08/08/2022 07:30 GMT+7 | Giải trí
Hiện nay, trong đời sống âm nhạc Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, nhạc Pháp là một sân chơi khá nhỏ, nếu xét về thị phần.
Có quá ít ca/nhạc sĩ theo đuổi nhạc Pháp. Ít đến mức có thể đếm được trên đầu ngón tay. Hơn 40 năm qua, thị trường âm nhạc Việt Nam có nhiều thay đổi, nhưng Thanh Hoa vẫn trung thành với một cung cách duy nhứt, đó là giai điệu trữ tình và lãng mạn của nhạc Pháp.
Thanh Hoa mê nhạc Pháp đến mức mà người trong nghề và khán giả phong cho danh hiệu “Nữ hoàng nhạc Pháp”. Vào tối nay (8/8), tại Asiana Plaza (TP.HCM), Thanh Hoa tổ chức live show kỷ niệm 41 năm ca hát, với chủ đề Tour L’amour (tạm dịch: Vòng tròn ái tình).
Xếp bút nghiên theo nghiệp âm nhạc
Hồi còn đi học, Thanh Hoa thường là một trong những học sinh giỏi nhất lớp. Chị đặc biệt mê sự lãng mạn của văn chương Pháp, vì vậy, thích học tiếng Pháp và nghe những ca khúc Pháp. Mới 11 tuổi, chị đã được thầy Tuấn Thành đào tạo và chọn vào nhóm thiếu nhi Tuổi hồng. Trong thời gian này, Thanh Hoa không chỉ luyện thanh, học hát, mà còn luyện đàn guitar, trống.
Rồi tình yêu âm nhạc lớn đến mức khiến chị bỏ lỡ cơ hội vào đại học, thay vào đó là dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Cha Thanh Hoa không đồng ý với quyết định này, nhưng người mẹ kính yêu đã ủng hộ chị, nhờ vậy, chị đã có thêm quyết tâm và nghị lực.
Có một thời, nhóm ca khúc Làn sóng nhỏ mà Thanh Hoa là thành viên, nổi tiếng đình đám. Họ thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và trình diễn ở hầu khắp các sự kiện âm nhạc cả nước.
Về sau, nhóm nhạc Làn sóng nhỏ tan rã, nhiều thành viên bỏ nghề, Thanh Hoa chuyển hướng hát đơn. Chị hát tình ca Việt song song với tình ca Pháp. Dần dà, chị chuyên sâu vào nhạc Pháp. Thập niên 1990 có thể xem là thời kỳ hoàng kim của Thanh Hoa, khi hằng đêm chị chạy sô đến 7-8 tụ điểm. Dịp lễ Tết thì chạy hát cho 11-12 sô ở các sân khấu khác nhau. Lúc ấy, chị thường kết thúc một ngày chơi nhạc của mình vào lúc nửa đêm về sáng. Đầu thập niên 1990, cùng với Ngọc Ánh, Phương Thảo, Thu Hà, Hồng Hạnh… Thanh Hoa luôn ở trong 10 ca sĩ chạy sô nhiều nhất, có cát-sê cao ngất ngưởng.
Khán giả mê chị bởi cái vẻ ngoài xinh đẹp, với máy tóc xoăn bồng bềnh và đường nét khuôn mặt hao hao người phương Tây. Nhưng trên hết là hình ảnh một nữ ca sĩ với chất giọng khỏe và mượt, ngân nga các ca khúc đẹp, vừa tự đệm đàn cho mình, một phong cách nghệ sĩ riêng biệt, khó bị trộn lẫn. Có nhiều khán giả, gần như mỗi đêm đến một phòng trà nào đó để nghe Thanh Hoa phiêu các giai điệu tình yêu phảng phất buồn như Les Amoureux Qui Passent, Je T'Aime, Adios Amour...
Một nguồn năng lượng bất tận
Về sau nữa, khi các đồng nghiệp đồng tuổi cùng thời gần như không còn chơi nhạc chuyên nghiệp, Thanh Hoa vẫn miệt mài hát ca bềnh bồng trong không gian thuộc về nhạc Pháp của chị, đó là các phòng trà. Ở đó, Thanh Hoa vẫn là nữ hoàng, với lượng khán giả hâm mộ trung thành và đồng cảm. Dòng chảy âm nhạc của chị có vẻ như yên ắng đến mức nhiều người ngỡ rằng nó không tồn tại, vì truyền thông ít nhắc đến, nhưng kỳ thực vẫn khá mạnh mẽ và liền mạch. Hầu như tuần nào Thanh Hoa cũng hát, năm nào cũng tổ chức nhiều show cho riêng mình và đồng nghiệp, mời nhiều ca sĩ tại Sài Gòn tham dự.
Xen lẫn vào đó là những chuyến lưu diễn châu Mỹ và châu Âu theo yêu cầu của những khán giả đã từng yêu mến chị, hồi họ còn ở trong nước. Đến nghe chị, họ rủ theo bạn bè, nhờ thế chị có thêm những khán giả mới.
Đến bây giờ vẫn vậy, tầng suất hoạt động của Thanh Hoa khiến nhiều người phải kinh ngạc. Mỗi tuần chị hát 5-6 tụ điểm, mỗi nơi hát nhiều bài. Mỗi khi bước ra sân khấu, khoác lên vai cây đàn ghi-ta, âm nhạc nổi lên, thì nguồn năng lượng lại bùng nổ như hồi đôi mươi. Hát với chị là một niềm vui và nguồn năng lượng bất tận. Nó giúp chị vượt qua nỗi buồn của hôn nhân tan vỡ; vượt qua nỗi đau cắt ruột khi phải lìa xa người mẹ mà chị yêu bằng tất cả trái tim; cho chị sự mạnh mẽ để nuôi dưỡng con gái học hành đến nơi đến chốn. Sức mạnh nội tại và sự say mê luôn tỏa ra bên ngoài, vì thế, các nhà sản xuất mời Thanh Hoa tham dự vô số sự kiện âm nhạc, talk show. Điều này không thường gặp ở những ngôi sao vào độ tuổi của chị, những người bắt đầu nổi tiếng vào khoảng cuối thập niên 1980 đầu 1990. Không chỉ vậy, chị còn mở lớp dạy đàn, kinh doanh bất động sản và cà phê sạch.
Theo Thanh Hoa, mẹ chị sinh 5 cô con gái và 4 chàng trai. Bà đã bươn chải để chu toàn cho tất cả 9 anh chị em bằng nghị lực tuyệt vời. Thanh Hoa thừa hưởng tính cách ấy của mẹ, nên khi đã bắt tay vào làm việc gì, chị sẽ làm một cách trọn vẹn. Trong năm 2022, sau show kỷ niệm 41 năm ca hát, Thanh Hoa tiếp tục tổ chức một bữa tiệc âm nhạc đặc biệt với sự xuất hiện của nhiều nhân vật nữ đặc biệt, chủ đề bao gồm 3 chữ tâm - tầm - tài. Đó là những người đã được công chúng thừa nhận tài năng. Họ sẽ gặp nhau trong một đêm để cùng Thanh Hoa thăng hoa bằng một câu chuyện âm nhạc đặc biệt.
Bây giờ nhìn lại hành trình của mình, Thanh Hoa rất cảm ơn người thầy đầu tiên Tuấn Thành, người đã trang bị cho chị kỹ năng căn bản, tạo cơ hội đầu đời. Tri ân cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã sáng tác cho riêng chị ca khúc Buồn ơi, chào mi!. Cảm ơn nhạc sĩ Trần Thiết Hùng đã cảm hứng từ hình ảnh của chị để sáng tác ca khúc nổi tiếng một thời là Cô bé có chiếc răng khểnh… Họ chính là những nhịp cầu cảm hứng, luân phiên nhau tiếp thêm tình yêu âm nhạc cho chị, để tận bây giờ nó vẫn còn bùng cháy mãnh liệt.
Cháy vé sô 41 năm ca hát Live show Tour L’amour có các khách mời như Phi Yến, Minh Lộc, Thanh Nguyệt, Tùng Yamaha, Candy Xuân, Đức Xuân, Bạch Lan, Dũng Đinh, Gia Tiến, Tuấn Anh… Ngay từ đầu tháng 8, sô này đã bán hết vé, nên mấy ngày qua xuất hiện tình trạng “vé chợ đen” theo kiểu mua đi bán lại. |
Nguyễn Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất