13/03/2013 10:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (12/3), tại TP.HCM, gia đình, bằng hữu của họa sĩ Chóe đã có cuộc gặp mặt tưởng niệm 10 năm ngày mất của ông. Nhân dịp này, cuốn sách Nghề cười - tuyển tập các sáng tác thơ - văn - nhạc - họa của Chóe được NXB Văn hóa Văn nghệ và Phương Nam Book ra mắt độc giả.
Ngày 12/3/2003, họa sĩ Chóe trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Những năm cuối đời, hai mắt Chóe gần như mù hẳn không thể vẽ biếm họa, thay vào đó ông sáng tác rất nhiều thơ nhạc. Nói đến Chóe, bạn đọc thuộc nhiều thế hệ của các tờ báo ấn hành trước và sau 1975 không thể quên các biếm họa của ông.
Sướng khổ vì… biếm họa
Họa sĩ Chóe (1943 - 2003) tên thật là Nguyễn Hải Chí sinh ra trong một gia đình nghèo ở An Giang. Thuở nhỏ ông phải phụ gia đình làm các công việc như: bán bánh mì, đập đá, đốn củi, chăn bò mướn… Hiện nay, để học vẽ hay học nhạc phải là con nhà có điều kiện kinh tế. Còn Nguyễn Hải Chí học vẽ năm 17 tuổi khi đi làm thuê cho một phòng vẽ quảng cáo tại Mỹ Tho (Tiền Giang).
Như bao thanh niên miền Nam trước 1975, năm 1964 Chóe bị bắt đi lính và năm 1965 ông làm thơ, viết truyện gửi các báo. Mãi đến cuối năm 1969, Chóe bắt đầu sự nghiệp vẽ tranh biếm họa trên báo Diễn Đàn nhưng chưa được độc giả chú ý. Đến cuối năm 1971 đầu năm 1972, khi tranh biếm của Chóe xuất hiện trên báo Sóng Thần thì lập tức ông nổi danh và gắn liền cái tên Chóe với thể tranh này.
Họa sĩ Chóe trên bìa sách của ông |
Tính phản biện xã hội của báo chí, trong đó có tranh biếm họa khiến những họa sĩ biếm như Chóe gặp không ít phiền hà, thậm chí là “tai nạn”. Báo Sóng Thần khi đó bị chính quyền Sài Gòn cũ thu hồi giấy phép do phanh phui nhiều vụ tham nhũng, nhiều ký giả của tờ báo này bị vu cáo là Việt Cộng nằm vùng và bị bắt giam. Họa sĩ Chóe cũng bị bắt giam cùng các ký giả Sóng Thần cho đến trưa ngày 30/4/1975 ông mới thoát khỏi nhà giam…
Những năm 1990, Chóe trở lại nghề vẽ của mình. Lúc đầu ông vẽ tranh lụa, tranh sơn dầu bán cho du khách nước ngoài. Chóe đã dùng bút sắt khi vẽ tranh lụa, sơn dầu tạo ra nhiều điểm lạ khiến tranh của ông rất được du khách ưa chuộng.
Đến trước khi lâm trọng bệnh Chóe làm việc ở báo Lao Động và tranh biếm họa của ông có mặt trên hầu hết các tờ báo có số lượng phát hành lớn, như: Tuổi Trẻ Cười, Phụ Nữ TP.HCM, Công an TP.HCM… Sự trở lại với biếm họa của Chóe, theo nhà báo Tống Văn Công (nguyên Tổng biên tập Lao Động): “Lúc đầu Chóe không muốn vẽ biếm vì do biếm họa mà anh phải ở tù… Nhưng tôi động viên anh tiếp tục với sở trường của mình”. Biếm họa của Chóe trên Lao Động và nhiều tờ báo khác những năm 1990 trở thành món “đặc sản” không thể thiếu với bạn đọc.
“Trót làm người vui tính”
Biếm họa của Chóe trước 1975 về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam được nhiều tờ báo lớn của các cường quốc in lại. Báo The New York Times từng bình chọn Chóe là một trong tám họa sĩ biếm xuất sắc nhất thế giới.
Tài năng của Chóe được dư luận ở nhiều quốc gia công nhận, tên tuổi của ông vang dội đến tận Vatican. Năm 1997, Chóe bị tiểu đường và đột quỵ. Năm 1998, ông có cuộc triển lãm tranh tại Pháp và đã ghé thăm Roma rồi được Đức Giáo hoàng John Paul II cho diện kiến ngài tại tòa thánh Vatican.
Nhưng nói đến Chóe chỉ riêng ở thể tranh biếm họa thôi còn chưa đủ, bởi ông là người tài hoa trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn, người nhiều năm làm báo với Chóe ở Lao Động, nhận xét: “Truyện ngắn Nguyễn Hải Chí (khi viết Chóe ký tên thật) có một diện mạo và phẩm chất cũng hết sức đặc biệt. Tinh tế, sâu sắc và hóm hỉnh. Ông vẽ nên bức tranh đời sống với trải nghiệm và suy nghiệm của một nghệ sĩ luôn được dẫn đường bởi… nước mắt”.
“Nước mắt” đó, theo Lưu Trọng Văn: “Vì luôn đau đáu tận cùng yêu, tận cùng thương con người, quê hương, tổ quốc, rộng hơn nữa là nhân loại mà người nghệ sĩ Nguyễn Hải Chí tức Chóe luôn khóc cười với thế gian”.
Về thơ, Nguyễn Hải Chí viết rất ngắn như một bức tranh chỉ vài nét nhưng gợi cho người đọc nhiều liên tưởng. Ví dụ bài Lửa rơm: “Em vứt đi ngọn lửa/ Ta từ bỏ kiếp rơm/ Để đời sau không còn là tro bụi” hoặc bài Bán linh hồn: “Ta bán linh hồn cho Thánh/ Thánh chẳng có một xu/ Ta bán linh hồn cho quỷ/ Quỷ cũng chẳng có một xu/ Ta bán linh hồn cho em/ Em chỉ mua váy ngắn”.
Để hiểu một người nghệ sĩ tài hoa và đa năng như Chóe, thiết nghĩ không chỉ xem tranh của ông mà còn phải đọc ông nữa. Xin mượn bài thơ Trót làm người vui tính như một bài thơ tự họa của Chóe để khép lại bài viết: “Trót làm người vui tính/ Khi gặp chuyện đau lòng/ Ta không dám khóc/ Bằng nước mắt…”.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất