01/01/2016 14:13 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như văn hóa là cái thấm vào chúng ta hàng ngày, như hơi thở; thì có lẽ nó không chỉ nằm trong những sự vụ ồn ào, những kỳ cuộc “đến hẹn lại lên” và đến rồi đi. Nhìn lại văn hóa 365 ngày của năm 2015 chính là nhìn lại xem chúng ta đã tạo ra, và đã hưởng thụ một môi trường văn hóa như thế nào, đã trải nghiệm những gì, và những gì còn đọng lại để tiếp tục được nâng lên trong năm 2016...
Và trước đó, một cấu trúc của Phong Nha - Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng, cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng thế giới khi được truyền hình trực tiếp trên chương trình Good Morning của Đài ABC (Mỹ) vào tối 13/5. Sự kiện này lập tức gây “bão mạng” trong cộng đồng khán giả Việt Nam. Chỉ một tuần sau đó, hang động đặc biệt này bất ngờ xuất hiện trong clip quảng cáo phim bom tấn Peter Pan của Hãng Wanner Bross và thu hút hơn chục triệu lượt truy cập.
Một di sản khác của Việt Nam cũng được thế giới vinh danh, đó là nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam (và của cả Hàn Quốc, Philippines và Campuchia). Việc công nhận này đã khiến nhiều người giật mình, bởi lẽ, nếu chỉ hiểu kéo co là một trò chơi dân gian thuần túy, thì không thấy hết được các giá trị “phi vật thể” của nó.
Mới hay, có những sinh hoạt văn hóa giản dị, hàng ngày, hết sức đời thường, nhưng để hiểu được hết giá trị của nó thì hoàn toàn không đơn giản. Sự đánh giá từ bên ngoài thường khiến chúng ta, những người trong cuộc, phải ngạc nhiên, ngỡ ngàng, và tất nhiên là rất vui sướng.
Nhưng không phải tất cả đều như vậy. Ở chiều ngược lại, có những thứ văn hóa mà bao nhiêu năm nay, đa số chúng ta tin rằng, đó là những giá trị, là bản sắc độc đáo, thì bất chợt, bị bên ngoài dội một gáo nước lạnh.
Lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh bất ngờ bị Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á phê phán là “dã man”, tàn bạo, vô nhân đạo và yêu cầu phải chấm dứt. Rất nhiều tranh cãi nổ ra. Và không dừng ở chém lợn, tục đâm trâu, tục đập đầu trâu, cùng một số nghi lễ hiến sinh động vật khác trên cả nước cũng bị rơi vào tầm ngắm.
Đa số các ý kiến từ công luận và từ các nhà quản lý văn hóa, giáo dục đều cho rằng, các nghi thức ấy là “dã man”, không còn phù hợp với xã hội hiện đại và cần phải chấn chỉnh, thậm chí cấm tiệt. Tất nhiên, cộng đồng lưu giữ các nghi lễ đó, cùng các nhà nghiên cứu di sản thì không thể đồng tình. Với họ, di sản có tính biểu tượng và quy luật phát triển riêng, không chấp nhận những cách hiểu bề ngoài cùng những sự quản lý mang tính áp đặt.
Cũng như với văn hóa ẩm thực thịt chó. Cho dù năm qua, chúng ta có nhận được khuyến cáo cùng cả một chiến dịch vận động rầm rộ “Về đi vàng ơi” để nói không với thịt chó; nhưng đa số người dân vẫn tiếp tục nói “có” với 7 món cầy tơ. Với ông vua “chó mèo” - nhà thơ dân gian Bảo Sinh, người đầu tiên phát động phong trào 1 triệu chữ ký ủng hộ không ăn thịt chó mèo, thì người ta có quyền không ăn thịt chó, và cũng có cả quyền... ăn thịt chó nữa.
Có lẽ, văn hóa luôn chấp nhận những sự khác biệt. Vì chính điều đó tạo ra sự đa dạng.
2. Một sự kiện nữa của Việt Nam cũng gây được sự chú ý trên trường quốc tế. Đó là Kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015). Đây là hoạt động văn hóa lớn của quốc gia, được sự hưởng ứng trên bình diện quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết UNESCO về việc vinh danh đại thi hào Nguyễn Du.
Các hoạt động này đã làm nổi bật tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Du, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều - được Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá là “một trong những tác phẩm văn hóa trứ danh nhất của thế giới”, “có tầm văn hóa to lớn về mặt lịch sử”. Và những đánh giá đó cũng không phải là xã giao, khi trước đó chúng ta từng chứng kiến ông Bill Clinton khi còn đương chức Tổng thống Mỹ, rồi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden “lẩy Kiều” khi nói về quan hệ giữa hai nước.
Nói đi nói lại thì lại thấy lo. Mặc dù có khá nhiều cuộc thi về Truyện Kiều diễn ra trong dịp này, nhưng để tìm được một bạn trẻ thuộc Truyện Kiều bây giờ quả tình vẫn là hiếm. Hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, vượt khỏi tính chất một kỳ lễ lạt, phải nhằm khơi dậy các giá trị bất hủ của Nguyễn Du và Truyện Kiều trong thời đại ngày nay, đó là chủ nghĩa nhân đạo, khát vọng hòa bình, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa... Nếu cụ Nguyễn Du còn sống, chắc cụ kỳ vọng ở điều đó, chứ cụ không muốn có thêm một kỷ lục “nhất thế giới” nào nữa dành cho Truyện Kiều như một số người kỳ công nghĩ ra rồi ồn ào công nhận như vừa rồi.
3. Văn hóa trong 365 ngày qua, và chắc chắn trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm tới, sẽ có những sự thay đổi mạnh mẽ. Đó là sự kiện Việt Nam và 11 quốc gia đối tác tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Rồi tiếp theo đó là sự hình thành Cộng đồng ASEAN.
Hai sự kiện mang tính chính trị - xã hội kể trên đã truyền cảm hứng lớn cho cả xã hội. Trên tất cả các lĩnh vực, không loại trừ văn hóa, người dân đều chờ đợi những chuyển động mới mà những người bạn thân thiết mới hay những người bạn cũ trong khu vực đem lại.
Nhưng trước khi chứng kiến những sự thay đổi đó, trước khi chúng ta có thể ăn thịt gà Mỹ, thịt bò Úc và hòa nhập mạnh mẽ với văn hóa ẩm thực, lối sống mà những người bạn thân thiết TPP mang đến, thì môi trường sống hàng ngày của chúng ta ra sao? Năm qua, và năm tới đã và sẽ có chuyển biến gì trong văn hóa ứng xử hàng ngày, trong nề nếp lối sống, thể hiện ra từ việc nhường đường, cách bấm còi xe, đến những thứ cao siêu hơn như đạo đức xã hội?
Trong khi đó, văn hóa, thứ chúng ta cảm nhận hàng ngày, như hơi thở, lại chủ yếu nằm trong những nề nếp, lối sống ấy.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất