17/06/2012 07:29 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Những cuốn sách đầu đời tôi đọc là sách Kim Đồng. Đó như một lẽ tự nhiên. Tôi sống ở một vùng quê khu Bốn thời chiến tranh bom đạn ác liệt, nhưng hệ thống phát hành sách vẫn về đến tận huyện thị, các cửa hàng sách vẫn mở cửa, và những cuốn sách vẫn đến tay người đọc, trong đó có những người đọc nhỏ tuổi.
1. Từ nhỏ, khi bắt đầu cắp sách đến trường tôi đã mê đọc sách, cái này như một lẽ trời cho. Cha tôi là một viên chức nhà nước, lương tháng 60 đồng, thấy con mê sách thì mỗi tháng lại chắt bóp dành ra mười đồng mua sách cho con hoặc cho con mua sách. Tôi mua thành khách quen của hiệu sách Thị xã Hà Tĩnh, đến nỗi cô bán hàng sách còn có lúc cho mua chịu rồi trả tiền sau, hoặc là cho đổi sách khi cha con mua sách trùng nhau.
Sách tôi mua đủ loại, nhưng như đã nói, buổi đầu đời nhiều nhất vẫn là sách Kim Đồng. Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Sát Thát (Lê Vân - Nguyễn Bích), Đội du kích thiếu nhi Đình Bảng (Xuân Sách)... Ôi kể sao cho hết! Những cuốn sách đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé của tôi, đã mở ra trước mắt tôi những chân trời bay bổng, lãng mạn, đã chắp cánh cho ước mơ văn chương của tôi.
Điều này không hề là những điều sáo mòn, hoa mỹ. Cho đến tận giờ đây tôi vẫn còn nhớ nhiều câu thơ, câu chuyện trong những trang sách đọc hồi nhỏ. Có những khi mệt mỏi, buồn chán trong cuộc sống tôi còn tìm đọc lại những cuốn sách đó và vẫn thấy rung lên trong mình một nỗi cảm xúc như buổi ban đầu.
Hôm nay 17/6, tại Hà Nội, NXB Kim Đồng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (17/6/1957 - 17/6/2012). |
Nhà thơ nghĩ lại về Pautovsky, rằng trang sách quá đẹp mà cuộc đời quá phức tạp, dữ dội, từ văn chương ra đời thực là cả một khoảng cách phải trả giá bằng đau khổ và trưởng thành. “Ta đã lớn. Và Pautovsky đã chết”. Dẫu là thế, những trang sách đẹp luôn là dưỡng chất nuôi sống tâm hồn, không để con người bị cằn trơ, vô cảm. Tôi đã được sống như vậy bằng sách của Kim Đồng cũng như của nhiều nhà xuất bản khác.
Có một nhà xuất bản cho tuổi nhỏ như vậy cách đây đúng 55 năm là từ tâm hồn của các nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài. Trong mỗi nhà văn đích thực luôn có một đứa trẻ nhỏ háo hức mở to cặp mắt nhìn ngắm, quan sát con người, cuộc sống, tự nhiên, xã hội.
Nhà văn viết cho thiếu nhi thực ra là viết cho người lớn sắp sửa, cho người lớn đang trong vóc dáng hình hài tâm trí của đứa trẻ chuẩn bị vươn vai. Nguyễn Huy Tưởng có một câu ghi nhật ký ở tuổi 18 sâu sắc cho người viết, nhất lại là viết cho lứa tuổi nhỏ: “Người là thật. Phải thật với Người”.
Nhiều thế hệ trẻ con thành người lớn đã đi qua cánh cổng Kim Đồng, đã được giáo dưỡng từ trang sách Kim Đồng, nhờ ơn các nhà văn nhà thơ nhân hậu. Mỗi người đều có và đã có một “miền xanh thẳm” của tuổi thơ được neo giữ ở những trang văn của Kim Đồng. Từ ngày ấy đến bây giờ.
Hà Nội, 16/6/2012
Phạm Xuân Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất