Trí Minh: Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc

06/04/2010 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2010 diễn ra ba đêm 26,27,28/3 tại Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội, có sự tham gia của 80 nghệ sĩ đến từ 16 quốc gia với những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc đương đại trên thế giới: Sparky Quano đến từ Nhật, Robert Henke đến từ Đức, C-drik đến từ Bỉ, Hans Kulish đến từ Australia... Festival âm nhạc đương đại này được tổ chức bởi một công ty tư nhân: M.A.M, đại diện là nghệ sĩ Trí Minh. Dưới đây là câu chuyện của anh.


Nghệ sĩ Trí Minh. Ảnh Dino
Năm 1999, tôi vướng duyên vào âm nhạc điện tử, với sự tác động và hỗ trợ từ trung tâm Văn hóa Pháp. Tôi phối hợp âm thanh đường phố Hà Nội rồi trộn vào âm nhạc phương Tây, làm ra những tác phẩm khác biệt nhưng vẫn có gì đó quen tai. Tuy nhiên, khi bắt đầu có được một vài thành công nho nhỏ như được mời làm nhạc chương trình thời trang Đẹp Fashion Show, thời trang tóc của Davines hay biểu diễn trước hơn 20.000 khán giả do Yamaha tổ chức…, quay lại, tôi thấy chỉ còn một mình. Để tìm kiếm “đồng minh”, tôi tự tìm đến các DJ, các ban nhạc có quan tâm và yêu thích dù chỉ là một chút thể nghiệm, hoặc vào trong giảng đường của các trường dạy nghệ thuật tìm kiếm những gương mặt sinh viên trẻ. Tôi tự tổ chức các buổi thảo luận, trình diễn nhỏ, các bữa tiệc tại nhà để mời những người đồng chí hướng có nơi giao lưu. Với người thực sự thích nhạc thể nghiệm, tôi sẵn lòng chơi nhạc cho họ nghe, kể cả khi chỉ có hai người.

Mùa Hè năm 2006, tôi được Hội đồng Anh tại Việt Nam cử đi dự một festival rất lớn trên thế giới: Glastonbury. Tại đó, tôi đã được tiếp xúc với một môi trường âm nhạc phi truyền thống với một không gian biểu diễn đa dạng, phong phú với rất nhiều hoạt động bên lề liên quan đến môi trường. Từ đó, tôi có một suy nghĩ, tại sao Việt Nam lại không có một hoạt động như thế này. Cũng trong năm 2006, với sự hỗ trợ của Viện Goethe tại Việt Nam, tôi tham gia liên hoan âm nhạc lớn nhất của Đức: C/O Pop. Tại đây, tôi cũng đã thấy một xu hướng rất mới trên thế giới là các thông điệp về bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường cũng như các hoạt động xã hội được đưa vào song hành cùng các hoạt động âm nhạc rất phong phú. Các festival trên là tiền đề để tôi tổ chức liên hoan Âm thanh Hà Nội (Hanoi sound stuff festival).


Lương Huệ Trinh
Năm 2008, tôi bắt đầu tổ chức cuộc này lần thứ nhất. Để có được nghệ sĩ tham gia, tôi viết email đến các đồng nghiệp đã từng gặp qua từng festival âm nhạc ở Anh, ở Đức... để mời họ. Lần đó, chỉ có 15 nghệ sĩ nhận lời tham gia, trong đó phần nhiều là nghệ sĩ Việt Nam, chỉ có một số ít đến từ Hong Kong, Đức. Việc xin giấy phép để tổ chức một liên hoan âm nhạc chưa phổ biến là một việc vô cùng khó, nhất là đối với công ty tư nhân như M.A.M. Vì thế, như một kiểu “tay bo”, đánh “du kích”, tôi xin giấy phép tổ chức nghệ thuật ca múa nhạc thông thường. Tôi và các nghệ sĩ tham gia cùng lên cách thức tổ chức chương trình.

Sau năm 2008, với mong muốn sự kiện này được công nhận chính thức, tôi kết hợp cùng Học viện Âm nhạc Việt Nam để tổ chức. Với dư âm tốt đẹp từ chương trình lần thứ nhất ấy, những nghệ sĩ đã tham gia giúp tôi đi quảng bá khắp nơi trên thế giới, người nhiệt tình nhất phải kể đến là Dickson Dee. 45 nghệ sĩ đến từ 12 nước đã đăng ký tham gia chương trình năm 2009. Một nửa trong số ấy có được là từ Dickson Dee, một nửa là do từ các mối quan hệ trước đó của tôi. Các nghệ sĩ này cũng có sự cam kết hỗ trợ, tham gia liên hoan Âm thanh Hà Nội trong vòng 5 năm. Tổ chức liên hoan, chúng tôi đặt ra ba mục tiêu: thứ nhất là phát triển người nghe, thứ hai là kết nối được các nghệ sĩ và thứ ba là tác động được tới cộng đồng. Đến năm nay, là liên hoan lần thứ ba, đã nhìn thấy nhiều hy vọng.


Nguyễn Hồng Giang trình diễn trong Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2010. Ảnh Dino
Về khán giả chẳng hạn, chương trình năm 2008 còn tặng vé miễn phí, sang năm 2009, tôi nghĩ nên bán vé, dù bán mà như cho, chỉ 15 ngàn đồng một vé, thế nhưng nó sẽ khuyến khích mọi người có ý thức mua vé. Đến năm 2010, giá vé tăng lên 70 ngàn đồng. Các nghệ sĩ tham gia liên hoan này cũng phát triển được những dự án mới. Ngay sau khi chương trình 2010 kết thúc, hai nghệ sĩ trẻ Việt Nam là Lương Huệ Trinh (SN 1985) đã được một nhà tuyển chọn Indonesia mời sang Indonesia biểu diễn và Nguyễn Hồng Giang (SN 1991) sẽ đi Đức để tham gia hoạt động âm nhạc ở đó.
   
Năm nay, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức độc lập ba hệ thống:  hệ thống quản lý nghệ sĩ, hệ thống bán vé, hệ thống truyền thông theo mô hình tổ chức festival chuyên nghiệp. Lần này, hệ thống bán vé hoạt động không được tốt. Phần nhiều khán giả chưa quan tâm đến loại hình nghệ thuật mới này. Nói thẳng ra giới trẻ bây giờ chỉ thích show-biz, đến những loại giải trí dễ nghe. Cùng thời gian với Liên hoan Âm thanh Hà Nội, còn có đêm nhạc MTV Exit có nhóm nhạc Hàn Quốc. Đêm nhạc Hàn Quốc ấy nhạc dễ nghe, vé miễn phí, lại có quà mang về...  Mặc dù vậy, tôi vẫn nghĩ rằng vắng rồi sẽ đông. Ban đầu người ta đến nghe thấy khó, sau sẽ chấp nhận và ở lại nghe đến cùng.

Trong liên hoan này, mặc dù khán giả đến ít hơn so với năm ngoái, nhưng họ là những người thực sự nhiệt thành và quan tâm đến âm nhạc đương đại Việt Nam. Một số nghệ sĩ được khán giả yêu cầu chơi thêm và sau mỗi đêm diễn, khán giả hầu hết không ra về mà ở lại cùng bàn luận với nhau về tác phẩm hoặc giao lưu với nghệ sĩ.

Một nghệ sĩ bạn tôi bảo rằng, những gì tôi đang làm đây đi sớm quá với công chúng Việt Nam. Nhưng theo tôi, người Việt Nam rất thông minh, nhanh nhẹn, dễ thích nghi, tôi sẽ không phải mất quá nhiều thời gian để kéo đông đảo khán giả đến với chương trình của mình như một liên hoan âm nhạc đương đại ở Đức, họ từng mất đến 15 năm để có lượng khán giả “trong mơ” như hiện giờ.

Tài chính thì luôn là một vấn đề khó khăn với những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên liên hoan tổ chức hàng năm nên chúng tôi cũng đã có những chuẩn bị từ khá lâu (4 năm), vì thế cũng không gặp những vấn đề phức tạp lắm. Song cho đến nay, chúng tôi mới chỉ có được sự hỗ trợ của các trung tâm văn hóa của nước ngoài. Tôi rất mong muốn đến năm 2011, liên hoan sẽ được các tập đoàn trong nước ủng hộ.

Khi đã quyết định tổ chức một hoạt động lớn thế này, sự quả quyết và kiên định của nhà tổ chức là chỗ dựa vững chắc của các nghệ sĩ nên tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Nhưng chúng tôi sẽ không thể tổ chức được nếu không có được sự hỗ trợ của rất nhiều các nghệ sĩ Việt Nam và trên toàn thế giới.

Việt Quỳnh (ghi)

Bài 3 & hết: Nick Dodd: Nếu không có ý tưởng nghệ thuật tốt, đừng làm festival!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm