06/03/2023 12:43 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Có người lựa chọn về quê vì cuộc sống ở thành phố lớn quá đắt đỏ. Cũng có những người quyết định bám trụ vì tiếc công học hành bấy lâu nay.
Gần đây, trên MXH có cuộc tranh luận về câu chuyện bỏ phố về quê. Cụ thể, liệu có nên chấp nhận áp lực ở thành phố lớn với mức lương 15 triệu hay về quê nhận 8 triệu nhưng sống thoải mái hơn?
Trên thực tế đây vẫn luôn là chủ đề được thảo luận sôi nổi. Lựa chọn về quê hay bám trụ ở thành phố luôn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ tương lai. Và khi đã đưa ra quyết định sẽ rất khó để có thể bảo rằng: chọn sai, sau này vẫn có thể sửa. Bởi vì một khi đã về quê, sẽ rất khó để trở lại thành phố và cạnh tranh tìm việc. Ngược lại, tìm công việc phù hợp ở quê, thay đổi môi trường sống cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Mai Nguyễn (28 tuổi) chia sẻ rằng khoảng 3 năm trước khi vừa kết hôn, cô vẫn quyết định bám trụ lại Hà Nội. Lúc đó mức thu nhập của 2 vợ chồng rơi vào khoảng 18 triệu đồng, thuê 1 căn phòng 4 triệu, những khoản chi tiêu khác khá thoải mái. Tuy nhiên, khi tính toán đến việc sinh con, mọi thứ trở nên khó khăn hơn.
“Thật ra, theo mình thấy ăn uống ở thành phố không quá đắt đỏ như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần tự nấu ăn, chi phí ăn uống sẽ giảm xuống rất nhiều. Song, khi đã kết hôn và chuẩn bị có con, nhà cửa trở thành vấn đề lớn. Nếu tiếp tục thuê nhà, bọn mình cần thuê nguyên căn hộ mini hoặc phòng lớn hơn rơi vào khoảng 6 triệu/ tháng, chiếm đến ⅓ tổng thu nhập. Còn nếu muốn vừa sinh con vừa tiết kiệm mua nhà ở Hà Nội thì khá vô vọng”.
Sau khi tính toán, Mai Nguyễn cùng chồng quyết định trở về quê. Chồng cô với tấm bằng đại học kinh tế đã xin vào một ngân hàng nhỏ tại tỉnh Quảng Trị. Còn Mai Nguyễn, quyết định làm kế toán cho một cửa hàng nhỏ. Mức thu nhập của 2 vợ chồng giảm xuống còn khoảng 13 triệu/ tháng nhưng chi phí sinh hoạt cũng giảm đi rất nhiều. Mai Nguyễn cùng chồng quyết định sống cùng bố mẹ, đỡ được một phần tiền nhà.
Bên cạnh đó, gia đình nội ngoại đều ở trong một khu vực, do vậy khi sinh con, bố mẹ 2 bên cũng đỡ đần phần nào. Cho đến bây giờ, khi còn đã gần 2 tuổi, Mai Nguyễn vẫn nhờ ông bà trông hộ, tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
“Trên thực tế, mình nghĩ vẫn sẽ có nhiều người xoay xở được trên thành phố lớn. Tuy nhiên, với những người chỉ có khả năng ở tâm trung như vợ chồng mình, việc nỗ lực để có thu nhập cao hơn là rất khó. Mình nghĩ rằng ai lập gia đình mà thu nhập 15 triệu/ tháng sống ở Hà Nội như muối bỏ biển, chẳng thấm vào đâu, rất khó để trang trải chi phí”.
Theo những quan sát của Mai Nguyễn, cô bạn vẫn cho rằng nếu ai có lộ trình thăng tiến tốt, thu nhập 2 vợ chồng khoảng 25 triệu trở lên thì hãy nghĩ đến việc bám trụ ở thành phố lớn.
Trái ngược với gia đình Mai Nguyễn, Minh Lan (24 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) dù có mức thu nhập chỉ với 8 triệu/ tháng nhưng vẫn muốn ở lại Hà nội. “Mình học hành vất vả để đậu đại học tại Hà Nội, nỗ lực 4 năm ra trường với tấm bằng giỏi không phải để về quê”, đây là lời chia sẻ của Minh Lan khi nói về chuyện bỏ phố về quê.
Hiện tại, Minh Lan đang là nhân viên văn phòng với mức lương 8 triệu/ tháng. Cô bạn chia sẻ rằng đây là một mức thu nhập khá thấp so với những người ở tuổi 24 tại Hà Nội. Tuy nhiên, cô bạn đang làm trong một công ty khởi nghiệp khá thú vị, học được rất nhiều điều từ sếp và đồng nghiệp nên chấp nhận đánh đổi.
Cuộc sống của Hà Nội khá đắt đỏ, riêng tiền phòng bao gồm điện nước đã khoảng 3 triệu/ tháng. Bên cạnh đó, do có bố mẹ hỗ trợ gửi thức ăn từ quê ra Hà Nội, hàng tháng cô bạn vẫn tiết kiệm được 1-1,5 triệu. “Đúng là tiết kiệm không nhiều, sống với mức lương 8 triệu/ tháng khá bấp bênh. Tuy nhiên, mình nhìn thấy được lộ trình thăng tiến trong công việc và tin tưởng rằng thu nhập có thể cao hơn, do vậy mình vẫn quyết định cố gắng”.
Mặt khác, với câu chuyện bỏ về quê, xét trên khía cạnh cuộc sống, Minh Lan cảm thấy khá bó buộc. Tức là lựa chọn công việc không có quá nhiều, không thể trải nghiệm cũng như tích luỹ kinh nghiệm nhanh như Hà Nội. Cuộc sống ở thành phố dù vội vàng nhưng lại tự do hơn, và Minh Lan thích nhịp sống như vậy.
“Mình còn trẻ, không phải chịu trách nhiệm tài chính với bất kỳ ai. Bố mẹ mình đều là những người chủ động trong tài chính, bố mẹ luôn chỉ cần mình có thể tự sống tốt. Với bối cảnh như vậy, mình vẫn quyết định tiếp tục bám trụ tại thành phố lớn này để tìm kiếm thêm nhiều cơ hội”.
Cả Mai Nguyễn lẫn Minh Lan đều cho rằng lựa chọn bỏ phố về quê hay bám trụ tiếp ở thành phố còn phụ thuộc vào mong muốn cũng như hoàn cảnh từng người. “Đúng là 15 triệu/ tháng với người có gia đình rất khó sống nhưng lại là con số thoải mái với những người độc thân. Thậm chí, đối với người trẻ độc thân như mình, có thể chấp nhận ở nhà thuê cả đời, 8 triệu/ tháng cũng là mức thu nhập đủ sống”, Minh Lan chia sẻ.
Cô bạn cho rằng sau mỗi lựa chọn, mọi người cần phải tính toán cụ thể để tránh phải vay nợ chỉ để chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày. Minh Lan nhấn mạnh rằng điều này có thể khiến mọi người rơi vào vòng xoáy nợ nần khó có thể dứt ra.
Còn đối với Mai Nguyễn, cô muốn nhắn nhủ với những nhủ với những người có gia đình đó là đôi lúc về quê, làm lại từ đầu là quyết định có thể cân nhắc. Cuộc sống thành phố lớn quá vội vã, đắt đỏ, không phù hợp với tất cả mọi người.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất