Nhìn lại mùa giải 2014: Lạc quan tếu

13/08/2014 05:50 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Khi VPF tiếp quản và tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia kể từ mùa giải 2012, nhiều người đã được dịp mở mày nở mặt, với chỉ những tín hiệu lạc quan ít ỏi. Đó là sự bùng nổ tỷ lệ các bàn thắng/trận đấu và số lượng CĐV đến sân được cải thiện phần nào.

Việc lớn thành nhỏ, nhỏ coi như không có, nhưng khi tưởng như không có gì lại là dấu hiệu cho những cột sóng dữ dội.

Tỷ lệ các bàn thắng vượt trội (so với các mùa giải trước) không giúp các trận đấu trở nên đáng xem hơn. Ngược lại, những nghi kị về việc “làm kèo” nhanh chóng xuất hiện. Chính lãnh đạo XMXT.Sài Gòn, sau đó là các ông chủ V.Ninh Bình..., đã đề nghị công an vào cuộc, điều tra “gà nhà”, khi phát hiện quá nhiều điều bất thường trong các trận đấu của đội, đặc biệt là thời điểm cuối hiệp 2.

Không tưởng tượng được, một đội bóng ở đẳng cấp trung bình như Đồng Nai có thể thắng hiện tượng Thanh Hoá đến 8 bàn không gỡ (vòng 12), hay các đội bóng tân binh ở V-League 2014 có những trận đấu ghi đến 5, 6 bàn thắng...

Sự phân cấp giàu nghèo giữa các đội bóng ngày một nới rộng, song đó là chuyện “đèn nhà ai nấy sáng”. Nhưng, việc một đội bóng hút gần hết nhân tài về phía mình như B.Bình Dương chẳng hạn, rõ ràng không cổ vũ cho một cuộc chơi công bằng (về chuyên môn), nó thậm chí còn cản trở sự phát triển của các giải đấu hay rộng hơn là nền bóng đá. Đất Thủ thiếu chú trọng đào tạo trẻ khi tất cả đều được mua bằng tiền.

Như thường lệ, sắc vàng SLNA vẫn phủ khắp các khán đài, nhưng phong trào cổ động không được nhân rộng. Ngoài Chi Lăng (Đà Nẵng) hay Cẩm Phả (Quảng Ninh) giữ được “phong độ”, còn lại từ Long An, đến Bình Dương, Đồng Nai, Hàng Đẫy (Hà Nội) rồi cả kinh đô bóng đá Lạch Tray (Hải Phòng)..., người đến sân thưa dần. Tình yêu bóng đá của người Việt Nam (nếu có) chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất.

Sự thành công của một trận (hay giải) đấu phải được đo bằng lượng người đến sân, chứ không phải sự tô hồng các bản báo cáo. Đó là nguyên lý bất di bất dịch, bởi chỉ khi có người xem nhà tổ chức và các đội bóng mới bán được sản phẩm, mới kích thích sự phát triển. Chứ về mặt chuyên môn, ai không biết bóng đá Việt Nam thuộc vũng trũng, bạo lực sân cỏ triền miên và sai sót của trọng tài ngày một dày đặc?!

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm