Những ô cửa sổ của “nhóm trẻ”

19/09/2009 11:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - 20h hôm nay 19/9/2009 tại Nhà hát TP.HCM, chương trình biểu diễn định kỳ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch sẽ là chương trình nghệ thuật đương đại do bốn nghệ sĩ trẻ khởi xướng và thực hiện.

Nguyễn Mạnh Duy Linh (sáng tác): “Âm nhạc đương đại trên thế giới có nhiều khuynh hướng, trong chương trình này về khía cạnh âm nhạc đã sử dụng nhiều phong cách như: hiện đại, cổ điển, dân gian, hip-hop, jazz, rock... Việc sử dụng nhiều phong cách âm nhạc được gọi là polystyle (đa phong cách), đó cũng là một hình thái của âm nhạc đương đại”.

Có thể xem đây là khởi đầu cho những mới mẻ trong tương lai chăng, khi mà các nghệ sĩ trẻ hoàn thành chương trình du học ở nước ngoài và trở về làm việc tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM. Chương trình này vừa tham dự Hội diễn Sân khấu - Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Nha Trang và đã đem về cho nhà hát 2 HCV, 2 HCB cùng một số giải thưởng khác.


Bốn nghệ sĩ trẻ lên ý tưởng và cùng nhau thực hiện gồm: Phúc Hải (múa), Việt Anh, Nguyễn Mạnh Duy Linh (sáng tác), Trần Nhật Minh (chỉ huy hợp xướng). Họ không tuyên ngôn, không tuyên bố lập nhóm... hay nói như Trần Nhật Minh “tuyên ngôn của chúng tôi là không tuyên ngôn”. Nhưng việc cùng nhau thực hiện chương trình này cũng cho thấy một sự chuyển biến trong hoạt động của nhà hát khi những nghệ sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài trở về, có thể xem họ như một “nhóm trẻ”.

Chương trình nghệ thuật đương đại Những ô cửa sổ gồm 10 tiết mục, chủ yếu là âm nhạc và múa, ngoài ra còn có các yếu tố hỗ trợ khác như sắp đặt, video clip, hiệu ứng ánh sáng... Chương trình có sự tham gia sáng tác của nhạc sĩ Võ Đăng Tín, Trần Vương Thạch, biên đạo múa Tấn Lộc, NSƯT Hà Thế Dũng...

Nhưng “nhóm trẻ” nói trên là những người “đầu tàu” để hoàn thành chương trình này, với nhiệm vụ kết nối những “chất liệu” thành một chỉnh thể thống nhất, ngoài việc họ sáng tác, hoặc dàn dựng hoặc tham gia biểu diễn. Thông điệp của chương trình là “Hãy đến để tìm câu trả lời”.

Trần Nhật Minh (chỉ huy hợp xướng): “Thời đại ngày nay là thời đại giao thoa của nhiều loại hình nghệ thuật như sắp đặt, video art, âm nhạc, múa... chúng quyện chặt vào nhau. Làm nghệ thuật, chúng tôi cũng có “ước mơ” lái thị hiếu của công chúng. Chương trình này cũng là để đo đếm sự tiếp nhận của khán giả và là để rút kinh nghiệm cho những thử nghiệm”.

Tuy mỗi khán giả sẽ tự khám phá và cảm nhận chương trình theo cách riêng của mình, nhưng những người thực hiện cũng đã “đưa ra những ô cửa khác nhau về những mảnh đời, những màu sắc muôn hình muôn vẻ trong cuộc sống. Điểm chung, đó là tất cả chúng ta đều mong ước một cuộc sống an bình và tươi đẹp”.

Mở đầu chương trình là hợp xướng a cappella bản Nguyện cầu (sáng tác Nguyễn Mạnh Duy Linh), lời ca toàn bản hợp xướng chỉ vỏn vẹn trong mấy chữ “nam mô A Di Đà Phật”, chỉ cách sử dụng ca từ cũng cho thấy rất... đương đại. Kết thúc tác phẩm cũng là bản nhạc mang tên Nguyện cầu nhưng nó là một bản khác với Nguyện cầu mở đầu chương trình và do violin cùng hợp xướng biểu diễn.

Ở giữa chương trình là tiết mục Tiếng hát tình yêu (Võ Đăng Tín) do giọng soprano trong trẻo của Ngọc Tuyền biểu diễn cùng violin nhiều kịch tính của Tăng Thành Nam. Nó như một cầu nối giữa phần 1 và phần 2 của chương trình.

Tất cả những tiết mục còn lại đều là những tiết mục múa đương đại, âm nhạc của nhiều tác giả như: Việt Anh, Trần Nhật Minh, Trần Vương Thạch, Nguyễn Mạnh Duy Linh... phần biên đạo là của Phúc Hải, Tấn Lộc, Thanh Phương, NSƯT Hà Thế Dũng...


Phúc Hải (trưởng đoàn vũ kịch):

“Nghệ thuật đương đại, với yếu tố đặc trưng là sự ứng tác (improvisation), đã mở ra cơ hội lớn và mảnh đất rộng rãi, kích thích sự sáng tạo của người nghệ sĩ biểu diễn.

Trong chương trình này, những đoạn “improvisation” dành cho các nghệ sĩ là cơ hội để nghệ sĩ thể hiện tài năng nhằm góp phần tạo nên “tầm” nghệ thuật của tác phẩm.

Tuy nhiên, những nghệ sĩ đương đại cần phải có nền tảng vững chắc của cổ điển họ mới có thể vươn đến những tầm cao mới”.

Việt Anh (sáng tác)

“Tôi xuất thân là người học piano, có thời gian sáng tác ca khúc, nghe nhạc rock... rồi đi học chính quy ở nước ngoài về sáng tác khí nhạc, cho nên phong cách sáng tác cũng là sự kết hợp nhiều phong cách khác nhau.

Ngoài đương đại theo kiểu “polystyle”, cũng có khi với những phong cách “cũ” nhưng do cách bày trí, sắp đặt, nó cũng tạo nên một cái mới”.



Hữu Thịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm