Ông bầu mỏi gối, chùn chân?

13/11/2014 14:12 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Kỷ nguyên V-League gắn liền với vai trò của các ông bầu, tức những ông chủ doanh nghiệp có đam mê bóng đá và đầu tư vào bóng đá. Người người được lợi, nhà nhà được lợi. Nhưng cùng với thời gian, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng thì những mâu thuẫn (giữa doanh nghiệp với địa phương, giữa CLB với BTC các giải đấu…) cũng phát sinh và khi mâu thuẫn không (hoặc chưa) thể giải quyết thì hàng loạt các ông bầu đã ra đi không lời từ biệt.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đối diện với bài toán khó về tài chính, đấy là điều đương nhiên, khi bản thân bóng đá chưa thể nuôi sống cơ thể mình. Nói theo ngôn ngữ hình ảnh, nền bóng đá đang có nguy cơ trở lại thời kỳ “đồ đá”, như trước khi V-League ra đời.

Những “cánh chim báo bão”

Cho đến lúc này, bầu Tuấn, bầu Long của Hoà Phát Hà Nội (HP.Hà Nội) vẫn được biết đến như những ông bầu đầu tiên nói lời chia tay quả bóng tròn sau khi kết thúc V-League 2011. Tuy nhiên, nếu suy xét một cách ngọn ngành thì bầu Kiệt (Khách sạn Khải Hoàn) và bầu Vạn (Đá Mỹ Nghệ Vạn Chinh, sau này gắn thêm “cái đuôi” Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn, mà theo giải thích của bầu Vạn là để khán giả biết đây là đội bóng của Sài Gòn) mới là “cánh chim báo bão” cho những cuộc bể dâu chưa có hồi kết giữa doanh nghiệp và bóng đá chuyên nghiệp.

Sau nghi án mua chuộc và dàn xếp tỷ số ở mùa giải hạng Nhất 2004 bị phanh phui, bầu Kiệt (ông Huỳnh Anh Kiệt, Chủ tịch Khách sạn Khải Hoàn) cảm thấy như bị phản bội nên nói lời chia tay luôn với bóng đá. Suất chơi sau đó được nhượng lại cho Đá Mỹ Nghệ Vạn Chinh (một đội bóng phong trào tư nhân khác, mà bầu Ba Vạn là ông chủ tối thượng), nhưng tuổi thọ cũng không kéo dài lâu. Sau mùa giải 2007, Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn cũng giải thể. Bầu Vạn lập tức bán toàn bộ khu sinh hoạt – tập luyện bên Q.7 khi bất động sản vẫn còn sốt.

Như hiệu ứng domino, sau bầu Tuấn, bầu Long như đã nhắc ở trên, lần lượt đến bầu Kiên (CLB BĐ Hà Nội, năm 2012), bầu Thọ (N.Sài Gòn 2012), bầu Thuỵ (XMXT.Sài Gòn 2013), bầu Trường (V.Ninh Bình 2014)… Đấy là chưa kể những đội bóng bán tư nhân khác như Ngân hàng Đông Á, SĐT.Long An, TMN.Cảng Sài Gòn, SQC.Bình Định, K.Khánh Hoà, K.Kiên Giang, HV.An Giang, Trẻ Đà Nẵng, Trẻ Khánh Hoà, TDC.Bình Dương, XSKT.Lâm Đồng… Ước tính có khoảng gần 20 CLB đã “mất tích” trong 14 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các cuộc bể dâu, mà tiền chỉ là một phần của vấn đề. Cơ bản là chúng ta thiếu một lộ trình dài hơi tiến đến bóng đá chuyên nghiệp, khi một thời gian dài, bóng đá gần như được khoán trắng cho daonh nghiệp.

Đội bóng là của ông bầu, thay vì của cả cộng đồng; giải đấu cũng là của ông bầu (với sự ra đời của VPF cuối năm 2011), khi đáng ra nó cần sự can thiệp và định hướng sát sao hơn của VFF, tổ chức xã hội nghề nghiệp cao nhất, chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của nền bóng đá, cũng như các giải đấu.

Còn ta với nồng nàn

V-League 2015 chưa khởi đi, nhưng phong thanh thông tin tân binh TĐCS.Đồng Tháp (với phiên hiệu mới gần nhất là XSKT.Đồng Tháp) cũng có ý định buông. Một lần nữa, bầu Thắng (đương kim Chủ tịch HĐQT Công ty VPF) đã lại phải lên tiếng kêu gọi Hội Doanh nghiệp trẻ của ông chung tay cứu đội bóng xứ Tràm Chim. Cũng với cách này, tưởng như K.Kiên Giang đã không bị xóa bỏ, nhưng kết cục như thế nào, chắc tất cả đều đã biết. Có thể sẽ có một (hay vài) đơn vị đứng ra “cứu trợ” bóng đá Đồng Tháp, nhưng như thế liệu có bền?!  

“Còn bao nhiêu (đội) chơi bấy nhiêu”, là thông điệp gửi đi từ VPF cũng như lãnh đạo cấp cao nhất của VFF, sau khi nền bóng đá cũng như các giải đấu cứ liên tiếp phải đón nhận những tin tức giải tán, giải thể từ các đội bóng. Tuy nhiên, đó dường như là biểu hiện “giận lẫy” của những nhà điều hành, chứ xét về thái độ trọng vọng, cầu thị và cầu tiến thì đấy không phải là cách trả lời khôn ngoan. Các đội bóng bây giờ thậm chí không thèm doạ bỏ giải như trước đây nữa, mà tự ý giải tán luôn, không ngại bất cứ một chế tài nào của các đơn vị tổ chức. Bóng đá suy cho cùng chỉ là một trò chơi!

Phải, bóng đá là một trò chơi, nhưng cuộc chơi cần có luật lệ và sự công bằng tương đối. Nhưng nói không ngoa, V-League bây giờ là chuyện của BTC, với B.Bình Dương và các đội bóng của bầu Hiển. Hết!

Kỳ 3: Biểu tượng thất truyền (Nguy cơ biến mất của một loạt các thương hiệu ở V-League như TĐCS.Đồng Tháp và thậm chí cả SLNA)

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm