Những nẻo đường SEA Games (kỳ 2): Những cái nhất của Thể thao Việt Nam

31/05/2015 15:03 GMT+7 | SEA Games 2015

(Thethaovanhoa.vn) - Tính cả SEA Games lần thứ 28 khai mạc tại Singapore vào ngày 5/6 tới, thì Thể thao Việt Nam đã tham dự 14 kỳ Đại hội. Hãy cùng Thể thao & Văn hóa điểm lại hành trình dài 26 năm của Thể thao Việt Nam tại sân đấu lớn nhất khu vực bằng những "cái nhất" sau đây.

Thành tích xuất sắc nhất

Năm 1989, khi Thể thao Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường SEA Games 15, bắn súng chính là một trong thế mạnh để "kiếm" những tấm HCV ít ỏi. Nổi bật lên ở thời điểm đó là đội súng trường nữ với những gương mặt xuất sắc như: Đặng Thị Đông, Ngô Ngân Hà, Trịnh Thu Hà...

Tại SEA Games thứ hai tham dự ở Philippines 1991, đội súng trường nữ tiếp tục giành 3 HCV, nhưng trong đó thành tích ấn tượng nhất thuộc về xạ thủ Quân đội Đặng Thị Đông khi phá sâu kỷ lục SEA Games với 595 điểm ở nội dung súng trường tiêu chuẩn nữ. Thành tích trên cũng vượt qua kỷ lục châu Á 594 điểm của xạ thủ Jin Dong Xiang (Trung Quốc) lập năm 1982, tiếc là kỷ lục của xạ thủ Việt Nam không được Liên đoàn bắn súng châu lục công nhận do quy mô thi đấu của SEA Games.

Nên nhớ lúc đó, đoàn Thể thao Việt Nam chỉ giành tổng cộng 7 HCV và xếp hạng 7/9 chung cuộc. Việc tham dự SEA Games khi này cũng rất khó khăn khi cả đoàn chỉ có hơn 100 VĐV thi đấu 15 môn. Cũng với tấm HCV và thành tích này, xạ thủ Đặng Thị Đông là VĐV duy nhất của đoàn Thể thao Việt Nam vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Thành công lớn nhất

Tính từ năm 1989 tới nay, sau 13 kỳ SEA Games liên tiếp tham dự, đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được tổng cộng 698 HCV - 677 HCB - 769 HCĐ cùng 1 vị trí khá vững chức trong Top 3. Tuy nhiên, trong 13 kỳ Đại hội đó thì SEA Games 22 năm 2003 mang dấu ấn đậm nét nhất.

Dấu ấn đầu tiên chính là tư cách chủ nhà của Việt Nam. Chỉ đúng 14 năm trở lại với SEA Games, Thể thao Việt Nam đã trở thành nước chủ nhà của ngày hội thể thao lớn nhất châu lục. Và cũng với kỳ đại hội thể thao quốc tế đầu tiên, Thể thao Việt Nam  đã có sự thay đổi lớn cả về diện mạo lẫn chất lượng.

Đó là sự ra đời của Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình tại Hà Nội cùng hệ thống cơ sở vật chất thể thao được nâng cấp ở nhiều địa phương đã thực sự tạo nên ngày hội lớn cho thể thao khu vực. Đây cũng là kỳ SEA Games đầu tiên có cả 11 quốc gia trong khu vực tham gia tranh tài với sự góp mặt của đoàn Timor Leste.

Ngày hội lớn và ưu thế chủ nhà đã giúp đoàn Thể thao Việt Nam vượt qua Thái Lan bước lên ngôi số 1 Đông Nam Á với thành tích mà cho đến nay vẫn chưa thể tái lập - Giành 158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ. Có thể chức vô địch ấy vẫn còn những vấn đề để "tranh cãi", nhưng không thể phủ nhận rằng, kể từ SEA Games 22 năm 2003, Thể thao Việt Nam đã chính thức bước vào tốp đầu của Thể thao Đông Nam Á.

Tấm huy chương ấn tượng nhất

Nhìn lại suốt chiều dài SEA Games, những tấm HCV của Đặng Thị Đông (bắn súng); Vũ Bích Hường (điền kinh); Vũ Mạnh Cường (bóng bàn); Nguyễn Hữu Việt (bơi)... có giá trị rất cao khi được xem là "mở đường" để Thể thao Việt Nam vượt lên ở đấu trường khu vực.

Tuy nhiên, có 1 tấm huy chương khác, dù chỉ là Bạc, nhưng còn được quý hơn Vàng bởi nó thực sự được hàng triệu trái tim Việt chờ đợi  - Tấm HCB môn bóng đá nam tại SEA Games 18 tại Chiang Mai, Thái Lan 1995.

Sau 2 kỳ Đại hội không qua nổi vòng bảng, hưng bằng một thế hệ Vàng vớ những: Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Văn Cường, Công Vinh, Hữu Thắng... bóng đá Việt Nam làm nên kỳ tích lớn tại kỳ SEA Games thứ ba có mặt.

Vượt qua vòng bảng với ngôi nhì bảng A, đội tuyển Việt Nam đã đánh bại Myanmar ở bán kết bằng bàn thắng Vàng của tiền đạo Minh Chiến để lần đầu có mặt trong trận chung kết. Dù để thua chủ nhà Thái Lan khi ấy quá mạnh với tỷ số 0-4 trong trận đấu cuối cùng, nhưng tấm HCB của đội tuyển nam lúc đó được xem như Vàng, khi nó không chỉ đưa bóng đá nam Việt Nam chính thức bước vào tốp đầu khu vực mà còn khởi đầu cho giấc mơ Vàng của hàng triệu trái tim hâm mộ.

(còn tiếp)

Thất bại cay đắng nhất

SEA Games được quan tâm hơn nhờ bóng đá và cũng nhờ bóng đá, SEA Games có chỗ đứng hơn với người hâm mộ. Điều ấy lý giải tại sao khi nói về SEA Games thì sau này người ta càng nói nhiều đến bóng đá.

Nhưng bóng đá không chỉ mang đến niềm vui, sự kỳ vọng mà còn cả nỗi buồn, thậm chí là sự thất vọng dù chỉ bó hẹp ở cái sân chơi khu vực. Và có lẽ trong tất cả những thất bại của Thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng, thì thất bại ở trận chung kết SEA Games 2005 tại Philippines là cay đắng nhất.

Với một dàn tài năng đang ở độ chín như: Tài Em, Minh Phương, Quốc Vượng, Văn Quyến, Quốc Anh... dưới sự dẫn dắt của ông thày ngoại Riedl, U23 Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp vào tới trận chung kết. Để thua Thái Lan 0-3 một phần do sự chênh lệch về đẳng cấp, nhưng ngay sau đó, vụ bê bối bán độ trước đó bị đưa ra ánh sáng và được xem là 1 nguyên nhân quan trọng khác.

7 trụ cột của đội U23 Việt Nam gồm Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hải Lâm và Bật Hiếu dính vào scandal bán độ trong trận gặp Myanmar để rồi lỡ dở sự nghiệp vì vòng lao lý. Cũng từ vụ bán độ này, tất cả ngã ngửa rằng - Tiêu cực đã ăn quá sâu vào lòng bóng đá Việt Nam.


Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm