Những điều cần biết về bệnh viêm loét giác mạc

30/11/2023 15:24 GMT+7 | Đời sống

Viêm kết mạc, hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng), kết mạc mi. Bệnh rất thường gặp (cấp tính chiếm tần suất mắc cao hơn mạn tính), điều trị dễ dàng và có thể phòng tránh được.

Viêm loét giác mạc là khi giác mạc bị trầy và bị nhiễm trùng. Đây là một bệnh rất nguy hiểm vì có thể để lại những di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, lồi mắt cua, teo nhãn, thậm chí là đánh mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.

Những điều cần biết về bệnh viêm loét giác mạc - Ảnh 1.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân viêm loét giác mạc tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ

Những nguyên nhân gây bệnh viêm loét giác mạc

- Viêm loét giác mạc có thể do nhiễm vi khuẩn, nấm.

- Loét giác mạc do virus (thường do herpesviruses).

- Do viêm giác mạc sợi vì người bệnh khô mắt kéo dài.

- Sự thiếu hụt vitamin A và protein.

- Loét có thể bắt đầu với chấn thương giác mạc, vật lạ làm trầy xước, xâm nhập/ đọng lại trong mắt. Nguời dân tại ĐBSCL thường gặp viêm loét giác mạc, do đa số làm nông nghiệp dễ bị dị vật (hạt lúa) làm tổn thương giác mạc.

- Do biến chứng của tình trạng hở mi, lông quặm…

- Một số bệnh lý như mắc bệnh đái tháo đường kiểm soát không tốt cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm loét giác mạc.

Triệu chứng của bệnh

- Sưng mí mắt, co quắp mi.

- Mắt đỏ, đau, cảm giác như có dị vật trong mắt, nhạy cảm với ánh sáng chói và tăng tiết nước mắt.

- Xuất hiện đốm trắng/ xám hoặc mờ trên giác mạc.

- Giác mạc mờ, mất đi độ bóng.

- Vết loét càng sâu thì các triệu chứng và biến chứng càng nặng.

Cách điều trị bệnh viêm loét giác mạc

- Nếu nguyên nhân là vi khuẩn: Sử dụng kháng sinh phổ rộng hoặc tốt nhất là dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.

- Cách chữa viêm loét giác mạc nguyên nhân do virus: Người bệnh sẽ dùng thuốc chống virus đặc hiệu đã được kê đơn.

- Nguyên nhân do nấm: Dùng thuốc chống nấm đặc hiệu được kê đơn.

- Thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm thường cần thiết ngay lập tức và phải được dùng thường xuyên, đôi khi hàng giờ liên tục trong vài ngày.

- Nếu các phương án điều trị nội khoa không giải quyết được tình trạng bệnh, viêm loét giác mạc ăn sâu và lan rộng thì các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá và chỉ định phương án điều trị ngoại khoa. Cụ thể:

• Ghép giác mạc

• Thực hiện phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu và múc nội nhãn

Phòng ngừa loét giác mạc bằng cách nào?

- Bổ sung đầy đủ thực phẩm giàu vitamin A giúp làm giảm tình trạng khô mắt và tăng cường thị lực.

-  Đi ra đường nên đeo kính mát tránh tác nhân bất ngờ làm tổn thương mắt.

- Nên thường xuyên rửa tay trước khi chạm vào mắt.

- Trước khi đeo, tháo kính áp tròng cần rửa tay sạch sẽ.

- Sử dụng dung dịch vệ sinh kính, không thay thế bằng nước hoặc pha loãng dung dịch.

- Nếu mắt có dị vật lạ, không nên dụi mắt hay tự tìm cách lấy ra nên đến các cơ sở y tế để được xử lý.

- Nếu có các bệnh lý về mắt, người bệnh nên chữa trị dứt điểm càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ khuyến cáo không nên dùng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid vì hoạt chất này gây giảm miễn dịch tại chỗ, làm chậm quá trình liền sẹo. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho các chủng vi khuẩn trong kết mạc và giác mạc phát triển, thậm chí còn gây biến chứng nặng.

Viêm loét giác mạc là một bệnh về mắt thường gặp nhưng nếu phát hiện sớm thì không phải lo lắng, hoàn toàn chữa khỏi được. Nếu có các triệu chứng bất thường về mắt, làm ảnh hưởng thị lực, người dân không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt hay tự ý điều trị, mà nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả, kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến thị lực.

ĐD Ngô Kiều Như - Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm