Nhìn từ vụ Joe Cole sang Lille: Phát súng lệnh cho một kỷ nguyên?

05/09/2011 11:25 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(TT&VH) - Được dán mác “Paul Gascoigne mới” từ khi còn là một thiếu niên, Joe Cole đã gặp rắc rối khi phải sống dưới những kỳ vọng khổng lồ đè lên vai anh suốt sự nghiệp, nhưng sự kiện cựu tiền vệ Chelsea đến với Ligue 1 không thể bị đánh giá thấp.

Joe Cole ra mắt ở Lille - Ảnh Getty

Cole đã có gần như tất cả trong sự nghiệp. 56 trận chơi cho ĐT Anh. Một lô danh hiệu cùng Chelsea, và hiện tại ở tuổi 29, anh vẫn còn vài năm chơi bóng đỉnh cao nữa. Đúng là Cole đã thất bại trong việc tạo ra dấu ấn ở Liverpool, nhưng cũng đừng quên rằng mùa Hè năm ngoái, có rất nhiều CĐV Anh đã “bốc hỏa” vì sự miễn cưỡng của HLV Fabio Capello trong việc trao cho Cole vai trò có tầm ảnh hưởng lớn hơn ở đội tuyển Anh, tại World Cup 2010.

Cole là một trong số những cầu thủ Anh hiếm hoi có kỹ thuật cá nhân xuất sắc, mang hơi hướm Latin và có chất ngẫu hứng. Anh chắc chắn cũng là “món quà” có giá trị nhất mà người Anh dành cho bóng đá Pháp, sau Chris Waddle. Chờ đợi anh thể hiện trong một hệ thống giàu sức tấn công ở Lille là một trải nghiệm đáng được chờ đợi.

Waddle, người chơi cho Marseille từ 1989-1992, gần như trở thành một phần của thành phố cảng miền Nam nước Pháp trong giai đoạn ấy, một biểu tượng ở Velodrome, với cá tính ưa tranh cãi và tài năng đặc biệt. Nhưng Cole sẽ trải nghiệm quãng thời gian chơi bóng ở Ligue 1 theo một cách khác. Các thông tin gần đây từ báo chí Anh cho thấy cựu tiền vệ Chelsea vẫn sẽ sống ở London, và có thể đi tàu cao tốc (chỉ mất gần một tiếng rưỡi đồng hồ) đến Lille mỗi ngày. Tương tự, bất kỳ một cầu thủ Anh nào có ý định đến Ligue 1 thi đấu cũng sẽ có thể làm như thế. Di chuyển thuận lợi là một lý do “khuyến khích” các cầu thủ Anh đến Pháp chơi bóng, nhưng không phải lý do duy nhất.

Khoảng cách về tiền bạc sẽ bị thu hẹp

Tiền là một trong những lý do sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các CLB Anh và Pháp trong vài năm qua, và cả trong những năm sắp tới. Đồng bảng Anh đã mất giá hơn 30% so với đồng euro, và việc thuế thu nhập dành cho những người có thu nhập cao ở Anh gia tăng cũng là một lý do khiến các CLB Anh phải oằn mình hơn với những khoản lương cho các ngôi sao.

Ngược lại, các đội bóng Pháp phát triển nhờ nền tảng rất ổn định về tài chính, nhờ các kế hoạch chi tiêu rõ ràng và các dự án lâu dài cho tương lai. Lille là một ví dụ hoàn hảo, với những bước tiến chậm rãi, nhưng đầy ý nghĩa trong một thập kỷ qua. Họ xây dựng được một khu tập luyện có chất lượng tuyệt vời, đào tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, như Hazard, kêu gọi được xã hội hóa khi tiến hành xây dựng các công trình cho đội bóng. Lille hiện tại không phải một đại gia về tiền bạc (lý do giải thích tại sao họ thu về 25 triệu euro từ bán cầu thủ, nhưng chỉ sử dụng 12 triệu trong số đó), nhưng họ đã sẵn sàng trở thành một thế lực, khi SVĐ mới có sức chứa 50 nghìn chỗ ngồi được khánh thành vào năm 2012.

Sức đề kháng, và thu hút đầu tư

Một thập kỷ trước, không thể tin được rằng Lille có thể chống lại sự tấn công từ các CLB lớn của châu Âu với một mục tiêu có giá trị 30 triệu euro, hoặc hơn thế nữa. Bây giờ, họ đã giữ được Eden Hazard trong hai mùa Hè vừa qua. Tiền vệ 20 tuổi này vẫn rất háo hức với cơ hội được chơi ở SVĐ mới, và trước mắt, là đá ở Champions League cho Lille.

Đội bóng của HLV Rudi Garcia không phải là CLB duy nhất có đủ sức đề kháng để nói lời từ chối. Rennes giữ được Yann M`Vila, Marseille cam kết tương lai với Andre Ayew, và Sochaux cũng đủ cứng rắn để giữ Marvin Martin và Modibo Maiga ở lại. Tất nhiên, với nguồn thu khủng khiếp nhờ bản quyền truyền hình, các CLB Anh vẫn vượt trội về sức hút, nhưng nếu chỉ xét trên nền tảng tài chính đã xây dựng, thì các CLB Pháp có lý do để hy vọng.

Sự kiện PSG được các ông chủ Qatar tiếp nhận là bằng chứng cho thấy rằng Ligue 1 là mảnh đất thu hút các nhà đầu tư. Nếu Lille là một phiên bản của Arsenal, thì đội bóng thủ đô cũng là một phiên bản tương tự Chelsea và Manchester City, ở Ligue 1.

PSG đã mua được Javier Pastore và Jeremy Menez từ Serie A, giành lấy Kevin Gameiro trước mũi các CLB Liga, và những người khác, như Samir Nasri hay Younes Kaboul, cũng từng bày tỏ sự thích thú với các dự án của đội bóng thủ đô.

Đó là những dấu hiệu cho thấy sức hút của Ligue 1. Trong vài năm tới, họ sẽ không đơn thuần chỉ là một trạm trung chuyển tài năng ở châu Âu.

10 Joe Cole, được mượn về từ Liverpool, là tân binh thứ 10 của Lille trong mùa Hè này. Trước đó, họ đã chi ra 12 triệu euro để mua cầu thủ, và vẫn chưa tiêu hết ngân sách chuyển nhượng đã đầy thêm 25 triệu nhờ bán cầu thủ mùa Hè này

194 Ligue 1 đã tiêu tổng cộng 194 triệu euro để mua cầu thủ trong mùa Hè này, trong khi chỉ thu về 152 triệu từ bán cầu thủ. Tuy nhiên, họ cũng là giải lỗ ít nhất trên TTCN trong số 4 giải VĐQG Anh, Italia, TBN và Pháp, chỉ thua Bundesliga (lỗ 17 triệu euro)

86 Một mình PSG đã chi ra tổng cộng 86 triệu trong tổng số 194 triệu mà Ligue 1 sử dụng để mua cầu thủ, và đội bóng thủ đô chỉ thu về vỏn vẹn 2.8 triệu từ bán cầu thủ. Có đến 10 CLB ở Ligue 1 đã thu lãi sau các hoạt động chuyển nhượng mùa Hè, trong đó, Lyon là đội lãi nhiều nhất (17 triệu)

Ban Cầm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm