Bà Obama: "Ông ấy hiểu rõ những gia đình khó khăn"

06/09/2012 10:31 GMT+7 | Trong nước


Một tuần sau đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ Mỹ cũng tưng bừng khai hội vào ngày 4-9 (giờ Mỹ) tại Charlotte, bang North Carolina, với vai trò nổi bật của đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Theo AFP, trong ngày đầu của đại hội, các diễn giả của Đảng Dân chủ thuộc đủ mọi thành phần từ phụ nữ đến người gốc Phi, gốc Latin... lần lượt lên sân khấu tố ứng cử viên Mitt Romney của Đảng Cộng hòa là một kẻ giàu sụ, vô cảm, vô tâm, chỉ chăm bẳm lo cho giới nhà giàu.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Harry Reid cũng đăng đàn cho rằng ông Romney đã không nộp thuế thu nhập trong 10 năm qua. Đảng Dân chủ thậm chí còn dẫn một đoạn phim ghi lại cuộc tranh luận giữa Romney và cố nghị sĩ Ted Kennedy năm 1994, trong đó ứng viên Cộng hòa này lúc đó đã ủng hộ việc phá thai hợp pháp, khác với hiện nay là chống lại.

Đêm của phụ nữ

Bài phát biểu của bà Michelle Obama là điểm nhấn trong đêm đầu tiên của đại hội Đảng Dân chủ. Đáp lại câu chuyện gia đình cảm động của bà Ann Romney tuần trước, bà Obama kể lại hành trình cơ hàn của chồng mình trước khi làm tổng thống. “Barack được nuôi lớn bởi một bà mẹ tảo tần lo chạy thanh toán các hóa đơn... Barack hiểu một gia đình gặp khó khăn là như thế nào” - bà Obama kể. Gọi chồng mình là “một người đàn ông đáng tin cậy” và hiểu rõ về giấc mơ Mỹ, bà Obama kêu gọi giới cử tri hãy cho tổng thống Mỹ thêm bốn năm để giải quyết các rắc rối của nền kinh tế Mỹ.

“Ông ấy nhắc tôi nhớ rằng chúng ta đang chơi một trò chơi dài hơi, thay đổi thì khó khăn, chậm và không bao giờ xảy ra tất cả cùng một lúc” - đệ nhất phu nhân nhấn mạnh. Bà vạch rõ sự khác biệt giữa những giá trị của chồng mình so với ông Romney: “Đối với Barack, thành công không nằm ở việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà ở chỗ sự khác biệt mà bạn tạo ra cho cuộc sống của mọi người”.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama dưới ánh đèn sân khấu hội nghị Đảng Dân chủ - Ảnh: Reuters

CNN dẫn lời giáo sư lịch sử Catherine Allgor thuộc Đại học California, nhận định đã qua rồi cái thời phu nhân các chính trị gia chỉ biết đứng mỉm cười, vẫy tay bên chồng và xuất hiện lác đác trên một số tạp chí dành cho phụ nữ. Khác với một số nước châu Âu, nơi các cử tri thậm chí không biết gì về gia đình các chính trị gia, tại Mỹ các đệ nhất phu nhân luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của công chúng.

“Người Mỹ chúng ta tin rằng một người vợ có thể kể cho chúng ta về chồng của họ theo cách mà ta không thể thấy qua quảng cáo, phát biểu hay các cuộc tranh luận. Đó là về phẩm hạnh cá nhân, tính tình, cách phản ứng trước khủng hoảng, nói gọn lại là về con người thật của ông ta” - giáo sư Allgor nhận định về bài phát biểu của bà Michelle Obama.

Ngôi sao trong ngày đại hội thứ hai sẽ là cựu tổng thống Bill Clinton, người được mệnh danh là “người kinh doanh ý tưởng cho Đảng Dân chủ”. Giới phân tích đánh giá cao khả năng gây ảnh hưởng của ông nhờ tài “phủ mật” cho các đòn tấn công của mình và giải thích gãy gọn các ý tưởng phức tạp cho cử tri. Ông Clinton thậm chí còn xuất hiện trong một quảng cáo cho chiến dịch tranh cử của ông Obama. “Ông Clinton sẽ khiến tình thế của ông Obama trở nên tốt còn hơn cả ông Obama tự giúp mình” - cựu cố vấn William Galston nhận định.

Những bất mãn

Các thành viên Đảng Dân chủ không quên liệt kê những thành công của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên, gồm việc chỉ đạo chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và gói giải cứu tài chính cho các ngành công nghiệp Mỹ. “Bốn năm trước, Mỹ đứng bên bờ suy thoái - ông Julian Castro, thị trưởng thành phố San Antonio (Texas), phát biểu - Vượt qua những trở ngại không thể tin được và sự chống đối của phe Cộng hòa, tổng thống của chúng ta đã hành động. Và bây giờ chúng ta chứng kiến 4,5 triệu việc làm mới đã được tạo ra”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những bất ổn kinh tế đang ảnh hưởng mạnh đến hình ảnh của ông Obama. Ngày 4-9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nợ công của Washington đã vượt ngưỡng 16.000 tỉ USD, tăng gần 1.000 tỉ USD so với năm ngoái và là năm thâm hụt thứ tư liên tiếp. Con số này tương đương 104% GDP hằng năm của Mỹ, tức mỗi người dân gánh món nợ hơn 50.000 USD, và được dự đoán sẽ mau chóng chạm mức trần 16.390 tỉ USD mà chính phủ đặt ra năm ngoái.

Cộng đồng người gốc Latin cũng thất vọng với lời hứa cải cách luật nhập cư của ông Obama sau khi Đảng Cộng hòa mới đây bác bỏ đạo luật DREAM nhằm cho phép con cái người nhập cư bất hợp pháp được ở lại Mỹ. Theo CNN, dù sự ủng hộ đối với các chính sách của ông Obama có bị xao động, đương kim tổng thống Mỹ vẫn được nhiều cử tri yêu quý về mặt cá nhân.

Ông Obama dự kiến có bài phát biểu chấp nhận ứng cử cho cuộc đua giành nhiệm kỳ thứ hai vào tối 6-9 trước hàng chục ngàn người ủng hộ. Sử gia ghi chép về các đời tổng thống Mỹ Douglas Brinkley nhận định ông Obama sẽ cần thêm một nhiệm kỳ nữa để ghi dấu hình ảnh một nhà lãnh đạo của sự thay đổi. “Người ta không thể làm điều đó trong một nhiệm kỳ” - ông Brinkley nhấn mạnh.

Theo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm