14/03/2020 07:59 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Thanh Phúc, tác giả Người Mèo ơn Đảng đã qua đời vào ngày 5/2/2020 (tức ngày 12/1 năm Canh Tý), hưởng thọ 88 tuổi. Tưởng nhớ người thầy âm nhạc đầu tiên của mình nhân dịp lễ chung thất (cúng 49 ngày) sắp tới, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã có bài viết gửi Thể thao và Văn hoá.
1. Giữa những ngày sôi sục Tổng tấn công Mậu Thân 1968, những bản hành khúc rực lửa đã làm nóng bỏng bao con tim tuổi trẻ, thúc giục lên đường. Một trong những hành khúc ám ảnh đó là hành khúc Chẳng kẻ thù ngăn nổi bước ta đi của Thanh Phúc (Lời: Hải Hồ). Bản hành khúc vừa hùng tráng, vừa lay động lòng người: “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi/ Thế tiến công như sức mạnh thần kỳ/ Lời Tổ quốc đã ngân vang sông núi/ Thôi thúc ta đi như mùa Xuân vẫy gọi…” .
Theo giai điệu đó, biết bao người lính đã lên đường. Năm 1970, có những người lính đã thành thương binh, trở về trường đại học cùng chúng tôi, đã hát vang bản hành khúc ấy để tiễn đưa những tân binh lên đường.
Tôi gặp Thanh Phúc lần đầu tiên vào mùa Đông 1973. Khi ấy, tôi dẫn một đội văn nghệ thông tin quân giải phóng từ chiến trường ra Hà Nội để tham gia Hội diễn Binh chủng Thông tin. Trong hội diễn, bài hát Lời em trong vũ trụ của Thanh Phúc (thơ Phạm Ngọc Cảnh) đã làm xao động cả hội diễn. Nhạc sĩ của bài hát còn rất trẻ, cười tươi cùng chúng tôi. Năm ấy, ông mới 40 tuổi.
Thanh Phúc tên khai sinh là Nguyễn Thanh Phúc sinh năm 1933 tại Đường Lâm, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Từ một đội viên thiếu niên Đội Văn nghệ Tuyên truyền kháng chiến của Ty Thông tin Phú Thọ, năm 13 tuổi, ông đã trở thành văn công Sư đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và sau đó là Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Chính nhờ những năm tháng Tây Bắc này, khi học trung cấp sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội, ông đã đoạt giải thưởng cuộc thi ca khúc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức bằng ca khúc ngắn Người Mèo ơn Đảng đậm âm hưởng dân ca Mông:
Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát
Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng
Bao đời nay sống nghèo lam lũ
Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi
Nhớ ơn Đảng đưa tới
Ta từ nay ấm no
Không bỏ rẫy đốt nhà mà lang thang nghèo suốt đời
Từ nay dân Mèo sống chung
Bản Mèo vui trong tiếng khèn
Người Mèo ơn Đảng suốt đời.
Ca khúc này là một trong những ca khúc hay nhất, đậm đà bản sắc dân tộc nhất viết ca ngợi Đảng. Năm nay, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, khi đâu đó còn vang lên giai điệu Người Mèo ơn Đảng thì tác giả của nhạc phẩm này đã vĩnh viễn ra đi khỏi cõi đời, hưởng thọ 88 tuổi, ra đi thanh thản vào cõi vĩnh hằng.
Vẫn theo cái mạch nguồn dân ca Tây Bắc này, Thanh Phúc tiếp tục gây ấn tượng bằng Tiếng hát bản Mường và Tiếng hát người chăn bò (thơ Hoàng Hưng). Hoàng Hưng là nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm Văn cùng Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm…, Hoàng Hưng ngập ngũ và trở thành giáo viên dạy văn hóa cho bộ đội ở Điện Biên Phủ. Nhờ thế ông đã làm bài thơ Tiếng hát người chăn bò. Thanh Phúc đã phổ bài thơ này và trở thành tác phẩm tốt nghiệp của ông. Một không khí nông trường Điện Biên trải rộng tràn lấp chiến địa xưa đã được giai điệu Thanh Phúc và lời thơ Hoàng Hưng thổi vào một không khí “tràn đầy âm hưởng của sự sống, của hy vọng”:
Sương đã ửng hồng cỏ non lấp lóe, bò đi ăn nhé bò ơi
Đồi xanh mênh mông này chú bò vàng đừng đi ăn lúa à ơi bò, bò ơi,
Này bê em chớ luồn vào vườn lang
Đồi bãi thênh thang lên đồi bản Kéo đồn thù tan tành, à ơ à bê
Xuống bãi Mường Thanh mìn anh đã gỡ
Bao nhiêu hào hố đã lấp cả rồi
Bò ơi (í à) tung vó rộn rã núi đồi,
Đất vui đất nhảy theo bò bò ơi
2. Những năm chống Mỹ, Thanh Phúc từng công tác ở Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân để rồi năm 1968, ông về làm biên tập viên chương trình phát thanh Văn nghệ Quân đội của Đài Tiếng Nói Việt Nam do nhạc sĩ Văn An làm trưởng ban.
Lính thời đó thường có câu bình luận rất tếu về chương trình này: “Mở đầu Thanh Phúc - Kết thúc Văn An”. Đúng như thế, phần chương trình Thanh Phúc đảm nhiệm là phần chương trình giới thiệu về âm nhạc của các đơn vị trong toàn quân. Còn phần kết thúc của Văn An là những ca khúc tiêu biểu được dàn dựng chuyên nghiệp tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Rất nhiều các nhạc sĩ quân đội thời chống Mỹ trưởng thành từ chương trình của Thanh Phúc. Tôi nhớ hồi ấy cùng công việc với Thanh Phúc còn có nhạc sĩ Quốc Bảo. Nhờ chương trình này, tháng 12/1975, nhân dịp kỷ niệm thành lập quân đội, tôi đã được giới thiệu trọn vẹn 8 ca khúc của mình.
Thanh Phúc rất gắn bó với Binh chủng Thông tin. Bởi vậy, năm 1978, khi Binh chủng Thông tin tổ chức một lớp bồi dưỡng sáng tác mà tôi được về làm học viên, thì Thanh Phúc trở thành thầy chủ nhiệm lớp. Ở lớp học này, bên cạnh việc giảng dạy của các nhạc sĩ như Huy Du, Vũ Trọng Hối, Văn An, Huy Thục, Trọng Loan… thầy chủ nhiệm Thanh Phúc vừa truyền lại cho chúng tôi tất cả các kiến thức âm nhạc mà ông từng học ở Nhạc viện Hà Nội, vừa là người chấm những bài tập của học viên một cách nghiêm túc, gắt gao.
Nhờ sự tận tâm của thầy, khi nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, tôi đã lên mặt trận Cao Bằng và mang về chương trình của thầy những ca khúc cháy rực hơi thở chiến hào như Lên mặt trận cùng đường dây, Chốt trên mây (Thơ Trinh Đường)… Riêng thầy thì có một “Hà Giang ca” để đời. Ca khúc Hà Giang quê tôi thật độc chiêu:
“… Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây
Có đường đi trên mây lên tới cổng trời
Đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi
Khắp vùng cao giờ đang thay đổi mới
Những nhà máy lại vang tiếng còi tầm
Tiếng nhạc ngựa đi theo nguồn hàng
Về Yên Viên cho phiên chợ vui
Ôi đẹp sao, đây Hà Giang quê tôi đang đổi mới.
Điện về muôn nơi vui tiếng trẻ thơ
Đây cầu Thanh Niên cho những ai hẹn hò
Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu ơi
Hà Giang mến yêu của tôi...”
Cũng thật trong trẻo, hồn nhiên khi ông viết ca khúc thiếu nhi Nhớ giọng hát Bác Hồ (thơ Tạ Hữu Yên): “Một ngày vui/ Theo tay Bác/ Cháu hát vang/ Bài kết đoàn/ Giọng Bác Hồ/ Như suối ngọt/ Giọng cháu thanh/ Như chim hót…”
Vừa sáng tác, Thanh Phúc vừa duy trì chương trình văn nghệ quân đội của mình thật hấp dẫn. Từ năm 1980, tôi trở thành cộng tác viên khá đắc lực của ông khi mang về cho chương trình nhiều phát hiện ở các đơn vị bộ đội, dân quân tự vệ khắp cả nước.
Thanh Phúc tính tình xởi lời, dễ gần và có khiếu hài hước. Ông đã viết nhiều mẩu chuyện cười in trên Tạp chí Âm nhạc và xuất bản thành tập cùng những truyện ngắn, những tiểu thuyết. Ở tuổi lục tuần, ông bắt đầu để râu, trông phúc hậu như một “tiên phong đạo cốt”. Vẫn nụ cười hiền hòa, vẫn những câu châm biếm nhẹ nhàng, Thanh Phúc cứ thế sống an lành, thanh thản đến cuối cuộc đời.
Ông đã được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên năm 2001. Nhưng với âm nhạc, ông không hề ganh đua, mà cứ tự dâng hiến những gì tinh túy mà mình chắt lọc được trong đời sống. Album Nếu đời còn kiếp sau của ông như đã nói lên tất cả những gì tâm đắc nhất đời ông dành cho âm nhạc.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Ngoài rất nhiều người thầy đáng nhớ trong cuộc đời mình, tôi luôn luôn coi Thanh Phúc là người thầy âm nhạc đầu tiên của tôi. Từ thầy Thanh Phúc, tôi mới được Văn Cao coi như học trò từ khi gặp ông vào mùa Đông 1982. Họ đã dạy cho tôi âm nhạc và cả nhân sách sống.
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất