Bước ngoặt hay... tự làm khó?

09/11/2014 14:30 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/12/2007, thủ môn người Brazil Fabio dos Santos của ĐT.Long An chính thức được nhận quốc tịch Việt Nam, với tên Việt Phan Văn Santos, trở thành là cầu thủ nước ngoài đầu tiên ở V-League, mở đầu trào lưu nhập tịch rầm rộ trên sân cỏ Việt kéo dài suốt từ đó đến nay.

Có 2 hình thức nhập tịch dành cho cầu thủ nước ngoài ở Việt Nam, thứ nhất là thi đấu liên tục trên 5 năm tại V-League hoặc giải hạng Nhất, thứ hai là lập gia đình với phụ nữ Việt Nam. Hiện tại, trong khoảng hơn 20 cầu thủ nhập tịch đã, đang hoặc từng có mặt ở Việt Nam thì phần lớn các trường hợp đều được nhận quốc tịch Việt Nam nhờ thi đấu trên 5 năm liên tục tại V-League hoặc giải hạng Nhất, chỉ một số ít trở thành người Việt nhờ làm rể Việt như Huỳnh Kesley Alves, Đinh Hoàng Max, Hoàng Vissai hay Nguyễn Trung Sơn.



Phan Văn Santos, ngoại binh nhập tịch đầu tiên của bóng đá Việt Nam.Ảnh: Q.N

5 năm, 2 lần quyết định

Cách đây 5 năm, VFF từng nêu ra ý tưởng về việc hạn chế ngoại binh, khi tại Đại hội VFF khóa 6, tổ chức ngày 15/10/2009, ông Nguyễn Danh Thái, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, đã phát biểu trong Đại hội về việc hạn chế ngoại binh nhập tịch thi đấu ở V-League và giải hạng Nhất QG. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, ý tưởng này đã “chết yểu”, và 5 năm sau, một lần nữa chủ đề này lại được VFF đưa ra và lần này quy định về việc hạn chế ngoại binh nhập tịch đã trở thành hiện thực ở mùa bóng năm sau.

Có thể xem đây là một bước ngoặt thực sự của bóng đá Việt Nam sau 14 năm lên chuyên, bởi sự xuất hiện của ngoại binh và ngoại binh nhập tịch chính là 2 đặc trưng tiêu biểu của V-League, và sự cải thiện cũng như sa sút về chất lượng của bóng đá Việt Nam đều diễn ra nhờ sự xuất hiện của 2 thành phần này.

Theo như giải thích của VFF thì quyết định hạn chế ngoại binh nhập tịch được đưa ra là để giảm sự phụ thuộc của các đội bóng vào ngoại binh, tạo cơ hội ra sân cho các cầu thủ nội, đặc biệt là cầu thủ trẻ và cũng để tháo gỡ những khó khăn, nhất là khó khăn về tài chính của các CLB.

Tuy nhiên, trong lúc mà công tác đào tạo trẻ mới chỉ được chú trọng từ sự xuất hiện của U19 HA.GL, thị trường khan hiếm cầu thủ nội có chất lượng, thì rõ ràng cầu thủ ngoại binh và cả cầu thủ nhập tịch vẫn là nguồn cung quan trọng. Vậy quyết định này có thực sự phù hợp trong giai đoạn hiện tại? Và với những đội bóng có tiềm lực tài chính, đây rõ ràng vẫn là cách làm có hiệu quả để tăng cường sức mạnh.

Điểm khác biệt của việc VFF ban hành quyết định hạn chế ngoại binh nhập tịch lần này là VFF và VPF đã hỏi ý kiến các CLB chuyên nghiệp trước khi đưa ra thành nghị quyết, thay vì dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt (và bị phản ứng dữ dội) như trường hợp đã xảy ra cách đây 5 năm.

“Tây” giờ không giống “Tây” xưa

Không khó để lý giải cho sự thay đổi về quan niệm này của các đội bóng, bởi cách đây 5 năm, khi V-League còn ở thời điểm cực thịnh thì giá trị sử dụng của các cầu thủ ngoại binh nhập tịch vẫn còn rất cao, và với núi tiền được các ông bầu và doanh nghiệp đổ vào bóng đá lúc đấy, hầu như các CLB chẳng gặp khó khăn gì để đăng ký một vài ngoại binh nhập tịch trong đội hình thi đấu của mình.

Trong khi đó, tình hình bây giờ đã hoàn toàn thay đổi, khi đại đa số ngoại binh nhập tịch đều đã luống tuổi, không còn ở đỉnh cao phong độ nên giá trị sử dụng của họ gần như không còn nhiều. Bên cạnh đó, do tình trạng khó khăn của nền kinh tế còn chưa chấm dứt nên không phải CLB nào cũng đủ khả năng tài chính để sử dụng ngoại binh nhập tịch, bởi dù ở phong độ hay tuổi tác như thế nào thì số cầu thủ này cũng được hưởng chế độ đãi ngộ cao hơn các đồng nghiệp Việt Nam.

Vì thế, phản ứng của các CLB hiện tại có đủ khả năng sử dụng ngoại binh nhập tịch ở V-League trước quyết định của VFF là khá bình thường, thậm chí đại diện một số CLB còn cho rằng việc VFF đưa ra quyết định hạn chế ngoại binh nhập tịch ở thời điểm này là hơi muộn.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB Hà Nội.T&T, cho rằng hiện tại chỉ có chưa đầy 1/3 trên tổng số hơn 20 ngoại binh nhập tịch có thể thi đấu tốt, nhưng không đủ để cạnh tranh với ngoại binh, trong khi chế độ tài chính mà họ được nhận lại cao hơn hẳn so với cầu thủ nội.

Có cùng quan điểm với ông Hội, ông Cao Văn Chóng, TGĐ Cty cổ phần thể thao bóng đá B.Bình Dương, nhận định rằng quyết định hạn chế ngoại binh của VFF đưa ra ở thời điểm này là không còn nhiều ý nghĩa, bởi trào lưu sử dụng ngoại binh nhập tịch bây giờ không còn thịnh hành như trước, và bản thân đội ngũ ngoại binh nhập tịch hiện tại cũng không còn ở đỉnh cao phong độ.

Nhận định của ông Hội, ông Chóng hoàn toàn đúng với tình hình thực tế của bóng đá Việt Nam lúc này, bởi trong số các ngoại binh nhập tịch hiện tại ở V-League, gần như chỉ duy nhất Hoàng Vũ Samson (Hà Nội.T&T) vẫn còn ở phong độ tốt nhất, còn số khác đều chỉ là cái bóng của chính mình hoặc được sử dụng theo kiểu “yếu trâu còn hơn khoẻ bò” chứ không phải là động lực để gánh vác toàn đội như trước.

Tại Hội nghị BCH VFF khóa VII diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua tại Cần Thơ, Hội nghị đã nhất trí thông qua quy định về đăng ký cầu thủ nước ngoài và cầu thủ “nhập tịch”; thống nhất về số lượng các CLB tại mùa giải 2016-2018.

Theo đó, ở giải VĐQG (V-League), 2 CLB tham dự AFC Champions League sẽ được quyền đăng ký tối đa 3 cầu thủ nước ngoài và 1 cầu thủ quốc tịch châu Á. Trong các trận đấu tại V-League, CLB được đăng ký và sử dụng trên sân tối đa 2 cầu thủ trong tổng số 4 cầu thủ nước ngoài.

Các CLB không giành quyền tham dự AFC Champions League được đăng ký tối đa 2 cầu thủ nước ngoài và sử dụng trên sân 2 cầu thủ trong mỗi trận đấu. Đối với cầu thủ “nhập tịch”, mỗi CLB sẽ được đăng ký tối đa 1 cầu thủ trong danh sách đăng ký tham dự giải và trong danh sách đăng ký thi đấu.

Ở giải hạng Nhất QG, CLB sẽ không được sử dụng cầu thủ nước ngoài và chỉ được đăng ký tối đa 1 cầu thủ “nhập tịch”. Nhằm đảm bảo tính công bằng, tại Cúp QG số lượng cầu thủ nước ngoài và cầu thủ “nhập tịch” sẽ được áp dụng theo thực tế của từng trận đấu.

Cụ thể: Nếu 2 CLB V-League gặp nhau, mỗi CLB được sử dụng tối đa 2 cầu thủ nước ngoài và 1 cầu thủ “nhập tịch”. Nếu 2 CLB hạng Nhất QG gặp nhau, mỗi CLB được sử dụng tối đa 1 cầu thủ “nhập tịch”.

Nếu là trận đấu giữa 1 CLB V-League và 1 CLB hạng Nhất QG, mỗi CLB được sử dụng tối đa 1 cầu thủ “nhập tịch”.


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm