằm trong dự án.

* Như giới thiệu, ở dự án này, nghệ thuật cần vượt ra ngoài sự thương hại. Vậy tiềm năng của nó là gì?

- Có nhiều tiềm năng ở những người khuyết tất chưa được khai phá. Chúng thể hiện ở nhiều khía cạnh. Đầu tiên, cần phải nhấn mạnh rằng một dự án, hay sự kiện nghệ thuật, chỉ có thể chào đón sự tham dự của đối tượng khán giả đa dạng - nghĩa là gồm cả các nhóm yếu thế… - khi  bên tổ chức và nghệ sĩ quan tâm khuyến khích điều này ngay từ những bước đi đầu tiên. Cách tiếp cận ấy không chỉ có lợi cho khán giả mà cũng giúp tác phẩm, dự án có thêm tiềm năng phát triển từ những nền tảng, góc nhìn khác nhau.

Ngoài ra, sự tham gia của những nhóm đa dạng - ví dụ những nhóm nghệ sĩ khuyết tật - còn có thể nêu ra, hoặc chất vấn, những vấn đề thuộc về bản chất của nghệ thuật, chẳng hạn những vấn đề về thẩm mỹ hay công bằng xã hội. Điều này có thể mở ra những chiều kích khác nhau của nghệ thuật hiểu trên phương diện rộng nhất.

Chẳng hạn, một nhà văn là người điếc sẽ có những cách tiếp cận và cách hiểu khác nhau về môi trường xung quanh. Khi áp dụng vào trong văn chương, nhà văn đó có thể đưa ra những cách hiểu và cách mô tả mới, sáng tạo và có thể đầy hài hước về thế giới.

Nhìn chung, những khuyết tật cả về thể chất và tâm thần sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình sáng tạo. Chúng ta thường chỉ thấy những giới hạn của nó. Thế nhưng, đi cùng với đó là cả những tiềm năng chưa được khai phá hết. Không phải người khuyết tật nào cũng là nghệ sĩ. Nhưng chúng tôi mong muốn khuyến khích những nghệ sĩ là người khuyết tật có thể nhận ra và tìm thấy những tiềm năng nghệ thuật của mình.

Ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội: "Nhiều tiềm năng của người khuyết tật chưa được khai phá" - Ảnh 2.

* Dự án của Viện Goethe gắn với việc kêu gọi đóng góp các ý tưởng, sáng tạo quanh việc thực hành nghệ thuật cho người khuyết tật. Liệu cách làm này có hiệu quả?

- Các dự án kêu gọi đề xuất ý tưởng thực chất đã được tổ chức bởi rất nhiều tổ chức quốc tế cũng như tại Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội để chúng tôi mở rộng mạng lưới đối tác, thay vì chỉ tập trung làm việc với một vài đối tác địa phương quen thuộc. Trong khi đó, các tổ chức và cá nhân/ nghệ sĩ mới sẽ có cơ hội nhận được những hỗ trợ cho thực hành sáng tạo của mình.

Cũng xin nói thêm, thành viên ban giám khảo cho dự án kêu gọi đề xuất ý tưởng này sẽ bao gồm cả những cá nhân khuyết tật và không khuyết tật, bởi chúng tôi hy vọng điều này sẽ giúp cho quá trình lựa chọn trở nên minh bạch hơn.

* Được biết đây cũng là một trong những chủ đề mà Viện Goethe dự định triển khai trong chuỗi dự án và hợp tác trong thời gian tới. Vậy, làm thế nào để dự án có thể được triển khai bền vững và lâu dài?

- Dự án kêu gọi đề xuất ý tưởng hiện nay là cơ hội để chúng tôi có những đánh giá sơ bộ về những hướng quan tâm và tiếp cận của đối tác địa phương về chủ đề này.

Dựa trên những đánh giá và trao đổi đó, chúng tôi sẽ thiết kế và khởi xướng những chương trình, dự án ngắn hạn và dài hạn trong khuôn khổ của chủ đề này. Từ đó, những ảnh hưởng và tác động đến cộng đồng sẽ có tính tích cực và bền vững hơn.

Trong tương lai dài hạn, chúng tôi mong muốn khuyến khích và tạo ra những chương trình phù hợp để các đối tác trong lĩnh vực văn hóa có thể duy trì những ảnh hưởng và đóng góp cho nghệ thuật bao hàm trong nhiều năm sắp tới, chứ không chỉ trong một dự án ngắn ngủi.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Những tìm tòi, sáng tạo mà chúng tôi mong đợi có thể sẽ là một dự án nhảy cho người ngồi xe lăn, một chương trình đào tạo làm phim cho người khuyết tật - và nhiều hơn, đa dạng hơn thế nữa" - ông Oliver Brandt.

Lam Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm