Những dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính đang không tệ như bạn nghĩ

08/03/2023 15:48 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Điều quan trọng là bạn phải nắm bắt được thế mạnh tài chính cá nhân của chính mình.

Đối với những người đang có gánh nặng nợ nần, phải chống chọi với lối sống chi tiêu mạnh tay và bị choáng ngợp bởi tình trạng lạm phát hiện nay, họ sẽ rất dễ cảm thấy như thể tình hình tài chính của mình đang bị xáo trộn.

Bạn có thể cảm thấy lo lắng và cho rằng mình đang thiếu thốn về tiền bạc. Nhưng khi sống trong tâm trạng lo lắng, chúng ta có thể sẽ đưa ra những quyết định tài chính tồi tệ hơn. Để cải thiện mối quan hệ của bạn với tiền bạc, điều quan trọng là phải đánh giá lại những điều bạn có và đang làm đúng.

Dưới đây là một số dấu hiệu để bạn có thể ăn mừng, khi cho thấy tình hình tài chính của bạn vẫn ổn về mặt tổng thể.

Bạn có một bản kế hoạch tài chính

Những dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính đang không tệ như bạn nghĩ - Ảnh 1.

Có thể gọi ngắn gọn là ngân sách, đây đơn giản là một danh sách tất cả các chi phí và doanh thu về tài chính theo thời gian, tức là bạn đã kiểm soát được tài chính của mình nhiều hơn hầu hết mọi người. Tất nhiên, có ngân sách và bám sát ngân sách là hai vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, nếu ít nhất bạn đã có một bảng ngân sách, thì bạn đã thực hiện một bước quan trọng đầu tiên là nhận thức được tình hình tài chính của mình như thế nào.

Nếu chưa có ngân sách, có thể đây là thời điểm thích hợp để tạo ra nó. Điều này cũng không nhất thiết đòi hỏi bạn phải đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt cho bản thân, mà đơn giản là hiểu sâu hơn về thói quen chi tiêu của mình và đặt ra các mục tiêu tài chính.

Có rất nhiều phương pháp lập ngân sách khác nhau mà bạn có thể thử để quản lý tiền của mình. Một tùy chọn phổ biến là phương pháp 50/20/30 , nhưng dù lựa chọn phương pháp nào thì ngân sách tốt nhất phải là thứ phù hợp với bạn.

Bạn biết chính xác tiền của mình sẽ đi đâu

Ngay cả khi bạn cảm thấy lo lắng về thói quen chi tiêu của bản thân, điều quan trọng hơn cả là phải biết những thói quen chi tiêu đó là gì. Không biết tiền của bạn sẽ đi đâu là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng về vấn đề tài chính của bạn.

Để trở thành người tiêu dùng thông minh hơn, hãy bắt đầu bằng cách xem bảng sao kê ngân hàng của bạn trong ít nhất 90 ngày qua. Sau khi xem xét chi tiêu của mình, bạn có thể sẽ khám phá ra những lĩnh vực mà bạn có thể cắt giảm, cũng như những lĩnh vực mà bạn thậm chí không nhận ra rằng mình đang lãng phí tiền vào nó.

Bạn biết được tình trạng nợ nần của mình

Những dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính đang không tệ như bạn nghĩ - Ảnh 2.

Tương tự như việc biết tiền của bạn sẽ đi đâu, điều quan trọng là phải biết bạn đang nợ bao nhiêu tiền. Không ai muốn sống trong sợ hãi khi nói đến các khoản nợ của mình. Sau khi có đủ thông tin, bạn có thể bắt đầu tìm ra các phương án để trả hết nợ.

Bạn có một quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp thường có quy mô vào khoảng một tháng tiền thuê nhà cộng với các khoản khấu trừ bảo hiểm của bạn, nếu muốn đơn giản hơn thì hãy giữ cho mình khoảng một tháng tiền lương. Nếu bạn đã tiết kiệm được số tiền đó và bạn không phải sử dụng chúng để thanh toán các hóa đơn thông thường, thì bạn đã thực hiện một bước quan trọng để tạo ra một tương lai tài chính an toàn hơn cho chính mình.

Sau đó, tiếp tục xây dựng quỹ khẩn cấp để nó có thể đạt đến quy mô to hơn, tới mức có thể chi trả các khoản cho bạn trong sáu tháng hoặc lâu hơn. Nếu có thể, hãy cập nhật số tiền bạn đang tiết kiệm và đảm bảo rằng số tiền đó sẽ tăng lên cùng với thu nhập của bạn.

Tự tin vào việc chi tiêu và đừng để nó cản trở bạn

Nếu bạn liên tục cảm thấy hối hận sau khi mua sắm, cảm thấy không có khả năng đưa ra quyết định và liên tục mất ngủ vì tiền, thì rõ ràng cần phải thay đổi điều gì đó. Khi bạn cảm thấy tự tin rằng mình chỉ đang chi tiêu cho những thứ bạn yêu thích và không lãng phí tiền vào những thứ bạn không thích, bạn sẽ đưa ra nhiều quyết định tài chính tốt hơn cho chính mình.

Tự hạ mình vì thói quen chi tiêu có thể phản tác dụng khi ra quyết định dựa trên nỗi sợ hãi. Đừng trở thành nô lệ của tiền bạc, nhưng cũng đừng quá sợ hãi nó tới mức không dám chi tiêu cho bất cứ thứ gì. Nhìn nhận sai lầm và rút kinh nghiệm sẽ giúp bạn có thể tự tin để tiếp tục đưa ra các quyết định tài chính thông minh hơn trong tương lai.

Tham khảo Lifehacker

Bảo Nam

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm