Những đứa con thành phố

29/08/2010 12:06 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - “Tớ đá có 27 phút, sao lại phải đóng 5 “xị””, Đình Đoàn (còn gọi là Đoàn “trâu”) giơ tay phát biểu. “Thôi cứ quy định thế này, ai nào đá V-League thì 5 “xị”, hạng Nhất 3 “xị”, còn giải nghệ nhưng tớ chẳng hạn, thì… miễn. Sao cứ phải trình bày nhiều thế nhỉ?”, Hồ Quỳnh Minh (Minh “điên”) lên tiếng…

Đó là một đoạn thoại (vui thôi) của lứa cầu thủ U21 Công an TP.HCM (1998 – 2001), sau trận giao hữu với “phần còn lại” của bóng đá TP.HCM (bao gồm các cầu thủ từng khoác áo TMN.CSG, Bưu Điện, MASECO và cả những đội bóng láng giềng…, dưới cái tên 308 Club), trên sân QK7 vào chiều qua (28/8). Năm nào cũng vậy, nó như một cái nếp rồi.

1. Một buổi chiều rất đặc biệt. Những đứa con của Sài Gòn hội tụ về sân bóng QK7, như một lẽ tự nhiên, sau khi mùa bóng 2010 kết thúc. Đó đã là thông lệ được ghi trong quyển nhật ký của họ. Từ những “người đương thời” như Việt Thắng (V.NB), Ngọc Thanh (vừa mãn hạn hợp đồng với XM.HP), Nhật Thanh (HP.HN), Tuấn Phong (ĐT.LA), bộ đôi cầu thủ của TĐCS.ĐT tại V-League 2010: Văn Tuấn – Thái Dương, rồi Đinh Cường (từng khoác áo B.BD, Đồng Nai.B và HN.Tiền Giang), đến những người hết thời như Anh Kiệt, Minh “điên”, Quang Châu hay Đoàn “trâu”..., lại tìm về với nhau, như một sự tri ân, trao đổi – trau dồi kinh nghiệm sống.



Nếu những cầu thủ như Việt Thắng (trái) còn ở lại TP.HCM, hẳn là bóng đá nơi đây không phải vất vả như mấy mùa giải vừa qua.

Đang ở đỉnh cao hay vực sâu của sự nghiệp, không phân biệt sang hèn, thiệt hơn, họ gọi nhau bằng mày – tao, quát tháo, thậm chí mắng mỏ nhau một cách thoải mái. Nó xuất phát từ tình đồng đội, từ những chia sẻ bạn bè sâu đậm (kiểu gói mì, cân đường, hộp sữa), từ sự chung lưng đấu cật suốt bao năm ròng, như thể trên bến dưới thuyền, trong màu áo đội bóng cũ…

Rất lâu rồi, trong lòng những đội bóng Sài Gòn, người ta không bao giờ tìm lại được không khí rôm rả như thế. Người chứng kiến, cũng cảm thấy mủi lòng, vui lây. Chỉ là “bây giờ tan tác về đâu” và đó mới là thực cảnh buồn.


U21 Công An TP.HCM cũ thua trận (rất dễ hiểu, khi phần lớn các cầu thủ “đương thời” đều phải giữ chân cho sự nghiệp của mình), nhưng kết quả chưa bao giờ là tiêu chí cuối cùng của đội ngũ các cầu thủ từng 2 lần dự trận chung kết VCK U21 QG – Cup Báo Thanh Niên này. Trận đấu chiều qua là một tình huống như thế, để rồi sau buổi tiệc, mỗi người mỗi ngả, tìm đường mưu sinh.


2. Cần nhớ rằng, Công an TP.HCM chỉ là một trong “tam đại gia” của bóng đá Sài Gòn trước đây. Họ thậm chí còn yếu thế hơn nhiều so với Hải Quan hay Cảng Sài Gòn, xét về mặt lịch sử và con người. Nhưng với chỉ những cái tên vừa nhắc, TP.HCM (nếu có họ) có thể trở thành một thế lực thực sự của V-League và trở thành nguồn cung cấp rất dồi dào cho các ĐTQG. Thái Dương, Việt Thắng từng đi tu nghiệp bên Pháp; Ngọc Thanh, Nhật Thanh, Văn Tuấn, Đinh Cường…, đang là “hàng hot” trên thị trường chuyển nhượng. Dám chắc là nếu Navibank.SG hay TP.HCM muốn có chữ ký của họ, cũng không hề đơn giản.


Năm ngoái, sau khi CLB TP.HCM phải nhận vé xuống chơi hạng Nhất (cùng thời điểm, đội bóng nhập khẩu Sài Gòn United rớt hạng Nhì, trước khi phải giải thể), người ta phải vội vã mua suất chơi V-League từ QK4, để tránh viễn cảnh Sài Gòn sẽ trở thành vùng trắng bóng đá. Đó là sự thức thời không mong đợi. Trước đó, lần lượt TP.HCM B, rồi Đá Mỹ Nghệ.SG, cũng rớt hạng Nhì.... Xâu chuỗi lại từ thời điểm Hải Quan, rồi Công an TP.HCM giải thể (hoặc được đem bán); Cảng Sài Gòn năm lần bảy lượt thay đổi phiên hiệu để tồn tại, rõ ràng, bóng đá TP.HCM đã tụt hậu so với phần còn lại. Sự thật vốn phũ phàng.


Người viết bỗng cảm thấy đắng lòng, khi nghĩ về viễn cảnh của bóng đá Sài Gòn. Thành phố từng là cái nôi của bóng đá tại sao không thể níu chân họ lại, để những đứa con phải “tha hương cầu thực”?! Đây là câu hỏi lớn và chưa bao giờ có lời giải thỏa đáng. Liệu còn có ngày họ hội tụ về đây, để lại làm nên thương hiệu, bản sắc, tính cách cho bóng đá TP.HCM sánh vai với bè bạn cả nước?!


TÙY PHONG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm