Mỹ xét xử tù nhân Guantanamo đầu tiên

11/06/2009 10:50 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ahmed Ghailani là nghi phạm khủng bố với một lý lịch dễ gây ấn tượng. Ghailani được cho là một nhân vật thân cận với trùm khủng bố Osama Bin Laden, đồng thời là chuyên gia chế tạo bom và cựu tù binh chiến tranh. Giờ đây, người đàn ông này trở thành tù nhân Guantanamo đầu tiên được đưa ra xét xử tại Mỹ.

Một tù nhân đặc biệt

Hình ảnh Ahmed Ghailani do òa án Mỹ cung cấp
Ahmed Ghailani sinh năm 1974 ở Zanzibar, Tanzania. Các quan chức Mỹ cho biết Ghailani khởi nghiệp là một kẻ chuyên dùng xe máy vận chuyển các thiết bị tạo bom cho Al-Qaeda. Nhân vật này từng bước leo cao trong hàng ngũ Al-Qaida với vai trò một chuyên gia về chất nổ.

Ghailani bị buộc tội đã mua một chiếc xe tải dùng để chở bom trong vụ tấn công khủng bố ở Dar Es Salaam, Tanzania. Khi bị bắt, các đồng bọn Mohammed Sadiq Odeh, Khalfan Khamis Mohamed khai rằng Ghailani đã tới Dar Es Salaam, Tanzania, và nhận thuốc nổ cùng các thiết bị tạo bom để tham gia tấn công Sứ quán Mỹ. Ghailani còn mua những bình oxy và acetylene để tăng sức công phá của vụ nổ.

Ghailani được cho là đã giúp đỡ tích cực cho việc chế tạo các quả bom tại Dar Es Salaam và Mombasa ở Kenya. Cùng với một kẻ đánh bom tự sát, Ghailani thường xuyên tiến hành hoạt động do thám các sứ quán Mỹ. Ngày 6/8/1998, Ghailani có mặt ở Nairobi, Kenya, thuê một phòng trong khách sạn Hilltop dùng làm nơi tụ họp của những kẻ đánh bom. Không ai rõ chuyện gì xảy ra trong cuộc họp này, chỉ biết khi Ghailani rời đây để tới Karachi, các quả bom ở Tanzania và Kenya đã phát nổ gần như đồng thời làm 213 người tại Nairobi cùng 11 người ở Dar Es Salaam thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương.

P
hía Mỹ tin rằng Ghailani đã trở thành một tay chân tin cẩn của Osama Bin Laden sau các vụ đánh bom kể trên. Sau khi bị buộc tội vì tham gia các vụ đánh bom năm 1998, Ghailani chuồn sang Afghanistan và tới thăm một trại huấn luyện của Al-Qaeda ở đây dù không gia nhập tổ chức này. Cũng có tin cho rằng Ghailani đã tới thủ đô Monrovia của Liberia để thực hiện một số hoạt động tài chính cho Al-Qaeda, trong đó chúng bán kim cương lấy tiền mặt.


Vụ đánh bom kinh hoàng ở Kenya hồi năm 1998

Năm 2003, FBI đưa Ghailani vào danh sách 7 nghi phạm hàng đầu đang chuẩn bị lên kế hoạch tấn công mới nhằm vào Mỹ. Nhà chức trách Mỹ cũng treo giải thưởng 5 triệu USD cho ai giúp bắt được Ghailani. Ngày 25/7/2004, sau gần 8 giờ giao tranh ác liệt với quân đội chính phủ ở thị trấn Gujrat, miền trung Pakistan, Ghailani và 13 nhân vật khác đã bị bắt giữ. Các quan chức Pakistan khi đó đã đánh giá vụ bắt giữ Ghailani là thành tích quan trọng nhất kể từ khi Khalid Sheikh Mohammed, một trong những kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9, sa lưới hồi năm 2003.

Bước đi đầu trong việc dẹp bỏ Guantanamo

Bị đưa từ Guantanamo, Cuba, về Mỹ để xét xử lần này, Ghailani đang đối mặt với 286 cáo buộc, trong đó có tội hợp tác cùng Osama Bin Laden và các thành viên Al-Qaeda khác để giết hại người Mỹ. Ghailani cũng bị buộc tội giết người trong hai vụ đánh bom ở Kenya và Tanzania.

Hôm 9/6, trong phiên xử đầu tiên, Ghailani đã tuyên bố mình không có tội trong hai vụ đánh bom sứ quán Mỹ. Ghailani nói rằng không hề biết những khối thuốc nổ TNT và bình oxy mà mình có nhiệm vụ vận chuyển dùng để chế tạo bom. Ghailani cũng chối bỏ việc mua một chiếc xe hơi để sử dụng cho vụ tấn công do bản thân không biết lái xe.

Như vậy Ghailani là tù nhân Guantanamo đầu tiên được xử ở tòa án dân sự Mỹ. Phiên tòa này được xem là một phép thử quan trọng cho kế hoạch đóng cửa khu nhà tù Guantanamo của Tổng thống Barack Obama vào tháng 1/2010. Các luật sư đại diện cho Ghailani đã đánh giá rằng riêng quyết định đưa thân chủ của họ về xử trước một tòa án liên bang đã là một thắng lợi lớn. Về mặt lý thuyết, Ghailani giờ sẽ có quyền tiếp cận lớn hơn với các chứng cứ chống lại mình và có nhiều cơ hội để chống các cáo buộc đó. Ghailani cũng sẽ thường xuyên được tiếp xúc với luật sư trong thời gian bị giam chờ ngày xét xử.

Bất chấp việc Ghailani đã tới New York, các thách thức chính trị vẫn còn tồn tại. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã cho rằng việc chuyển một nghi phạm khủng bố lên đất Mỹ sẽ đe dọa sự an toàn của công chúng. Bên cạnh đó, vấn đề Guantanamo dường như là một trong số ít các vấn đề mà phe Cộng hòa có lợi bởi những cuộc thăm dò đều cho thấy người Mỹ muốn giữ nhà tù này hoạt động. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Hạ viện, ông John Boehner, còn gọi phiên xử diễn ra hôm 9/6 một cách mỉa mai là “bước đi đầu tiên của phe Dân chủ trong việc nhập khẩu khủng bố vào Mỹ”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận xét nếu vụ Ghailani được xử êm thấm mà không có sự cố gì ở New York và những nơi khác, những ý kiến phản đối của Đảng Cộng hòa sẽ mất tác dụng. Khi đó Quốc hội sẽ phải nghĩ lại về quyết định từ chối cấp vốn cho việc đóng cửa nhà tù Guantanamo. Ngoài ra, việc xét xử Ghailani mà không gây hậu quả nào cũng sẽ giúp tăng cường nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc thuyết phục các nước khác nhận bớt tù nhân từ Guantanamo, qua đó tạo điều kiện để Washington dẹp bỏ nhà tù đã mang lại nhiều tai tiếng và làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm