27/01/2015 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - NSƯT Kim Tiến chia sẻ băn khoăn: Tại sao khi chọn phát thanh viên, MC, lại chỉ lấy mỗi tiêu chuẩn xinh với giọng ấm, rồi tự trả lời: Vì mọi người nhìn vào hình thức quá nhiều. Chính bởi vậy mà thời gian qua không ít “thảm họa MC” bị công luận “ném đá”...
Dù "về hưu" đã lâu nhưng NSƯT Kim Tiến vẫn giữ độ "mật thiết" với nghề qua các hoạt động giảng dạy cho các lớp phát thanh viên thời sự chính luận cũng như các bộ phim do chị thuyết minh. Thậm chí, để tiện phục vụ cho công việc của mình bất kể thời gian, chị đã "rinh" cả một phòng thu âm về nhà. Sắp tới, chị sẽ xuất hiện trong một loạt các chương trình của VTV như Xuân đoàn viên, VTV Kết nối, Cuộc sống thường ngày.
* Có lý do gì đặc biệt khi chị "tái xuất"?
- Lý do là chẳng có lý do gì cả ! (Cười). Tôi nghĩ đơn giản là mình đáp ứng được, làm được nên nhận lời thôi!
* Ngày nay, khi công chúng dễ dàng tiếp cận mọi thông tin không chỉ qua truyền hình thì theo chị, MC hay PTV cần phải làm gì để tạo sức hút với người xem?
- Với tôi, từ "sức hút" vô cùng phong phú, nhưng muốn thu hút thì đầu tiên phải là chân thực. Muốn hút ai thì mình phải đứng ở góc độ của người được hút để biết họ cần gì ở mình. Ngoài ra, người dẫn phải có khả năng thể hiện nội dung muốn truyền đạt vì ý tưởng tốt nhưng thực hành không tốt thì cũng không được.
* Chị vừa nhắc đến tính trung thực của người làm nghề. Vậy chị đánh giá thế nào khi gần đây một số chương trình phát sóng sai sự thật?
- Đó là sự chủ quan nghề nghiệp. Đối với những người làm công tác văn hóa xã hội, kiến thức văn hóa và nghề nghiệp thôi chưa đủ mà cần phải có kinh nghiệm sống rất nhiều. Và còn cần có được cả sự nhạy cảm trời cho để nhận biết được thật - giả. Như trong phim Tôn Ngộ Không, quỷ sứ ở rất nhiều dạng, từ đứa trẻ ngây thơ, đến cô gái xinh đẹp, bà già khổ hạnh nhưng tại sao, Đường Tăng không nhìn thấy, chỉ có Tôn Ngộ Không nhìn thấy?
* Chị từng nói bây giờ, nhiều MC trẻ nghĩ rằng chỉ cần xinh đẹp, có giọng chuẩn là lên hình trong khi để trở thành MC thực sự, không dễ dàng. Nhưng ở thời đại của xem- nhìn hơn nghe, đó chẳng phải là lợi thế hàng đầu của nghề này? Theo chị điều kiện hàng đầu theo nghề này là gì?
- Tôi nghĩ rằng, bản chất của sự vật, nếu là dạng vật chất thì bao giờ có rồi cũng sẽ mất đi. Con người cũng vậy, hình thành từ tế bào, sống rồi cũng chết đi nên chỉ có tinh thần là vĩnh cửu. Vậy tại sao, chọn phát thanh viên, biên tập viên lại chỉ lấy mỗi xinh với giọng ấm thôi? Vì mọi người nhìn vào hình thức quá nhiều.
Tôi vẫn nhắc học sinh của mình, từ nguyên liệu thô làm thành sản phẩm, phải có công nghệ. Muốn để cuốn hút thì phải qua một giai đoạn công nghệ là kỹ thuật thể hiện, trên phông nền là kiến thức văn hóa, nghề nghiệp và cái tâm của bản thân. Điều đó xuất phát từ sự trung thực và tình yêu với nghề nghiệp mình đang làm. Công chúng - những người tiếp nhận thông tin, không phải họ không nhận định được mình khi nói từ cổ họng hay từ trái tim.
* Gần đây, công luận “ném đá” một số MC trong các chương trình Bước nhảy Hoàn vũ hay chung kết Hoa hậu Việt Nam, chị nghĩ có "thỏa đáng" không?
- Điểm qua tất cả các MC, tôi thấy quá hiếm những gương mặt chân thực với cuộc đời, với bản thân, với mọi người. Tất cả đều mắc bệnh dùng hình thức để lôi cuốn. Mỗi người làm nghề, muốn thu hút công chúng bằng trí tuệ, tình yêu hay bằng xảo thuật đều phải biết cân nhắc, giữ gìn vì nó sẽ tạo nên hiệu quả cuối cùng. Hình thức không giáo dục thẩm mỹ cho xã hội. Thời của chúng tôi, xuất hiện trên đài là mang thêm một nhiệm vụ: giáo dục từ thẩm mỹ, đến văn hóa. Bản thân những người xuất hiện trước công chúng là phải có chuẩn mực rồi. Chuẩn mực về sự khiêm nhường, về vẻ đẹp, thẩm mỹ chứ không thể theo bản năng !
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất