16/01/2014 16:18 GMT+7 | AC Milan
(Thethaovanhoa.vn) - Ở Ý, người ta gọi anh là "Il Professore" (Giáo sư). Đấy không phải là một biệt danh quá lời, bởi Seedorf không chỉ thông minh trên sân cỏ. Người đã từng sưu tập những danh hiệu Champions League (4 lần vô địch với 3 CLB khác nhau) có thể nói 5 thứ tiếng, đã từng viết một chuyên mục trên nhật báo uy tín New York Times của Mỹ và là đồng sở hữu Giannino, một trong những quán ăn nổi tiếng nhất của thành phố Milano...
... Nhưng dẫn dắt một đội bóng rất khác với việc điều hành một restaurant và quản lí một đội hình chuyên nghiệp với biết bao sức ép trong và ngoài sân cỏ chắc chắn không giống với việc chú ý đến hôm nay món nào làm khách hài lòng và trong đội ngũ chạy bàn có ai đang bất mãn. Đó là hai thế giới khác nhau, hai công việc khác nhau và sức ép bây giờ đối với anh lớn hơn rất nhiều khoảng thời gian vàng son anh đã chơi trên sân cỏ và giành được tất cả. Trở thành một HLV và dẫn dắt một đội bóng như Milan không đơn giản, nhưng những ai hiểu Seedorf thì chắc chắn biết rõ một điều: anh không bao giờ lùi bước trước những thử thách.
Mà thực ra một môi trường như Milan đã tạo ra những HLV giỏi. Một ông thầy tốt sẽ tạo ra một lứa HLV tốt. Từ Sacchi và Capello, đã sinh ra những HLV Donadoni, Van Basten, Rijkaard, Gullit, Donadoni, Ancelotti, Leonardo và không ít học trò cũ của họ cũng đã và đang nắm một vai trò nào đó trong công tác huấn luyện, từ làm trợ lí HLV cho đến phụ trách các đội trẻ. Rất nhiều những cái tên: Tassotti, Evani, Eranio, F.Galli, Carbone, Baresi... Và từ thành công của Ancelotti với những năm tháng của ông ở San Siro, những cái tên mới cũng đã xuất hiện: Inzaghi, Gattuso và bây giờ, Seedorf. Sắp tới là Rui Costa, Stam, Crespo.
Tất cả những gì chúng ta biết về anh là trên sân cỏ, một con người biết chiến thắng, và ở ngoài đời, anh thông minh và rất có tài. Gần ba năm về trước, anh đã cầm mic và hát bản "New York New York" cùng chủ tịch Berlusconi trong đêm ăn mừng Scudetto 2011. Một năm trước, anh lại làm tất cả trầm trồ khi hát vang bảng "One Love" của Bob Marley trong đêm đăng quang của đội Botafogo anh khoác áo khi vừa rời Milan. Tóm lại, ở đâu, anh cũng là một nhà vô địch, vô địch cả trong phòng họp báo, bởi cách anh đối đáp đâu ra đấy với các phóng viên.
Và mấy hôm trước, tại Brazil, cuộc họp báo tuyên bố giã từ sự nghiệp sân cỏ đầy rẫy thành công trong 22 năm của anh để chuyển sang nghiệp HLV cũng chẳng khác gì cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Milan. Phải, anh bảo Milan luôn trong trái tim anh. Những người như anh được các tifosi và cả lãnh đạo đội bóng yêu mến. Galliani bảo, Allegri phải ra đi và dù đã đoạt được một Scudetto, thì ông cũng không có trong mình "văn hóa Milan", một dạng ADN thuần chất như những gì Seedorf đã có.
Thứ bóng đá mà các cây bút đã nhắc đến kia-có vẻ rất hợp với cá tính Seedorf, sẽ đi đến đâu với đội hình Milan lúc này? Trong những tháng cuối cùng ở Milan, Allegri đã cố gắng tạo sự cân bằng cho đội khi bố trí một hàng tiền vệ toàn cơ bắp để che chắn cho hàng thủ đang hôn mê, nhưng cuối cùng vẫn thất bại vì cơ chế tuyến hai đó không cứu vớt được Milan. Điều gì sẽ xảy ra khi Seedorf không thể áp dụng lối đá thận trọng như Allegri đã bố trí mà phải chơi tấn công, cùng lúc làm đẹp lòng Berlusconi bằng cách phải đưa tất cả những ngôi sao tấn công mà ông chủ muốn vào đội hình xuất phát (Honda, Kaka, Robinho, Balotelli), khiến cho Milan càng mất cân bằng?
Câu trả lời sẽ có ngay cuối tuần này, khi Milan gặp đội bóng đang lên Verona, và những câu trả lời tiếp theo sẽ có trong mùa hè, khi các ông chủ muốn Milan của tương lai phải đi theo hướng "ít tiền hơn, nhiều ý tưởng hơn". Ít tiền hơn đồng nghĩa với ít ngôi sao hơn, và những ý tưởng sẽ đến từ Stam và Crespo, những cựu cầu thủ Milan sẽ theo chân anh đến San Siro vào tháng 6-2014 để tạo ra một ban huấn luyện trẻ trung, và ít kinh nghiệm, theo kiểu "Seedorf và các bạn".
Tassotti sẽ theo chân Allegri đi đến một nơi nào đó chưa ai biết, nhưng bộ khung của Milan mới đang hình thành. Trong mùa bóng của những cuộc cách mạng về lãnh đạo và kĩ thuật này của Milan, Barbara Berlusconi và Clarence Seedorf đã tới. Họ trẻ trung, mạnh mẽ và họ khao khát khẳng định mình ngay khi có cơ hội. Nhưng con đường phía trước không hề đơn giản. Đương nhiên, họ biết những nguy cơ chờ đợi mình.
Những kì vọng về một sự thay đổi hình ảnh cũng như liệu pháp sốc (thay HLV) là rất lớn. Đi cùng với những kì vọng ấy là không ít hoài nghi cho Seedorf. Việc bổ nhiệm "Giáo sư" người Hà Lan là một canh bạc của Berlusconi. Nhưng trong cuộc đời cũng như trong chính trị, khi mọi chuyện không có gì chắc chắn, thì đôi khi cần phải mạo hiểm và chấp nhận rủi ro để có chiến thắng cuối cùng.
Mà thực ra trong hoàn cảnh chính trị của mình hiện tại, Berlusconi phải làm như thế. Ông cũng như Milan đang bị gạt khỏi đời sống chính trị và bóng đá đất nước trong những cuộc khủng hoảng của chính mình. Trên bàn cờ chính trị, ông không còn là nhân vật chính và khó có thể xoay chuyển được ván bài. Nhưng trong bóng đá, ông vẫn là chủ Milan, và đuổi Allegri cũng như đưa Seedorf về là điều ông hoàn toàn có thể làm được một cách dễ dàng. Ông đã làm. Giờ chỉ còn ngóng kết cục.
Chờ trận ra mắt của "Giáo sư".
Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất