Những thiên tài ở giới hạn tâm thần

07/04/2016 06:54 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn mọi môn thể thao khác, chơi cờ là môn đấu trí căng thẳng, bao gồm cả các mẹo tâm lý “hạ cấp” và mê tín, do đó không có gì lạ khi môn này hội tụ nhiều nhân cách quái dị. Triết gia vĩ đại Schopenhauer từng phán: “Mỗi tiến triển của trí lực lên quá tầm bình thường đều có thể là sự bất thường dẫn đến điên loạn.” Liệu ông có lý?    

Sau nhiều năm ở đỉnh cao thế giới   

… Wilhelm Steinitz đánh vuột một danh hiệu đại kiện tướng cờ vua vào tay Emanuel Lasker hồi 1894. Đó không phải là một danh hiệu bình thường, vì Steinitz, sinh ra tại Praha, là nhà vô địch thế giới đầu tiên trong lịch sử cờ vua, do đó ông quyết tâm giật lại ngôi vị đó từ đối thủ người Đức trẻ hơn mình 30 tuổi.


Michail Tal (bên phải) đoạt giải vô địch thế giới năm 1960 khi hạ Michail Botvinnik, sau đó một năm lại mất giải vào tay Botvinnik và cho rằng chỉ thua vì ai đó đánh cắp mất vật hộ của mình - một chiếc bút chì

Trận phục thù diễn ra 2 năm sau đó ở Moskva và kết thúc sau 17 ván với thất bại thảm hại của người thách đấu. Ở thời điểm ấy, Steinitz chỉ còn là cái bóng của chính mình và sức khoẻ của ông cũng đã tàn tạ. Đôi khi ông phải chườm băng khô lên trán để dịu những cơn nhức đầu, như trang mạng ChessBase thuật lại. Nhưng vấn đề trầm trọng nhất thì không thể giải quyết bằng túi chườm: Steinitz tin vào khả năng thần giao cách cảm, ví dụ như chỉ dùng sức của não bộ để gọi điện thoại hoặc dùng dòng điện não để di chuyển quân cờ!

Ngay trong thời gian ở Moskva thư ký của ông đã phải gọi bác sĩ khi thấy Steinitz đứng bên cửa sổ đợi một cuộc điện thoại ảo nào đó. Người ta đưa ông vào bệnh viện thần kinh. Sau 40 ngày điều trị sơ bộ, Steinitz quay về quê hương thứ hai của mình là New York và qua đời hôm 12/8/1900 vì suy tim tại trại tâm thần trên đảo Wards Island.

Số phận của Steinitz

… dường như khẳng định một quan điểm khá rộng rãi trong giới chuyên môn: mối liên quan chặt chẽ giữa thiên tài và điên loạn ở các thiên tài cờ vua. Họ ít nhất cũng là những quái nhân trong cuộc đời với cách hành xử khác người.

Nhìn kỹ đẳng cấp tinh hoa trong làng cờ vua hôm nay thì không thấy gì đặc biệt: Vô địch thế giới từ 2013 là Magnus Carlsen, 26 tuổi, người Na Uy là một người khả ái, thân thiện, rất tự chủ và nổi như một ngôi sao nhạc pop.

Người thách đấu nguy hiểm nhất của Carlsen Viswanathan Anand, 46 tuổi từ Ấn Độ, rất hiền lành và lịch sự, hoặc Sergey Karyakin, 26 tuổi, người Ukraine, chưa bao giờ có điều tiếng gì tiêu cực. Và biết bao những kỳ thủ đáng kính khác nữa.

Nhưng nếu nhìn ngược lại lịch sử vài chục năm nay thì khó có thể gạt bỏ nghi vấn, rằng các thiên tài trên bàn cờ thường có vấn đề tâm thần. Các nhà chuyên môn ưa dẫn ví dụ Paul Morphy (1837-1884), tiền nhiệm không chính thức của Steinitz.

Mới ở lứa tuổi 12, kỳ thủ người Mỹ này đã hủy diệt hai đại kiện tướng cờ quốc tế. Từ tuổi 21, Morphy không thua trong các cuộc đọ tài ở Paris và London. Tên tuổi Morphy trở nên vang lừng, nhưng đó cũng là lúc anh bắt đầu ghê tởm bàn cờ. Anh luôn cảm thấy mình bị theo dõi, dò xét, và báo cảnh sát bắt người anh rể có ý định đầu độc mình.


Anatoli Karpov (bên trái) và Viktor Korchnoi thi đấu chủ yếu bằng khủng bố tâm lý đối phương

Nguyên nhân chính dẫn đến chứng điên loạn

… phải chăng là là trí nhớ siêu việt của các kỳ thủ siêu việt - mà đó lại là tố chất chính tạo nên thành công, đồng thời là con dao hai lưỡi hại người chơi cờ? Quả thực Morphy không hưởng dương được lâu và chết năm 47 tuổi vì đột quỵ.

“Thông thường người ta cho rằng bộ não làm việc quá căng thẳng trong môn cờ vua sẽ không tránh khỏi tổn hại sâu sắc” như nhà tâm phân học Ernest John năm 1930 nhận định. Morphy chẳng hạn, vốn cực giỏi trong môn “bịt mắt chơi cờ” với 6 đến 8 đối thủ cùng lúc. Nếu người ngoài không sao giải thích nổi và, thêm vào đó, kỳ thủ hành xử hơi khác đời, thì lời giải đơn giản nhất là: điên!

Nghe rất phản khoa học, song môn tâm phân học từ thời Sigmund Freud vẫn luôn có sẵn nhiều lý thuyết trái tai. Ernest John, môn đệ của trường phái Freud, gọi môn cờ của Morphy là phương pháp của một người đồng tính chống lại sựu đàn áp của cha!

Tuy nhiên chính John cũng phải thừa nhận, chơi cờ không thể là nguyên nhân cho các nhiễu loạn tâm lý sau này. Theo Frederick Milnes Edge, người viết tiểu sử Paul Morphy, con người vĩ đại ấy đã phát bệnh vì ứng dụng các chiến thuật trên bàn cờ vào cuộc sống thường nhật - nghĩa là Ernest John không hẳn vô lý?   

Chứng bệnh tâm thần

… đôi khi còn được hiểu theo nghĩa khác: nhiều kỳ thủ biết cách làm cho đối thủ phát điên! Lịch sử ghi lại nhiều trận cân não huyền thoại, như giữa Bobby Fischer và Boris Spasski năm 1972 ở Reykjavik (Iceland) và việc kiện hạn chế giờ giải lao của nhau, hay tại giải đấu vô địch thế giới 1978 ở Philippines giữa Anatoli Karpov và Viktor Korchnoi.

Karpov cho rằng đối thủ của mình có lực siêu nhiên và đem theo một nhà nghiên cứu cận tâm lý để “phá sóng”! Chiến thuật của Karpov có vẻ như không vô ích: nhà nghiên cứu cận tâm lý Vladimir Suchar, vốn là thành viên đoàn Liên Xô, ngồi ở hàng ghế đầu và cố dùng nhãn lực thôi miên Korchnoi. Korchnoi đeo kính tráng gương để phản lại tia mắt, đồng thời dùng một thầy cúng Ấn Độ để hóa giải năng lượng tiêu cực của Suchar.

Hai bên còn kiện nhau dùng phóng xạ hay sữa chua để hại đối phương v.v... Sự kiện này đi vào lịch sử dưới nhan đề “Vở múa rối ở Philippines” hay “Chiến tranh Lạnh kéo dài trên bàn cờ”: Karpov thuộc đội Liên Xô, còn Korchnoi là người Nga nhưng trốn qua Thụy Sĩ hồi 1976, luôn làm rùm beng với luận cứ “sống trong tự do sẽ chơi cờ giỏi hơn.” Tuy nhiên sau 32 ván Karpov đã thắng.            

Để thi đấu với những mẹo bẩn thì có lẽ không phải viện đến chính trị. Người ta nhớ lại trận so tài 2006 được đổi tên thành “Cuộc chiến WC”, khi vô địch thế giới của Liên đoàn cờ vua quốc tế FIDE là Veselin Topalov người Bulgaria buộc tội đối thủ của mình trốn vào nhà vệ sinh để nhờ máy tính trợ lực!

Nghĩa là có nhiều lý do rất tầm thường củng cố phỏng đoán về các kỳ thủ với nghi vấn tâm thần. Lại phải nhờ đến môn thống kê học tẻ nhạt và khô khan để thấy rằng trong giới cờ vua không có nhiều bệnh tâm thần hơn các nghề khác với áp lực tâm lý và nghệ thuật tương tự.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm