23/10/2011 06:22 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH Cuối tuần) - Kể từ thời HLV Henrique Calisto đến nay thì bóng đá Việt Nam không có “sát thủ”, một mẫu tiền đạo có bản năng ghi bàn thực thụ. Năng lực ghi bàn chỉ còn phụ thuộc vào những khoảnh khắc thăng hoa của cả tập thể. Đấy là nỗi ám ảnh!
Muốn vô địch cần có Vua phá lưới
Nhìn lại lịch sử SEA Games, nhất là 16 năm trở lại đây, không còn nghi ngờ gì nữa, đến 90% phần lớn đội đăng quang ngôi vô địch đều ẵm luôn danh hiệu vua phá lưới. Thái Lan kể từ năm 1995 đến SEA Games 25, 6 lần liên tiếp đăng quang đều trình làng một vua phá lưới. SEA Games 25 tại Lào, dù Malaysia vô địch nhưng tiền đạo Soleb của Thái Lan vẫn ghi nhiều bàn thắng nhất - 6 bàn.
Đấu trường AFF Suzuki Cup (trước đây là Tiger Cup) thì nhiều biến động hơn. Chỉ các năm 1996, 2000, 2007 và 2010, đội vô địch kiêm luôn danh hiệu vua phá lưới. 4 kỳ còn lại (1998, 2002, 2004, 2008) đội đăng quang không có vinh dự đó.
Trong nhóm “ngũ hổ” của bóng đá Đông Nam Á gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, chỉ mỗi chúng ta chưa bao giờ sở hữu một vua phá lưới ở hai giải đấu cao nhất khu vực kể trên.
Có một lần, cơ hội đến rất gần, đấy là SEA Games 2005 tại Philippines. Văn Quyến dẫn đầu danh sách ghi bàn với 4 bàn thắng. Thế nhưng, trong trận chung kết, thần đồng bóng đá Thái Teerathep Winothai đã ghi một mạch 3 bàn vào lưới U23 Việt Nam để giúp đội nhà đăng quang, đồng thời vượt mặt Văn Quyến với 5 bàn thắng.
SEA Games 2003, Quyến và Thanh Bình cũng hội đủ mọi điều kiện để làm nên lịch sử khi là chủ nhà, thì họ cũng để Sarayoot Chaikomdee của Thái Lan phá vỡ giấc mơ Vua phá lưới. Nhắc đến Bình “củi”, thật là đau lòng khi đến 4 lần tham dự SEA Games, đầy kinh nghiệm trận mạc mà vẫn không một lần mang lại vinh quang cho cá nhân lẫn bóng đá Việt Nam.
Tại AFF Suzuki Cup 2008, đấy là lần duy nhất chúng ta đăng quang đấu trường khu vực, thì danh hiệu vua phá lưới vẫn lọt vào tay kẻ khác, Teerasil Dangda (Thái Lan), Budi Sudarsono (Indonesia) và Agu Casmir (Singapore).
Có gì đó hài hước khi tại SEA Games 25 ở Lào, người ta thấy ông Calisto luôn tranh thủ động viên hậu vệ Mai Tiến Thành phấn đấu trở thành vua phá lưới, thay vì người đó phải là Thanh Bình, Trọng Hoàng. Lý do, Thành “rìu” bất thần ghi liền 4 bàn thắng trong hai trận gặp Đông Timor và Malaysia ở vòng bảng.
Ông “Tô” có niềm tin tâm linh như thế cũng đúng, bởi thành tích trong bóng đá phụ thuộc bàn thắng, nhiều bàn thắng sẽ có cơ hội gặt vinh quang.
Chúng ta thực sự thiếu “sát thủ”
Đã quá nhiều lần, bóng đá Việt Nam vào chung kết SEA Games lẫn AFF Suzuki Cup, điều đó chứng tỏ chúng ta có nội lực.
Huỳnh Đức, Minh Chiến, Văn Quyến, Công Vinh - đấy là những tiền đạo của 2 thế hệ bóng đá vàng, được coi là xuất sắc trong khu vực.
Trong lịch sử V-League, đã có không ít chân sút đã không bị ngoại binh đè bẹp, ngoi lên trở thành vua phá lưới nội, cả V-League lần hạng Nhất, như Ngọc Linh, Quang Vinh, Ngọc Thanh, Quang Hải, Công Vinh.
Vậy mà, họ vẫn không có cách nào để vươn tới tầm một “sát thủ chuyên nghiệp”, khi bước ra khỏi giải đấu trong nước. Dưới triều đại Calisto đến Falko Goetz, hạn chế lớn nhất của hai đội tuyển quốc gia vẫn là không có mẫu tiền đạo “chân tiền”. Hay nói cách khác, thiếu một tiền đạo, một trung phong thực thụ có tần suất ghi bàn thượng thừa và ổn định. Đấy là thực tế đau lòng, bởi nhiều giải đấu quân của ông “Tô” và ông “Quyết” đá không phải là tệ. Nhìn cơ số tiền đạo mà ông Falko Goetz đang có, Đình Tùng và Văn Quyết đã “có số” ở V-League. Kể cả Trọng Hoàng, Thành Lương, những tiền vệ có xu hướng tấn công, chúng ta cũng không hy vọng tại SEA Games này họ sẽ gánh vác được trọng trách ghi bàn.
Đi tìm lời giải
Người ta bảo, do các đội đều đặt niềm tin vào chân sút ngoại nên đã triệt tiêu tài năng của tiền đạo nội, nhất là các chân sút trẻ kiểu như Hà Minh Tuấn. Điều đó đúng, dấu ấn của “sát thủ” ngoại quá đậm đặc, sự lệ thuộc của CLB với họ quá lớn nên họ sẵn sàng cất tiền đạo trẻ, kể cả hàng sao giá chuyển nhượng dăm tỷ trên băng ghế chỉ đạo: Merlo với SHB Đà Nẵng, Kavin với Sông Lam Nghệ An, Samson - Đồng Tháp, Evaldo - Hoàng Anh Giai Lai...
Các tiền đạo muốn có cửa - chỉ còn cách dạt ra biên, ở vị trí đó với sức vóc, thể trạng hạn chế, khoảng cách với khung thành quá xa nên tiền đạo nội khó có cơ hội ghi bàn. Điều đó cũng đúng, kể cả cấp đội tuyển quốc gia cũng tồn tại vấn đề này. Các chân sút bị đánh mất bản năng ghi bàn khi phải thay đổi thói quen, vị trí, không gian chơi bóng lúc khoác áo tuyển. Đấy chưa kể chúng ta không có sự kế thừa hệ thống chiến thuật làm nên lối chơi, bản sắc khi thay đổi HLV trưởng xoành xoạch.
Nhưng, sẽ lý giải sao đây khi hàng loạt chân sút cứ xong một vụ chuyển nhượng lại “bặt tiếng” về chuyên môn? Nhiều lắm, Việt Thắng, Sỹ Mạnh, Quang Hải, Anh Đức, Thanh Bình, và kể cả Công Vinh. Chỉ đến lúc gần kỳ chuyển nhượng thì mới “say đắm” đánh bóng thương hiệu mình, hơn là phục vụ mục thành tích đội bóng đang nuôi họ. Cùng lúc, người hâm mộ thường xuyên được chứng kiến cảnh họ hưởng thụ ra sao, chạy đua mua xe ô tô thế nào, quan hệ với người yêu ra sao?
Văn Quyến, tiền đạo được coi là tài năng bẩm sinh, 18 tuổi đã khoác áo đội tuyển quốc gia, thì đã chìm xuống tận đáy.
Trước hết Quyến phải tự trách mình, đã bôi đen sự nghiệp bản thân. Đấy cũng là lời giải hợp lý nhất cho câu hỏi vì sao hàng loạt ngôi sao ở ta phong độ phập phù, nhất là các chân sút không bao giờ khẳng định được đẳng cấp khi bước ra khỏi giải đấu quốc nội.
Tất nhiên, người ta bảo hoàn cảnh quy định tính cách (và cả tài năng). Môi trường bóng đá Việt Nam chưa phải là lý tưởng để bảo vệ, phát huy người tài. Cầu thủ làm ra tiền quá dễ, họ bị vật chất cám dỗ nên đã hình thành một thế hệ cầu thủ chỉ thích hưởng thụ, sinh hoạt và tác phong chuyên nghiệp là quá xa xỉ. Đang là cầu thủ bình thường, nhưng có chút tên tuổi thể nào cũng đổ đốn, không còn là mình. Chúng ta hiếm khi nghe kể rằng, ngôi sao A, B,C tự nán lại sân tập thêm, mài dũa những ngón nghề. Trước chiến dịch nào, cũng phải treo thưởng to để chống tiêu cực và mới hy vọng kích thích được tinh thần quân sĩ.
Safee, tiền đạo Malaysia trước khi tham chiến AFF Suzuki Cup 2010 và đoạt ngôi vua phá lưới, đã trải qua 2 năm tịt ngòi. Là tuyển thủ QG, nếu rơi vào cầu thủ ta chắc đã “phát rồ”. Thế nhưng, tiền đạo này đã lấy lại hình ảnh mình, sự nghiệp vẫn phát tiết dù đã ở tuổi 28…
Bóng đá ta, sau 11 năm lên chuyên nghiệp đã đánh mất những giá trị thiêng liêng và mang tính căn bản. Các CLB coi nhẹ việc chăm lo đào tạo trẻ, nhất là tư cách đạo đức, khoác áo các đội tuyển quốc gia quá dễ dàng. Họ xây dựng vóc dáng mà không cần đến khán giả. Hàng loạt đội bóng mang tính biểu tượng, đã bị đẩy vào quá khứ. Khi một nền bóng đá không tạo được kỷ cương, lỗi hệ thống, bị cả xã hội yêu cầu tái cấu trúc từ trên xuống dưới, thì cũng chẳng lạ khi chúng ta chỉ mới một lần được hưởng hương vị vô địch đấu trường khu vực.
Thế nên, vấn đề của bóng đá ta không chỉ là chuyện ông Falko Goetz đang thiếu “sát thủ”, cho một cuộc chiến đầy cam go như SEA Games.
Bóng đá ta đang thiếu quá nhiều thứ, để thực sự chuyên nghiệp và khẳng định được vị thế ông lớn khi mang chuông đi đánh xứ người.
Ngọc Hòa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất