Tổng kết 5 năm của FSG ở Liverpool: FSG kém cả Hicks&Gillette

17/10/2015 13:51 GMT+7 | Liverpool

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 15/10 vừa rồi là kỷ niệm 5 năm kể từ ngày Fenway Sports Group tiếp quản Liverpool từ tay các ông chủ Hicks và Gillette. Họ đã làm được gì trong nửa thập kỷ qua?

Đầu tháng 10/2010, tổng nợ của Liverpool đã vượt mốc nửa tỉ USD, gần gấp đôi so với doanh thu hàng năm của CLB lúc bấy giờ. Ngân hàng hoàng gia Scotland, chủ nợ chính của họ (gần 400 triệu USD), đâm đơn kiện và buộc Hicks cùng Gillett phải bán đội bóng lại cho New England Sports Ventures, tức Fenway Sports Group sau này.

Chương mới tệ hơn chương cũ

Kể từ chiến dịch cuối cùng của Rafa Benitez ở CLB đó, mùa 2009-10, Liverpool đã về đích từ hạng 6 trở xuống 5 lần, bằng với tổng số lần họ không về đích trong Top 5 ở Anh trong 45 năm trước đó.

Chỉ đo đếm bằng thành tích, FSG đang thất bại. Hicks và Gillett thậm chí có thể dè bỉu ở thời điểm này: Trong 3 năm rưỡi họ nắm quyền ở Anfield, Liverpool thắng 70/133 trận ở Premier League, chỉ về đích ngoài Top 4 một lần, còn ở châu Âu đã vào chung kết, bán kết và tứ kết Champions League, cùng một lần vào bán kết Europa League. Thành tích đó của FSG là 93 trận thắng/191 trận.

Trừ Fernando Torres và Martin Skrtel, phần lớn đội hình Liverpool thành công với Benitez được tập hợp từ trước khi Hicks và Gillett ở đó, với Steven Gerrard và Jamie Carragher đều đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Đội bóng áo đỏ lúc bấy giờ cũng chưa phải cạnh tranh với Man City của Sheikh Mansour. Nhưng ngay cả như thế, Liverpool của thời hỗn loạn đó vẫn mạnh mẽ hơn Liverpool hiện giờ, nhất là khi FSG đã để mất quá nhiều những tài sản quý giá của họ ở Anfield, Luis Suarez, Gerrard, rồi Raheem Sterling.

Những quyết định bổ nhiệm HLV của họ, cho tới thời điểm này, cũng đều chỉ ở mức cao nhất là trung bình khá. Tưởng như việc đưa về huyền thoại Kenny Dalglish để thay cho Roy Hodgson là điều đương nhiên, nhưng Dalglish khi đó đã sắp 60, xa rời bóng đá đỉnh cao hơn một thập kỷ và tư duy của ông đã quá lạc hậu.

Không chỉ mình Rodgers sai

Brendan Rodgers, trong khi đó, lại ở thái cực ngược lại: Quá trẻ, quá hiện đại và quá cách tân đến mức cực đoan. Sau 3 năm rưỡi, Liverpool vẫn chưa thể tìm thấy bản sắc của họ. Rodgers tới với tư cách là một tín đồ của trường phái tiki-taka cầm bóng nhiều và chuyền liên tục, rồi ra đi để lại một đội bóng không rõ là chơi với 3 hay 4 hậu vệ, kỹ thuật hay sức mạnh, tốc độ hay sự kiểm soát, tất cả đều mơ hồ như chính tương lai của đội bóng áo đỏ.

Vào những ngày cuối của Rodgers, phần đông CĐV Liverpool đều nhất trí rằng HLV người Bắc Ireland đã ở lại quá lâu và không có một tầm nhìn rõ ràng về lối chơi cũng như phong cách của đội bóng. Nhưng lỗi không chỉ của mình Rodgers. Trong kỳ chuyển nhượng đầu tiên, ông đưa về 4 cầu thủ cho đội 1: Mua Joe Allen, Fabio Borini, Oussama Assaidi và mượn Nuri Sahin từ Real Madrid. Allen và Borini là người cũ của ông ở Swansea, Sahin vừa bình phục một chấn thương nghiêm trọng và Assaidi tới từ Heerenveen. Trong 4 người đó, giờ chỉ còn Allen ở lại CLB.

Không còn tin tưởng khả năng mua cầu thủ của ông, FSG bổ nhiệm “ủy ban chuyển nhượng”, nhưng rồi “lắm thầy thối ma”, ủy ban này cũng chẳng làm tốt hơn Rodgers trong việc mua sắm. Kết quả là giờ đây Liverpool là một đội bóng với những cầu thủ hoặc không đủ đẳng cấp, hoặc không đủ kinh nghiệm, hoặc cả hai, và tệ hơn, sự gắn kết và tinh thần tập thể, vốn luôn là điều khiến Liverpool là một đội bóng đặc biệt, ngày càng khó nhận thấy ở Anfield.

Giờ thì sự tin tưởng được gửi gắm ở Klopp, một chuyên gia đánh thức những người khổng lồ ngủ quên. Sân Anfield cũng sẽ được mở rộng lên thành 54.000 chỗ vào cuối mùa 2016-17. Một cuộc tái thiết đội hình sẽ sớm bắt đầu trong nay mai. Hy vọng vẫn là khá mong manh, nhưng các CĐV áo đỏ có thể tự an ủi rằng ít ra là sau 5 năm đã đầu tư quá nhiều thời gian và công sức, giờ thì FSG không thể bỏ đội bóng mà đi, như Hicks và Gillet.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm