24/11/2013 12:16 GMT+7 | Đọc - Xem
Nguyễn Hữu Thịnh là người con thứ 2 trong gia đình nghèo có 4 anh, chị em. Sinh năm 1981, (tại thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, Cẩm Giàng, Hải Dương), Thịnh cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, khoẻ mạnh, thông minh và nghịch ngợm. Cuộc đời anh tưởng sẽ êm đềm như những người khác, nào ngờ bất hạnh bỗng ập đến với cậu bé khi chỉ mới 8 tuổi.
Thịnh buồn bã nhớ lại: “Hôm đó, tôi đang ngồi trên lớp, bỗng thấy chân tay bủn rủn, đầu óc choáng váng, vai cứ rũ xuống, nặng nề, đau đớn và khó cử động. Suốt một thời gian dài đằng đẵng, bố mẹ đưa tôi đi khám khắp nơi, nhưng đều không có chuyển biến và kết quả. Từ đó, tôi đành phó mặc mạng sống cho số phận”.
Một thời gian sau đó, bố Thịnh – ông Nguyễn Xuân Luật mới nhớ ra những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ, ông bị nhiễm chất độc màu da cam và bây giờ con trai ông cũng đang phải ghánh chịu nỗi đau này.
Kể từ ngày bị bệnh, cơ thể Thịnh bị biến dạng hoàn toàn, chân và tay ngày càng teo tóp và èo uột, lưng cột sống bị gập và mất hết khả năng kiểm soát, ngoại trừ một bên tay phải vẫn còn chút cảm giác. Miệng méo lệch và cơ mặt co lại, khiến cho Thịnh không thể nói được.Những cơn đau triền miên của căn bệnh nan y quái ác đó đã trói buộc cuộc đời Thịnh trong căn phòng nhỏ, chịu sự hành hạ của những cơn đau và gắn đời với những viên thuốc, từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác.
Sự học của Thịnh đứt gánh khi Thịnh chỉ mới biết cách ghép từ, nhận mặt chữ, nó chưa đủ để viết thành câu văn cho trọn nghĩa, đúng chính tả, ngữ pháp. Hàng ngày, ngồi trên giường nhìn ra cửa sổ thấy chúng bạn nô nức đi học, Thịnh lại đau đáu nhìn theo. Đôi mắt cậu không giấu nổi nỗi thèm khát tới trường…Không khuất phục trước sô phận nghiệt ngã, Thịnh cố gắng luyện tập cử động bàn tay phải và luyện cơ miệng, cố gắng phát âm thành lời. Tiếp đó, anh ra sức học chữ cái, ghép vần, ghép câu dưới sự giúp đỡ của ông nội.
Một thời gian sau, khi đọc thông, viết thạo, Thịnh bắt đầu cố trải lòng mình qua những trang giấy. Và cậu chọn thơ là người bạn tâm tình. Thịnh và thơ “bén duyên” nhau từ đấy…
Tập thơ đầu tay của “thi sĩ làng”
Suốt hơn 15 năm, vừa viết thơ, vừa vật lộn với bệnh tật, Thịnh đã sáng tác được khoảng hơn 1.000 bài thơ.
Nhiều bài của anh được đăng tải trên trang lucbat.com, trên nhiều trang báo, tạp chí: Thế giới mới; Văn nghệ trẻ; Tạp chí văn nghệ Hải Dương ... Nhiều bài được đọc trên Đài truyền hình Việt Nam, đài phát thanh Hải Dương....Ai đọc hay nghe thơ của Thịnh đều cảm nhận được sự suy tư về cuộc sống và tình yêu. Những bài thơ của Thịnh được viết theo cảm xúc, chan chứa tình đời, tình người, mong muốn hòa nhập cộng đồng, được cống hiến và viết.
Có lẽ, niềm vui sướng lớn nhất trong suốt quãng thời gian Thịnh “vật lộn với con chữ”, là sự ra đời của tập thơ đầu tay mang tên Thương lắm mai sau, gồm 45 bài thơ, do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành (tháng 9/2009), dưới sự giúp đỡ của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, người mà Thịnh mến mộ.Khi đọc ba tập bản thảo và thư của Thịnh, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi từng chia sẻ: “Là người làm thơ có hoàn cảnh như Thịnh, cầm bản thảo thơ anh, thực lòng tôi không thể không bồi hồi… Cũng quãng tuổi này, tuổi 30, hai mươi năm trước tôi cũng mới e dè đặt bước đầu tiên vào đường văn chương và cũng bởi vậy, rất vui tôi như gặp lại chính mình... Đọc thơ Thịnh một niềm hân hoan thực sự đến trong nhận biết của tôi là thơ anh không chỉ tỏ ra chững chạc, nhuần nhị mà sâu hơn anh, đã cho thấy một ý thức tìm tòi sáng tạo, một đam mê mãnh liệt với thơ”.
Ngoài ra, nhiều bài thơ của Thịnh cũng được in chung trong cuốn: Tam thư nhất mệnh (Nhà xuất bản Hội nhà văn); Tuyển thơ văn thơ Việt (Tập 3, Nhà xuất bản Văn học).Thời gian này, Thịnh cũng đang cố gắng để cho ra đời tập thơ thứ hai của mình mang tên Hàn khúc Tương thi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất