10/05/2013 10:04 GMT+7 | Âm nhạc
Giá trị cộng thêm
Trong 6 hạng mục giải thưởng Cống hiến vừa được trao, quá nửa là những sản phẩm âm nhạc, chương trình có mức độ truyền thông rộng rãi và đạt những hiệu quả rất cao. Chương trình In The Spotlight là một ví dụ. Qua serie 5 chương trình được tổ chức trong năm 2012 cho thấy mức độ lan truyền tại cả ba miền gần như ngang nhau. Cho dù giới trong nghề bình luận rằng, ý tưởng In The Spotlight thật ra chỉ là một một phiên bản khác của Không gian âm nhạc, nhưng cách thức truyền thông của nó lại lan tỏa hơn “đàn anh”.
|
Chương trình Rock Storm, trong 5 năm tổ chức thu hút gần 500.000 lượt công chúng nhưng xét về mặt quảng bá thì vẫn chưa hiệu quả như mong muốn của nhà tổ chức. “Mỗi khi chương trình kết thúc, cứ mở báo ra là chúng tôi lại thấy những từ kiểu như “hừng hực lửa”, “lửa cháy trong đêm”, trong khi cái chúng tôi cần là chương trình hay dở thế nào, chuyên môn ra sao thì không thấy báo chí đề cập”, ông Trần Chiến Bình, giám đốc công ty Teamwork (phụ trách marketing cho Rock Storm) cho biết. Chuyện này cũng là do cách thức tiếp thị của Rock Storm khi nhà tổ chức chỉ gửi cho báo chí những thông tin chương trình nhưng bản thân báo chí (những phóng viên viết mảng văn hóa) lại không mặn mà tham dự và khi không tham dự thì những bài viết na ná nhau theo kiểu dựa vào thông cáo báo chí, là chuyện đương nhiên. “Tôi nghĩ năm nay sẽ khác và cách tiếp cận với truyền thông cũng sẽ được thay đổi”, ông Bình khẳng định.
So sánh In The Spotlight (nhận 54/100 phiếu bầu chọn tại Cống Hiến) và RockStorm (24/100 phiếu, đứng thứ hai) chỉ để thấy cách thức tiếp thị âm nhạc đang ngày càng trở nên quan trọng. Nếu như chất lượng tự thân đã được khẳng định thì những giá trị cộng thêm (truyền thông) lại có giá trị lan tỏa khá cao. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cũng công nhận điều này khi ông nói rằng chi phí cho chương trình như Giai điệu trẻ đã là một sự cố gắng hết mức và ở sự cố gắng đó, phía chương trình lại không có “gói” nào cho chuyện quảng bá truyền thông. Dù khán giả rất đông nhưng tên của chương trình xuất hiện trên mặt báo là hết sức khiêm tốn.
Có thể thấy thêm điều này ở hai gương mặt trong hạng mục Album của năm: Classic Meets Chillout của Phạm Thu Hà và Country Rock của Tạ Quang Thắng. Xét về bình diện nội dung thì cả hai album này đều là những gương mặt đại diện xứng đáng cho thể loại mà họ thể hiện: classic crossover (cổ điển giao thoa) và Pop/Rock. Nếu album của Tạ Quang Thắng nhận được sự đồng thuận của giới chuyên môn thì cái khó duy nhất của anh ở sự bầu chọn của báo giới lại là sự lan tỏa. Thắng từng tâm sự rằng anh muốn album này “hữu xạ tự nhiên hương”. Điều này khác hẳn với ý tưởng quảng bá của Phạm Thu Hà khi cô có cả một ê-kíp hùng hậu đứng saugiúp Classic Meets Chillout có mặt ở khắp nơi và hiện album này đã bán sạch. Album của Hà từ khi chuẩn bị ra mắt cho đến khi single đầu tiên được tung ra, thì tên, hình ảnh của Phạm Thu Hà đã xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí ê-kíp của cô còn định làm một đêm nhạc quảng bá, mời báo giới hai miền cùng tham dự. Hồ Quỳnh Hương từng áp dụng chiêu thức này vào tháng 4/2007 khi mời nhà báo phía Bắc vào Nam tham dự buổi họp báo ra mắt 2 album, Non Stop và Diamond Noir, đến giờ vẫn được xem là buổi họp báo tốn kém nhất lịch sử showbiz Việt!
|
Chính sức mạnh truyền thông đã đẩy những cái tên như Hương Tràm, Thái Trinh ra ánh sáng và giúp họ có mặt tại giải Cống hiến năm nay. Và đó cũng là con đường mà nhiều gương mặt trẻ đang áp dụng. Những bước tiếp cận thị trường theo kiểu truyền thống: Ra mắt CD, quảng bá lưu diễn… đang bắt đầu phải thay đổi với những hình thức tiếp cận mới khi truyền hình thực tế đang quyết định sự thành đạt của ngôi sao mới trên thị trường, cùng với nó là sự nở rộ của các kênh chia sẻ video trực tuyến.
Ngay cả giải Grammy cũng bắt đầu phải đối phó với tình huống tương tự. Sự đi lên của nhạc số đang thách thức cách tính giải cho những album phát hành kiểu truyền thống. Những ông trùm xuất bản băng đĩa như Capital hay Columbia, Sony Music… bây giờ cũng không còn nuôi “gà” theo kiểu công ty đĩa hát sẽ lo từ A-Z và chia phần trăm lợi nhuận với ca sĩ nữa. Giờ bất cứ ai muốn ra đĩa sẽ phải tự bỏ tiền làm. Sự thay đổi này dẫn đến cách tiếp thị âm nhạc cũng phải mới mẻ hơn.
Công ty YG Entertainment (Hàn Quốc) đã từ lâu nhận ra YouTube là một cánh đồng mênh mông mà họ chưa chạm nhát cuốc nào. Và khi chạm vào, lập tức sự thành công là ngoài sức tưởng tưởng, mà trường hợp Psy với Gangnam Style và Gentleman mới đây là những minh chứng. Tại Việt Nam, sự phủ rộng của hình thức music video (MV) đến giờ này là không thể phủ nhận. Người nắm lấy cơ hội này và biến nó thành thắng lợi rõ nhất năm 2012 không ai khác ngoài Mỹ Tâm. Nếu như không có MV Chuyện như chưa bắt đầu với hơn 8,5 triệu lượt người xem trên YouTubethì việc Mỹ Tâm ngồi ghế giám khảo hay đoạt giải thưởng âm nhạc MAMA khó giúp cô thắng trong “cuộc đua” Ca sĩ của năm.
Năm 2012, âm nhạc Việt gần như giậm chân tại chỗ và không hiển thị nhiều giá trị mới. Tuy vậy cách tiếp thị âm nhạc lại khá đổi mới và xu hướng ấy chắc chắn sẽ không dừng lại ở 2013.
Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất