Những ước vọng từ bục giảng

16/11/2022 07:59 GMT+7 | Văn hoá

Với thâm niên giảng dạy đại học gần nửa thế kỷ, trước khi về hưu một năm, GS-TS Huỳnh Như Phương ra sách về tình hình giáo dục nước nhà. Tác phẩm Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022) tập hợp những bài viết xuất hiện rải rác trong mười mấy năm qua, về các vấn đề, hiện tượng trong giáo dục.

Thời gian trôi qua đã có một độ lùi nhất định để tác giả và cả độc giả có dịp nhìn lại hơn một thập niên xem giáo dục nước nhà thay đổi, biến chuyển hoặc… dậm chân tại chỗ?

Nhiều chuyện cũ vẫn thời sự

Tháng này có Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Cuối tuần đầu tiên của tháng 11, buổi gặp gỡ trò chuyện cùng Huỳnh Như Phương với chủ đề Ước vọng cho học đường và câu chuyện học văn đã diễn ra ở Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM, nơi ông gắn bó nhiều chục năm ở cương vị sinh viên, giảng viên, có thời gian làm Trưởng khoa Khoa Văn học.

Buổi giao lưu, cũng là ra mắt sách, diễn ra trong không khí ấm cúng với sự góp mặt của nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên và cả những học sinh phổ thông…

Mở đầu buổi giao lưu, giáo sư Huỳnh Như Phương đã ôn lại những ký ức về trường lớp, thầy cô cũ, thuở hoa niên, những tác phẩm, tác giả đã truyền cảm hứng để theo nghề giáo.

Bản thân là một nhà giáo dạy văn, ông trăn trở trước tình trạng "môn văn bị giảm sút uy tín trước mắt nhìn xã hội, bị phàn nàn nhiều trong dư luận, sự chuyên tâm và say mê của người đi học có chiều hướng suy giảm".

Những ước vọng từ bục giảng - Ảnh 2.

GS-TS Huỳnh Như Phương

Theo ông, "học văn là học cách sống hòa hợp và có trách nhiệm với xã hội, đất nước, đồng thời là sống như một cá tính độc đáo". Việc dạy văn ở phổ thông là dạy tâm hồn, dạy cho học sinh bài học làm người. Trong khi dạy văn ở đại học là dạy nghề, sao cho kiến thức được trang bị có thể giúp sinh viên ứng dụng trong nghề nghiệp tương lai của mình.

Nhiều câu hỏi, ý kiến của khán giả đặt cho giáo sư như việc lựa chọn các văn bản trong sách giáo khoa, cũng như các vấn đề liên quan đến giáo dục hiện nay… Có thể thấy, dù những vấn đề giáo dục đã tồn tại từ rất lâu, được tác giả nêu ra trong sách Ước vọng cho học đường, nhưng nay vẫn còn khá thời sự.

Không đại ngôn, nhưng có trọng điểm

Năm 2010, trong bài Vấn đề con người trong trường đại học, Huỳnh Như Phương đã có ý kiến "khuyến khích việc thành lập trường cao đẳng và trung cấp dạy nghề; tạm ngưng cho thành lập trường đại học, cả công lập lẫn dân lập và tư thục, nhất là ngưng ngay việc phong cấp tùy tiện cho những những trường gọi là "đại học quốc tế", vốn chỉ mời được mươi giảng viên người nước ngoài, mà không rõ xuất xứ".

Những ước vọng từ bục giảng - Ảnh 3.

Tác phẩm "Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục"

Cũng trong bài viết này, ông đã tiếp cận vấn đề từ phía người học, người dạy và người quản trị ở bậc đại học. Từ đó nêu ra được những đòi hỏi, yêu cầu cần và cấp thiết để môi trường đại học tương xứng với vai trò và nhiệm vụ mà xã hội kỳ vọng ở nó.

Tình trạng thiếu giáo viên đang là vấn đề thời sự, chỉ riêng ở Thủ đô Hà Nội, trong niên học 2022 - 2023 đã thiếu 10.265 giáo viên ở cả ba cấp học. Trong niên học 2011 -2012, với bài viết Nguồn tuyển giáo viên thừa hay thiếu, Huỳnh Như Phương đã đề xuất ba giải pháp để cải thiện tình trạng chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm đang "tuột dốc không phanh", nhưng số lượng giáo viên không đủ đáp ứng.

Những ước vọng từ bục giảng - Ảnh 4.

Thời gian qua, giáo dục trở thành đề tài nóng, nhất là khi năm học mới vừa bắt đầu. Những vấn đề như tăng học phí, sự gãy đổ của tình cảm thầy trò, môi trường học tập… khiến cho nhiều người ngao ngán. Những vấn đề ấy, không phải chuyện mới, đọc Ước vọng cho học đường, đã thấy từ năm 2006, tác giả đã nhắc đến, có lý có tình.

Theo chia sẻ, bài báo đầu tiên về giáo dục của ông đăng trên báo Tuổi trẻ từ năm 1981, hơn 40 năm trước. Giáo sư có hơn bốn thập niên cọ xát và quan sát giáo dục nước nhà. Tuy vậy, Ước vọng cho học đường là một tập sách mỏng, khoảng 200 trang.

Giáo sư Phương chia sẻ, có những bài viết cũ dù còn tính thời sự nhưng ông không muốn đưa vào nữa, vì đó là câu chuyện đã qua, đưa lại vào sách, nếu người trong cuộc vô tình đọc lại sẽ gợi lại những "vết thương" mà họ muốn quên. Việc xuất bản tập sách này, đối với bản thân ông, có thể coi là một cột mốc trước lúc về hưu.

Những ước vọng từ bục giảng - Ảnh 5.

Không đại ngôn, hoặc nghiêm trọng hóa vấn đề, ông chỉ xem ý kiến của mình trong sách như "những gợi ý và nhất là, như tên gọi của cuốn sách, những ước vọng từ bục giảng, về tương lai của nền giáo dục nước nhà. Những ước vọng này có thể sẽ mãi là ước vọng, nhưng thiết nghĩ, vẫn cần được bộc bạch với tất cả sự chân thành".

Nhiều tác phẩm đáng chú ý

Lĩnh vực chuyên sâu của GS-TSHuỳnh Như Phương là lý luận văn học, lý thuyết văn học và mỹ học. Nhiều tác phẩm đáng chú ý như Những tín hiệu mới (1994), Mỹ học đại cương (đồng tác giả với Lê Ngọc Trà và Lâm Vinh, 1994, tái bản nhiều lần), Lý luận văn học - Vấn đề và suy nghĩ (đồng tác giả với Nguyễn Văn Hạnh, 1995, tái bản nhiều lần), Trường phái Hình thức Nga (2007), Những nguồn cảm hứng trong văn học (2008), Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài -Kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại (đồng chủ biên với La Khắc Hòa và Lộc Phương Thủy, 2015), Tác phẩm và thể loại văn học (2016)…

Huỳnh Trọng Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm