Ở nơi không bao giờ thiếu “Jabulani”

15/06/2010 13:04 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Trái bóng World Cup được “rửa tội” với tên “Jabulani” (nghĩa là “ăn mừng”, theo tiếng zulu). Nhưng ở những khu da đen ở Nam Phi, bóng đá còn có một ý nghĩa khác ngoài việc thể hiện niềm vui với cuộc sống: đấy là một cơ hội để tìm lối thoát đói nghèo. Và giấc mơ trở thành cầu thủ sang đá ở châu Âu là một nỗi ám ảnh.

Có một cảm giác vui vẻ nhưng đượm buồn gợn lên khi nhìn chúng chơi bóng trong góc nhỏ đầy bụi đỏ, trên những con phố rải bê tông của các khu da đen ở ngoại ô các thành phố lớn của Nam Phi. Những đứa trẻ đuổi theo trái bóng chỉ tuổi độ 10, 12, có khi ít hơn. Chúng nở những nụ cười tươi tắn và trong trẻo, lấy những viên gạch sứt sẹo dựng làm khung thành và ghi bàn từ những đôi giày cũ kĩ, rách rưới và không có mác Adidas hay Nike. Những trái bóng mà chúng rượt theo cũng không phải “Jabulani” như những chàng cầu thủ triệu phú đang vờn nhau trên những sân cỏ ầm vang tiếng vuvuzela, trong ánh đèn sáng rực và chớp flash lấp lóa. Ở đây có một World Cup khác, diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ở mọi nơi có thể trong những khu nghèo lụp xụp và tỉ lệ thất nghiệp của cha mẹ những đứa trẻ cao khủng khiếp. Chúng đá bóng và mơ giấc mơ đổi đời, để một ngày nào đó từ Soweto hay Pretoria West đến với những Madrid chơi cho Real hay Atletico, đến Anh chơi cho Chelsea hay M.U, đến Ý khoác áo những Inter hay Juve.

Nhìn từ châu Phi, châu Âu cũng giống như nước Mỹ, và tầm nhìn của những đứa trẻ Soweto vượt qua muôn trùng đại dương để đến với những sân cỏ xanh mướt chứ không đầy sỏi đá và cỏ lưa thưa bạc màu như ở đây. “Yes, we can”. Rời khỏi châu Phi là để trở nên nổi tiếng, nhiều tiền bạc, xe hơi hạng sang, những đêm rực lửa trong các hộp đêm, nơi có rất nhiều phụ nữ đẹp, nơi có ánh đèn nhấp nháy và tiếng nhạc ầm ỹ thay cho những đêm mất điện và tiếng nhạc nhảy hoang dã của người zulu hay xhosa. Chúng muốn trở thành những Eto’o, Drogba, Toure hay Roger Milla, những người hùng thực sự. Nếu không trở nên nổi tiếng như những ngôi sao ấy, thì cũng mơ một ngày nào đó được khoác lên mình chiếc áo đấu của Orlando Pirates hay Kaizer Chiefs và chiến đấu cùng nhau trên sân Orlando, ngay ở rìa khu Soweto.


Từ thưở bé, chúng đã là CĐV của một trong hai đội bóng ấy và nếu là người của Orlando Pirates, chúng sẽ hét lên trên khán đài “Up the Bucks”, là người hâm mộ Kaizer, chúng sẽ la lên “Amakhosi for life”. Những người tuyển trạch viên của 2 đội bóng ấy không bao giờ quên đi nguồn gốc của mình, và họ luôn tìm kiếm trong những khu cặn bã của Soweto những tài năng mới. Soweto vì thế cũng không khác Rio de Janeiro ở Brazil. Những sân cỏ gập ghềnh đất đỏ bụi mù ở Soweto cũng không khác những sân bãi nghèo nàn, hay bờ biển Ipanema nơi người ta chơi bóng ở đất nước 4 năm sau nữa cũng sẽ đăng cai một World Cup. Và nữa, Soweto cũng như Rio, đều có những dự án hỗ trợ cho trẻ em và phòng chống HIV/AIDS qua bóng đá để chúng không chết dần chết mòn như cha mẹ chúng. Nhưng có ai biết rằng Nam Phi hiện có 280 nghìn trẻ em nhiễm AIDS. Cũng ngần ấy đứa chết mỗi năm vì căn bệnh thế kỉ và nhiều bệnh tật khác, mà chưa một lần nhìn thấy châu Âu, dù là trên tivi.

Bây giờ, Soweto cũng như Pretoria West và nhiều khu da đen khác nữa, cờ quạt World Cup được chăng khắp nơi. Những biểu tượng của World Cup được đám trẻ vẽ nguệch ngoạc bằng phấn trên đường, điều không thấy ở những khu da trắng giàu hơn, sạch sẽ hơn và ít ầm ỹ hơn. Bóng đá vẫn là môn thể thao của người da đen, và chính việc thả tự do cho Mandela của chế độ apartheid vào năm 1990, đã dẫn đến việc bóng đá Nam Phi trở lại đấu trường thế giới sau gần 40 năm bị FIFA tẩy chay. Người da trắng bây giờ không hâm mộ bóng đá. Họ thích cricket và rugby, những môn thể thao đậm chất Anglo-Saxon hơn. Đấy từng được coi là một hình thức phân biệt chủng tộc.

Dưới thời apartheid, họ đã từng loại bỏ những cầu thủ da đen khỏi đội hình và không giấu giếm tham vọng một ngày dự World Cup bằng đội hình toàn trắng. Họ cũng từng rời bỏ bóng đá để không dính dáng đến màu da đen. 40 năm trước cũng như bây giờ, Soweto và các khu định cư da đen ở các nơi trên đất Nam Phi đã thay đổi ít nhiều, nhưng tình yêu bóng đá của lũ trẻ không thay đổi. Chúng đá ở bất cứ đâu có mặt phẳng, bất kể thời tiết và chúng không quan tâm đến những gì còn lại của cuộc sống ngoài niềm vui ít ỏi mà chúng có khi những World Cup trên sân đất hoặc bê tông ở các khu da đen bắt đầu. Đôi khi châu Âu hay thậm chí những trận derby Soweto cũng chỉ là giấc mơ xa xôi, nhưng dường như ở những xó xỉnh cát bụi và đầy rẫy tội phạm này, nơi mạng sống rất rẻ, tuổi thọ đời người rất thấp, thì bóng đá thể hiện một niềm vui sống không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trong những thế giới giàu sang.


Tôi đã được chứng kiến một trận đấu của lũ trẻ ở ngoại ô Johannesburg, trong một khu cặn bã của Soweto. Những đứa trẻ mơ mình một ngày sẽ đến chân trời Âu, hoặc ít may mắn hơn, khoác áo một đội bóng nào đó của khu dân cư da đen lớn nhất thế giới này, đã sững sờ ngạc nhiên khi tôi giơ máy ảnh lên, và rồi như bừng tỉnh lại đuổi theo trái bóng trên con đường đầy bụi cát trong ánh nắng gay gắt của buổi trưa. Có một cô bé tuổi chừng 12 cũng hăng hái tham gia. Cô vừa tan học, vẫn còn mặc váy của nhà trường. Ai biết tương lai của cô sẽ ra sao và lũ trẻ này sẽ thế nào, đứa nào sẽ chết vì bị bắn, bị cướp, bị hiếp, bị AIDS và ai sẽ trở thành ngôi sao trong tương lai? Có lẽ chúng cũng chẳng bao giờ nghĩ đến những câu hỏi ấy. Chúng cứ đá, cứ cười và bụi mù lên trên con đường bê tông, trong chân là những đôi giày rách rưới và một quả bóng không có tên “Jabulani”.


Bài và ảnh: Anh Ngọc
(đặc phái viên của TTXVN tại World Cup 2010, từ Johannesburg)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm