Cầu thủ Việt Nam: Sau bóng đá là... bóng gì?

03/08/2014 12:21 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không ít cầu thủ Việt Nam có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, và đấy được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự trượt dốc của họ. Song bức tranh về cuộc sống đời thường của cầu thủ Việt không chỉ toàn gam màu xám, vì đây đó vẫn còn có rất nhiều tấm gương sáng.

Tiền vệ Văn Nghĩa trước đây, khi chuyển từ TĐCS.Đồng Tháp lên khoác áo CLB N.Sài Gòn mùa 2011, sau mỗi trận đấu chính thức và tập luyện, địa chỉ quen thuộc mà anh thường lui tới hàng đêm là trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM. Cầu thủ người Đồng Tháp đến trường đều đặn hàng đêm không phải để “chạy theo tiếng gọi tình yêu” như lời đồn của một số đồng nghiệp.

Để qua mặt sự kiểm tra của BHL, thường các cầu thủ hay sử dụng giải pháp “có mặt đúng thời gian quy định của đội để kiểm tra, sau đó leo rào ra ngoài để đến điểm tập kết”. Thậm chí có trường hợp để qua mặt BHL, đồng đội cùng phòng, các cầu thủ dùng mền gối để giả làm hình nộm, hệt như mình đang ngủ trên giường...
Văn Nghĩa đến đó để hoàn thành giấc mơ trở thành kỹ sư xây dựng. Anh đang theo học chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, thuộc hệ đào tạo từ xa của trường Đại học GTVT. Văn Nghĩa tâm sự: “Đời cầu thủ ngắn lắm nên tôi phải “thủ” cho mình một cái gì đấy nhằm khi chia tay sân cỏ hay bất ngờ thất nghiệp thì còn có cái để mưu sinh và nuôi vợ con”.

Sau giờ tập luyện, cơm nước xong xuôi, tiền vệ Đức Nhân (hiện khoác áo CLB Đồng Nai) - cựu đội trưởng của đội tuyển U20 Việt Nam phải cắp cặp chạy “ù” đến trường trung cấp Thống kê, thuộc Tổng cục Thống kê để học. Bình thường, hệ trung cấp chỉ mất có 1,5 năm là tốt nghiệp, nhưng với Đức Nhân thì đến 3 năm anh mới xong, vì phải đi thi đấu xa, không thường xuyên đến lớp, dẫn đến bị nợ môn.

Đức Nhân cho biết: “Trường trung cấp Thống kê nằm gần sân Đồng Nai, nơi đội đang tập trung nên tôi đỡ vất vả trong việc đi lại. Tuy nhiên, nếu có xa hơn thì tôi cũng đi đều, bởi được đi học không những là niềm yêu thích, mà còn là cách chuẩn bị cho cuộc sống của mình trong tương lai được tốt hơn...”. Theo kế hoạch của Đức Nhân, thời gian tới, sắp xếp được thời gian, anh sẽ học tiếp liên thông lên Đại học.

Tất nhiên, để làm được điều như Văn Nghĩa, Đức Nhân là chuyện không phải muốn là được, bởi hầu hết cầu thủ chúng ta trình độ học vấn thường chưa hết THPT. Và cũng vì trình độc học vấn có hạn nên dẫn đến nhận thức kém, khiến cho hầu hết các cầu thủ Việt tìm đến những “thú vui” khác mặc dù biết trước là sẽ giết chết đời cầu thủ như nhậu nhẹt, cờ bạc, mại dâm, ma túy...

Các đội bóng ở Việt Nam sau mỗi trận đấu chính thức thường hay “thả cửa” tự do cho đến chiều ngày hôm sau mới tập trung trở lại. Vì vậy, các cầu thủ rất vô tư “tung tăng”, “đập phá” và thoải mái tiếp xúc với đủ mọi thành phần. Song, do thói quen “ăn được nhịn không được” nên cho dù có cấm cản, theo dõi chặt chẽ đến cỡ nào thì họ vẫn vi phạm một cách bình thường.

Thực tế, việc các cầu thủ của chúng ta vướng vào những chuyện xấu xí này bên cạnh ý thức của mỗi cầu thủ, sự lơ là trong việc giáo dục tư tưởng của lãnh đạo, BHL các đội bóng cũng được xem là nguyên nhân lớn. Bởi vậy, đã đến lúc các đội bóng cần chỉnh đốn và xem lại cung cách quản lý của mình, chỉ có như thế thì mới hạn chế được những chuyện xấu, chuyện động trời như sự cố của 9 cầu thủ V.Ninh Bình, 6 cầu thủ của Đồng Nai như vừa qua.

Thanh Thuần
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm