Những dịch giả đã có công khai phá

19/04/2014 08:01 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Từ chỗ bị người ta hoài nghi buổi ban đầu, văn của Marquez nhanh chóng có sức ảnh hưởng to lớn đối với giới cầm bút Việt Nam, được coi là “hiển nhiên phải đọc”.

Hiện nay, các dịch giả dù sống trong nước cũng có thể chọn những tác phẩm văn học đến từ một nền văn hóa xa lạ do sức mạnh của toàn cầu hóa. Thế nhưng, ở thập niên 80, chọn dịch tác phẩm của Marquez là hành động có tính cách mạng của các dịch giả người Việt.

Họ là Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng - các nhà báo Thông tấn xã Việt Nam từng theo học tiếng Tây Ban Nha ở Cuba những năm 1970.

Dịch Marquez là “quyết định tiên phong”

Do sống và làm việc trong bầu không khí văn hóa của một đất nước Nam Mỹ, trong môi trường ngôn ngữ Tây Ban Nha nên gu đọc của họ khác những độc giả trong nước. Chính vì thế, họ có thể cởi mở tiếp nhận và say mê cái mới từ một nền văn học khác không quá gần gũi với Việt Nam. Hơn thế, không chỉ đọc, họ còn quyết tâm giới thiệu cho độc giả trong nước.


Các dịch phẩm tiêu biểu của Gabriel Garcia Marquez tại Việt Nam, từng tạo nên một thế hệ hâm mộ giữa những năm 80.

Đó là một quyết định tiên phong. Bởi văn học tiếng Tây Ban Nha từ trước đến nay vẫn khan hiếm dịch giả. Và còn bởi văn chương Marquez mang một phong cách hoàn toàn khác so với văn học Việt Nam thời kỳ đó. Về sau, Nguyễn Trung Đức trở thành người dịch Marquez có hệ thống và còn được gọi là “nhà Marquez học”. Ông qua đời vào năm 2001 nhưng đã kịp chuyển tải hầu như đầy đủ những tác phẩm lớn nhất của Marquez sang tiếng Việt, tạo cho ông diện mạo khá trọn vẹn ở Việt Nam. Đó là những tác phẩm: Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Ngài đại tá chờ thư, Mùa thu của vị trưởng lão…

Tính ra, Marquez “đến” Việt Nam không sớm, nhưng cũng không muộn. Năm 1982 ông nhận giải Nobel Văn học thì năm 1984 đã được dịch sang tiếng Việt. 2 năm sau đó là đổi mới (1986), nên tác phẩm cũng có điều kiện để được tiếp nhận và hoan nghênh ở Việt Nam, dù cũng trải qua không ít chông gai.

Bài học dịch thuật từ cái “dâm” và “loạn luân”

“Khiêu dâm” và “loạn luân” là những từ từng được một số người ở Việt Nam quy chụp cho tác phẩm của Marquez, dựa theo nội dung Trăm năm cô đơn Tình yêu thời thổ tả. Điều đó dẫn đến việc Tình yêu thời thổ tả bị “mắc vạ” sau khi được in lần đầu năm 1987, đến năm 1995 mới được in lại.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, bài bác tác phẩm của Marquez thời kỳ đó có thể so sánh với cách người ta từng đối xử với tác phẩm của tác gia Việt Nam là Vũ Trọng Phụng (Số đỏ, Giông tố, Làm đĩ…). Nguyên do đều nằm ở chữ “dâm” mà không nhận ra đó là thủ pháp của tác giả.

Gabriel Garcia Marquez qua đời vào đêm 17/4/2014 (tức rạng sáng 18/4/2014 theo giờ Việt Nam) ở tuổi 87. Các dịch phẩm tiêu biểu tại Việt Nam: Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Ngài đại tá chờ thư, tự truyện Sống để kể lại...
Ngoài ra, một lý do khiến người viết, người đọc Việt Nam ban đầu khó tiếp nhận văn Marquez là vì ông mô tả hiện thực khác với cách chúng ta vẫn đọc. Khi Marquez vào Việt Nam, người ta sửng sốt nhận ra có một cách viết khác về hiện thực, trong đó chứa những yếu tố phi lý, khác thường, như chuyện người mọc đuôi lợn trong Trăm năm cô đơn.

“Ở Việt Nam tồn tại một định kiến văn học là luôn gắn văn học với đạo đức, luân lý, chính trị mà coi nhẹ yếu tố nghệ thuật, cách tân, không căn cứ vào giá trị nội tại của văn học. Bởi thế, từng có thời chúng ta lên án và cấm đoán những tác phẩm văn học giá trị nhất của thế giới mà văn Marquez là một ví dụ” – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói với Thể Thao & Văn Hóa.

Bài học dịch thuật rút ra ở đây là, người dịch phải dũng cảm có công khai phá, giới thiệu tác phẩm giá trị đến cho người đọc dù xa lạ về văn hóa và đòi hỏi cách tiếp nhận khác.

“Marquez bây giờ có thể coi là khó đọc”

Văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latin đạt đỉnh cao trên thế giới vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Còn ở Việt Nam thì khoảng thời gian đó là giữa những năm 80, khi bản dịch Trăm năm cô đơn và nhiều bản dịch các tác phẩm lớn của văn học Mỹ Latin được in.

Đến nay, có thể nói thời đỉnh cao đó đã qua, nhưng ai cũng chỉ có một thời. Tác phẩm của Marcel Proust, Tìm lại thời gian đã mất, ngày nay cũng được coi là rất khó đọc. Marquez cũng thế. Không thể coi là best-seller nhưng vẫn có người tìm đọc. “Nhưng dù sao, nói không quá thì ông đã góp phần thay đổi tư duy văn học Việt Nam. Với người đọc người viết ở Việt Nam, ông là một người thân thuộc. Chúng ta cần biết ơn ông” – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: “Nếu đọc Marquez sớm, tôi đã viết tốt hơn”

Nguyễn Bình Phương là nhà văn xuất sắc của văn học Việt Nam đương đại. Những đứa trẻ chết già, tiểu thuyết làm nên tên tuổi anh, thường được giới phê bình đưa ra so sánh và coi là chịu ảnh hưởng của văn Marquez. Văn Nguyễn Bình Phương cũng được coi là có chất “hiện thực huyền ảo Mỹ Latin đậm nét nhất trong số những nhà văn Việt Nam”.


Trao đổi ngắn với Thể Thao & Văn Hóa về đánh giá này, Nguyễn Bình Phương nói: “Marquez là tác giả mà hiển nhiên mọi nhà văn phải đọc. Nhưng tôi đọc ông không sớm lắm. Tôi viết tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già, nhiều người cũng nói là chịu ảnh hưởng của Marquez. Trong khi đó, thực ra, vài năm sau khi viết Những đứa trẻ chết già, tôi mới đọc tác phẩm đầu tiên của ông. Nếu đọc sớm thì tôi nghĩ mình sẽ viết tốt hơn vì học hỏi được nhiều điều ở ông.

Hiện thực huyền ảo ở Việt Nam mình chưa “ra tấm ra món”, còn người Mỹ Latin viết hiện thực huyền ảo có nguyên bộ mã văn hóa của họ. Còn Việt Nam, chỉ là những câu chuyện hoang đường. Văn của tôi cũng vậy, mang chất dân gian, huyền bí ma quái kiểu phương Đông nhiều hơn là hiện thực huyền ảo kiểu phương Tây.

Tôi thích truyện ngắn của Marquez hơn so với các tiểu thuyết của ông. Ông thực sự là một tác giả truyện ngắn hay. Còn Trăm năm cô đơn thì còn gì để bàn, đúng là to lớn quá. Tôi nghĩ tác phẩm của Marquez không khó đọc như người ta vẫn nói, ít nhất theo cảm nhận của tôi”.

Lê Giang (ghi)

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm