09/05/2019 07:10 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - "Remake" đã giải quyết được vấn đề quan trọng là kịch bản. Nhưng để chinh phục khán giả, ê kíp sản xuất phim phải có sự sáng tạo - trong đó , quan trọng nhất là sự sáng tạo của diễn viên để đem lại cảm xúc cho người xem.
Không đủ sức lôi cuốn khán giả, nhiều dự án phim truyền hình Việt hóa "đình đám", được kỳ vọng nhưng không gặt hái thành công như mong đợi.
"Mối tình đầu của tôi" đổi đoạn kết
Sau hơn 4 tháng phát sóng, phim Mối tình đầu của tôi (làm lại kịch bản She was pretty của Hàn Quốc) vừa khép lại ở tập 60. Cuối phim, nhà văn Tei "xuất đầu lộ diện", cùng sự nỗ lực cố gắng của Nam Phong và các thành viên trong tòa soạn đã giúp cho tạp chí Her Mode vươn lên vị trí số 1. Kết phim Mối tình đầu của tôi có hậu như bản gốc, Nam Phong và An Chi yêu lại từ đầu nhưng ở những phút cuối phim lại có nhiều tình tiết thay đổi so với She was pretty.
Với cặp đôi nhân vật chính, ở bản gốc họ sẽ có khoảng thời gian xa nhau khoảng 2 năm rồi mới gặp lại và kết hôn. Chàng trai sẽ đến Mỹ hoàn thành thành nhiệm vụ của mình, còn nữ chính sẽ trở thành nhà văn viết truyện thiếu nhi như ước mơ của cô thuở nhỏ. Tuy nhiên, ở Mối tình đầu của tôi, kết phim dừng ở lúc Nam Phong cầu hôn An Chi.
Về thân phận thật của Minh Huy - nhà văn nổi tiếng Tei, hóa ra anh là con của chủ khách sạn 5 sao - nơi anh sống thời gian qua và cũng chính là nơi Hạ Linh làm việc. Trong bản gốc, anh là cháu của La La, con trai của giám đốc tập đoàn Her Mode. Gia đình bề thế nhưng Minh Huy lại thích cuộc sống xê dịch và trở thành nhà văn. Trong Mối tình đầu của tôi, cháu trai của La La lại là chàng trai trẻ Lê Minh.
Những thay đổi trong đoạn kết phim có điểm mới mẻ so với bản gốc, và hợp lý với cái tên Việt hóa Mối tình đầu của tôi. Song nhìn chung, bộ phim vẫn không thực sự để lại nhiều dấu ấn sáng tạo, không đủ lôi cuốn sự chú ý của bộ phận lớn giới trẻ để tạo thành cơn sốt như những phim truyền hình phát sóng cùng thời điểm. Đặc biệt, những khán giả đã xem bản gốc She was pretty rất khó có thể thích Mối tình đầu của tôi.
Khách quan nhìn nhận, bộ phim của hai đạo diễn trẻ Nam Cito và Bảo Nhân chưa thể gọi là thành công dù có kịch bản tốt và sở hữu dàn diễn viên trẻ, tưởng sẽ ăn khách như: Ninh Dương Lan Ngọc, Chi Pu, Bình An, B Trần... Mối tình đầu của tôi vốn được kỳ vọng rất nhiều, nhưng hiệu quả không tốt như mong đợi, cũng giống như bản remake phim Hậu duệ mặt trời remake bản Hàn cùng tên hồi cuối năm 2018.
"Không cảm xúc"
Xu hướng Việt hóa kịch bản ngoại ngày càng nở rộ, việc mua, bán kịch bản phim và chương trình tại các hội chợ phim quốc tế diễn ra ngày càng phổ biến. Thành công rực rỡ của một số phim truyền hình Việt hóa kịch bản như: Gia đình là số 1, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ..., khiến nhiều người nghĩ và lo ngại dòng phim này sẽ "lấn át" kịch bản nội địa. Song, vấn đề dường như không hoàn toàn chỉ nằm ở... kịch bản.
Nhìn vào những tác phẩm truyền hình "remake" thành công, được khán giả yêu thích, dễ nhận thấy điểm chung rất quan trọng là biên kịch phải "thổi hồn" văn hóa Việt cho tác phẩm để khán giả cảm nhận được những vấn đề gần gũi với thực tế đời sống Việt Nam. Câu chuyện dù có hay, nhưng yếu tố "thuần Việt" không đạt được ở mức độ nhất định, xa rời thực tế thì phim rất khó được đón nhận.
Thêm vào đó, yếu tố vô cùng quan trọng là diễn xuất của dàn diễn viên tham gia những dự án phim Việt hóa. Nếu Người phán xử không có NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, Việt Anh, Hồng Đăng... liệu có trở thành "bom tấn"? Sống chung với mẹ chồng không có NSND Lan Hương, Bảo Thanh... liệu có được khán giả quan tâm? Hay Gạo nếp gạo tẻ nếu không có sự xuất hiện của NSND Hồng Vân, Lê Phương, Thúy Ngân... có chăng sẽ đủ sức trở thành phim truyền hình "gây bão"?
Thẳng thắn nhìn nhận, Mối tình đầu của tôi, Hậu duệ mặt trời hay Glee không thể thành công như mong đợi bởi dàn diễn viên chính đều quá trẻ và thiếu kinh nghiệm diễn xuất. Vai nữ chính giao cho Khả Ngân, vai thứ chính giao cho Thái Hà và Hữu Vi trong Hậu duệ mặt trời đều là quá sức. Bình An cũng chưa đủ kinh kiệm để làm tròn vai chính, B Trần và Chi Pu còn quá gượng gạo khi đảm nhiệm những vai quan trọng trong Mối tình đầu của tôi. Nhiều khán giả chờ đợi, nhưng rồi họ phải thất vọng từ bỏ khi xem diễn viên diễn xuất quá hời hợt, "đơ" về cảm xúc và như đọc lời thoại.
Thế mới biết, thực chất, khán giả cũng không quá quan tâm kịch bản Việt Nam hay làm lại, điều họ cần là bộ phim phải thực sự hấp dẫn và lôi cuốn.
Thất bại vì thiếu cảm xúc Thực tế, việc diễn viên thiếu cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất khiến những bản Việt hóa phim truyền hình không được khán giả đón nhận. Đúng như diễn viên Thanh Sơn từng chia sẻ: "Không quan trọng là vai chính hay vai phụ, chính hay phản diện, quan trọng là diễn viên có tìm tòi để sáng tạo và chinh phục khán giả hay không". Tương tự, NSƯT Trung Anh cũng nhấn mạnh: "Không quan trọng là vai diễn nào, khóc nhiều hay ít, quan trọng nhất là diễn viên có truyền tải được cảm xúc tới khán giả hay không. Nếu diễn xuất tốt, diễn viên không khóc vẫn lấy được nước mắt khán giả". |
Anh Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất