13/04/2022 07:36 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, nhà sản xuất, nhạc sĩ K-ICM cho ra mắt MV Chân mây, đánh dấu sự trở lại của ca sĩ Phương Thanh sau thời gian dài tạm vắng bóng. MV có âm hưởng của âm nhạc truyền thống, do NSƯT - tiến sĩ Hải Phượng cố vấn cho nhạc sĩ sáng tác và phối khí.
Nhân chuyện này, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện thêm với nghệ sĩ Hải Phượng về âm nhạc truyền thống, dân tộc và vai trò của nó trong đời sống âm nhạc hiện đại.
* Chị bình luận thế nào về vai trò của âm nhạc truyền thống trong ca khúc “Chân mây”?
- Trước tiên, xin đừng nhìn vào hình ảnh cổ trang mà nghĩ rằng âm nhạc dân tộc đóng vai chính trong Chân mây, nên tác phẩm này dành cho khán giả lớn tuổi, trung niên, thích hoài cổ. Đây vẫn là một sản phẩm nhạc trẻ với nhạc khí điện tử đóng vai trò chủ đạo, còn nhạc dân tộc chỉ là một yếu tố góp vào.
Tuy nhiên, tôi đánh giá rất cao ý tưởng của nhạc sĩ K-ICM khi muốn lồng âm nhạc truyền thống vào nhạc phẩm của mình. K-ICM có học về nhạc cụ dân tộc, nhưng vẫn cần đến kinh nghiệm lâu năm của tôi. Tôi đã tư vấn cho em sử dụng âm thanh và giai điệu của đàn tranh, đàn nhị và sáo trúc.
* Âm nhạc dân tộc/ truyền thống của Việt Nam đã tồn tại rất lâu, nhưng ngày nay bị thu hẹp dần. Theo chị, nguyên nhân vì sao?
- Đó là do lỗi của những người am hiểu về âm nhạc dân tộc thế hệ trước. Chúng tôi đã chưa có cách thức hiệu quả để hấp dẫn khán giả trẻ. Nhiều người cho rằng âm nhạc dân tộc phải xuất hiện trong không gia chỉn chu, trang trọng và có phần già nua, nên công chúng trẻ cũng nghĩ âm nhạc dân tộc là một thế giới không thuộc về mình.
Thực ra, nhiều nhóm nhạc trẻ đã phá cách khi vận dụng âm nhạc dân tộc vào phong cách sôi động, tươi vui, nhưng họ vẫn còn quá ít ỏi để tạo sự thay đổi về nhận thức. Từ đây, tôi thấy rằng các dự án âm nhạc như Chân mây sẽ là cơ hội để các bạn trẻ quan tâm hơn đến vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc, truyền thống. Từ quan tâm sẽ tìm hiểu, hiểu rồi sẽ mê, mê thì sẽ truyền lửa và lan tỏa. Tôi hy vọng như thế.
Lùi lại nhiều năm trước, ở Việt Nam có rất nhiều đoàn nghệ thuật trình diễn âm nhạc dân tộc, nhiều chương trình cổ nhạc được phát sóng trên truyền hình vào giờ vàng. Hiện tại, các chương trình ấy được phát sóng vào lúc… 2 giờ sáng. Khán giả muốn được tiếp cận với âm nhạc truyền thống khó quá. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có nhiều bàn tay góp vào để âm nhạc truyền thống được lan tỏa hơn.
* Trong xã hội kim tiền, theo chị, một người trẻ theo đuổi con đường âm nhạc dân tộc có thể tồn tại nổi không?
- Những người chơi nhạc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng sẽ phát triển cả hai bán cầu não trái và phải. Điều đó sẽ giúp trẻ lâu, nhớ dai, khỏe mạnh ở tất cả các hệ trong cơ thể. Lúc bạn chơi nhạc bạn phải tập trung sự chú ý cao độ nên công dụng của nó giống như thiền định vậy. Người chơi nhạc lâu năm rất bình tĩnh và ít bị cuốn vào cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố. Đó là lợi ích về sức khỏe và tâm trí.
Hiện nay, một sinh viên theo đuổi ngành âm nhạc dân tộc, ngoài việc học chơi nhạc cụ, nhạc khí, họ còn được trang bị nhiều kiến thức tổng hợp khác. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ có nhiều cơ hội như trở thành nghệ sĩ trình diễn, theo đuổi nghiên cứu, nhân viên tại các cơ quan văn hóa, thầy dạy nhạc tại các trường học, kể cả giảng dạy tại nhạc viện. Họ sẽ có khoản thu nhập tốt hơn một số ngành nghề khác trong xã hội.
* Trong nghệ thuật, sự nổi danh là yếu tố hấp dẫn người ta theo đuổi. Hiện tại, có nhiều nghệ sĩ trình diễn âm nhạc dân tộc nhưng có quá ít người được công chúng nhớ đến. Theo chị, lý do vì sao?
- Âm nhạc dân tộc hoặc lĩnh vực nào cũng thế, những ai khổ luyện đến một trình độ cao sẽ trở nên nổi bật và được chú ý. Tuy nhiên, ngoài tài năng còn phải có thêm một yếu tố gọi là dấn thân, may mắn. Ngay từ những ngày còn rất trẻ, bất cứ chương trình nào, dù ít khán giả, xa xôi, hẻo lánh hoặc ít tiền lương, nếu được mời, tôi đều xông xáo tham gia. Tôi muốn tận dụng những cơ hội thực tế ấy để rèn luyện, va chạm và hiểu thêm về nhu cầu thưởng thức của công chúng. Tôi xuất hiện nhiều đến mức người ta phải nhớ mặt. Vào năm 1992, tôi đã dám nhận lời chơi nhạc tại nhà hàng. Nhiều người tự hỏi năm học hành nghiêm túc mà chấp nhận phục vụ tại một hoàn cảnh xô bồ như vậy sao? Tôi nghĩ ngược lại, đó là nơi rèn giũa bản lĩnh của người nghệ sĩ, vì khoảng cách khán giả và người trình diễn rất gần.
Tại nơi ấy, nếu bạn chơi không hay, khán giả nhận ra ngay lập tức; dù họ đang ăn uống, nhưng nhiều khán giả, đặc biệt người ngoại quốc, lại rất tôn trọng nghệ sĩ. Tại đây, tôi đã được khán giả giới thiệu đến nhiều chương trình trong và ngoài nước. Cái sự “lì lợm” của tôi đã giúp tôi lọt vào mắt xanh của cố giáo sư Trần Văn Khê. Năm 1993, tôi tháp tùng ông sang Paris trình diễn trong một sự kiện. Buổi trình diễn này lọt vào mắt xanh của ông chủ hãng đĩa Ocora. Ông ấy đã tranh thủ thời gian ngắn ngủi tôi ở Pháp để thu album mang tên Đàn tranh xưa và nay. Album này giành giải thưởng quan trọng tại Pháp và Đức.
Cứ thế, cơ hội mở ra với tôi. Nhiều nghệ sĩ quốc tế biết đến và mời đích danh tôi tham gia các dự án của họ. Tôi một mình vác cây đàn đi hơn 20 nước, đi trong bỡ ngỡ, vì lần đầu đặt chân đến. Cái sự liều lĩnh, muốn đi để học và quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam là nguyên nhân giúp tôi được công chúng biết đến nhiều hơn.
* Mẹ chị, nghệ sĩ kiêm nhà giáo ưu tú Thúy Hoan là người như thế nào trong sự nghiệp của chị?
- Mẹ tôi là một người tràn đầy năng lượng và có khát khao mãnh liệt trong việc muốn quảng bá đàn tranh và nghệ thuật dân tộc nói chung. Từ năm 1986, các bài soạn của bà đã được đưa vào giáo trình giảng dạy tại nhạc viện. Năm ngoái, bà xuất bản sách Đàn tranh hòa điệu (quyển 1 và 2), năm nay, bà sắp xuất bản sách Tiểu phẩm dành cho đàn tranh.
Tôi lớn lên từ sự dạy dỗ rất nghiêm khắc của mẹ, nên luôn noi gương những gì bà đã cống hiến.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Biên soạn giáo trình đàn tranh “Ngoài công việc trình diễn, giảng dạy tại nhạc viện, tôi cũng biên soạn nhiều tài liệu về đàn tranh. Hiện tại, tôi cùng nhiều anh chị em đồng nghiệp đang biên soạn giáo trình đàn tranh bậc trung cấp, hệ tài năng, theo đơn đặt hàng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu được thông qua, giáo trình này sẽ được áp dụng vào tất cả các trường dạy nhạc tại Việt Nam. Tôi đang đi con đường của mẹ, đó là đang cố gắng hết sức và tận dụng mọi cơ hội để đưa âm nhạc truyền thống, dân tộc đến với thế hệ trẻ” (chia sẻ của NSƯT - tiến sĩ Hải Phượng). |
Nguyễn Huy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất