02/09/2023 08:07 GMT+7 | Văn hoá
Nếu như câu chuyện về thơ cho người lớn là "biếu dễ, bán khó", thì trái lại, sách thơ cho thiếu nhi còn nhiều độc giả. Không chỉ các nhà thơ viết thơ cho thiếu nhi, mà có cả những ông bố bà mẹ đã viết và thành công khi tác phẩm được nhiều thiếu nhi đón nhận. Nhiều tín hiệu đáng mừng khi nói đến thơ cho thiếu nhi trong thời gian gần đây.
Nhiều tập thơ được in và tái bản trong một thời gian không lâu sau khi ra mắt. Nhiều nhà xuất bản không ngại đầu tư in ấn, phát hành những bộ thơ cho các bé, không chỉ ở tuổi đi học, mà còn cả các bé trong độ tuổi học nói.
Các nhà thơ: Nguyễn Văn Thắng (Ủy viên Hội đồng văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, người có nhiều tác phẩm in trong sách giáo khoa, tác giả của Những câu thơ hái trong vườn), Nguyễn Hải Lý (tác giả tập thơ Con là ban mai), Lữ Mai (tác giả bộ sách Thơ cho bé học nói) chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Nhà thơ Nguyễn Hải Lý: Nuôi dưỡng cảm xúc tinh tế
"Từ thực tế nuôi dạy con, lớn lên cùng con của chính mình và của bạn bè, cũng như qua việc tập thơ Con là ban mai đã và đang được nhiều người đặt mua, tôi nghĩ rằng, độc giả hiện nay vẫn có nhu cầu đọc thơ thiếu nhi.
Và nhu cầu ấy là nhiều, chứ không phải như một số ý kiến cho rằng "thời nay trẻ em có nhiều thứ để vui chơi, không còn đọc thơ như trước nữa". Chúng ta thấy, hằng ngày ở trường cũng như ở nhà, thơ vẫn hiện diện cùng các hoạt động của các bạn nhỏ, vẫn tồn tại cùng với sự lớn lên của trẻ em.
Tôi viết thơ cho thiếu nhi từ khi còn là thiếu nhi và chủ yếu gửi đăng báo hoặc lưu giữ... "làm của riêng". Vì bận rộn và nhiều lý do khác mà tôi chưa từng in cuốn thơ thiếu nhi nào cả. Nên tôi cũng chưa từng nghĩ mình gặp khó khăn hoặc thuận lợi gì khi in thơ. Có chăng là tôi có chút hiểu biết về quy trình ra đời một cuốn sách, nên cứ từng bước mà làm theo yêu cầu của biên tập viên...
Riêng ở góc độ là một người mẹ của thiếu nhi và thường tiếp xúc nhiều với con cái của bạn bè, cũng đang ở lứa tuổi này, tôi có thuận lợi là được sống trong thế giới của các bạn nhỏ, gần gũi, cùng chơi cùng học, từ đó những suy nghĩ của các bạn nhỏ cũng tự nhiên thấm vào mình. Đó là những suy nghĩ, lời nói, việc làm... vô tư, hồn nhiên, trong trẻo, rất dễ thương.
Tất nhiên, chất liệu quý báu ấy vẫn phải được nhào nặn qua con mắt, tâm hồn, trái tim của một người vừa từng là trẻ em, vừa là người lớn biết lắng nghe, yêu thương và quan tâm. Có như vậy thì mới thành thơ văn gần gũi với trẻ em, được các em đón nhận và yêu thích.
Dù bây giờ trẻ em có nhiều hình thức học tập, giải trí phong phú hơn trước, nhưng vẫn không thể có gì thay thế được vai trò của thơ ca. Qua các bài thơ, các em có thể tập nói, tập đọc, sử dụng tốt tiếng Việt, hiểu biết được nhiều điều về cuộc sống, cách ứng xử, về các hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, thêm yêu gia đình, trường lớp, quê hương…
Sự giàu có về hình ảnh, cảm xúc trong thơ sẽ giúp các con rèn luyện tư duy, nuôi dưỡng cảm xúc tinh tế để cảm nhận cuộc sống tốt hơn. Thơ cũng giúp trẻ rèn luyện và phát triển trí tưởng tượng rất tuyệt vời…
Điều quan trọng là người lớn, mà trực tiếp là ông bà cha mẹ, anh chị, các cô giáo là những người đầu tiên tạo cho con trẻ môi trường để các con được nghe, được đọc thơ, được tiếp xúc với thơ, từ đó mà yêu thơ, thích đọc thơ, và thích đọc sách nói chung.
Bên cạnh đó, chất lượng thơ cho thiếu nhi phải được quan tâm đúng mức, phải đúng là thơ dành cho thiếu nhi: Tự nhiên, gần gũi, phù hợp với đời sống, suy nghĩ của các em".
Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: Các em vẫn yêu thơ lắm
"Tôi có cảm giác thơ viết cho người lớn in ra nhiều nhưng bạn đọc có nguy cơ giảm, phần vì đâu đó còn dễ dãi trong khâu biên tập, cấp phép, phần vì "gu", vì "tạng", vì mục đích của người viết.
Danh xưng nhà thơ có phần bị lạm dụng. Lên mạng sẽ thấy bị tra tấn bởi sáng tác của vô số những nhà thơ tự xưng, hoặc được các nhóm tung hô. Cá biệt có hiện tượng mượn danh "đổi mới", "cách tân", viết những câu thơ khó hiểu và bí hiểm, nhưng lại được PR bằng không ít mỹ từ. Tôi đã từng bị một nhà thơ nói nửa đùa nửa thật rằng "ông làm sao hiểu được thơ tôi".
Độc giả nhí lại khác, số đông các em vẫn yêu thơ lắm. Các bài thơ trong sách giáo khoa, trên báo rất nhiều em thuộc, nhất là những bài thơ đã được phổ nhạc. Những nhà thơ có may mắn thường xuyên được giao lưu với trẻ em ở trong các trường học sẽ không thể nào quên tình cảm mà bạn đọc nhí dành cho thơ. Cho nên, ở nhiều địa phương trong cả nước, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức khá thường xuyên tại trường học để các em được gặp gỡ các nhà thơ, được đọc thơ, ngâm thơ.
Hiện nay, nếu thơ hay, nhiều nhà xuất bản vẫn mua bản quyền. Liên kết xuất bản cũng không khó, nên theo tôi, xuất bản và phát hành tác phẩm thơ cho thiếu nhi (với điều kiện thơ hay, minh họa và in đẹp) vẫn còn là công việc khá thuận lợi, không gặp nhiều trở ngại.
Các em thiếu nhi ngày nay khác nhiều thế hệ thiếu nhi 40 năm trước. Thông minh hơn, hiện đại từ bé, bởi các em tiếp cận sớm với công nghệ thông tin, nhưng cũng dễ khô cứng hơn, "bạn" ảo nhiều khi đông hơn bạn thực. Thơ có thể bù đắp cho khoảng trống trong tâm hồn con trẻ và cao hơn thế là giúp các em khám phá, làm chủ cuộc sống muôn màu, được chắp cánh những ước mơ về một tương lai tươi đẹp, từ đấy mà chăm chỉ học hành, sống có ích.
Đáng tiếc là các phương tiện truyền thông chưa dành nhiều "đất" cho thơ thiếu nhi. Tổ chức đoàn, tổ chức đội trên địa bàn và trong trường học ở nhiều nơi quên, hoặc chưa biết cách để thơ thiếu nhi đến với các em".
Nhà thơ Lữ Mai: Sáng tác cho thiếu nhi rất khó
"Nhu cầu đọc thơ thiếu nhi hiện nay rất cao. Nhu cầu của thiếu nhi không chỉ sách hay, mà còn sách đẹp, không chỉ là sách truyền thống, mà còn sách điện tử, sách nói… Vì thế, có thể thấy một cuốn sách cùng lúc có thể có nhiều phiên bản khác nhau và đó là một tín hiệu đáng mừng.
Sau khi tôi và nhà thơ Đoàn Văn Mật có xuất bản 5 tập thơ cho bé học nói trong năm nay, số lượng phát hành khá cao, dù chúng tôi chưa phải là tác giả có tiếng, có thương hiệu về viết thơ cho thiếu nhi. Chứng tỏ độc giả không hề quay lưng với thơ cho thiếu nhi.
Thực ra không chỉ viết thơ, sáng tác bất cứ thể loại nào cho thiếu nhi đều rất khó. Bởi chúng ta không còn là thiếu nhi nữa, nên việc chuyển tải được tinh thần, được ngôn ngữ, được tâm hồn của thiếu nhi rất khó. Nếu viết về cách người lớn nhìn nhận thế giới thiếu nhi, không tìm được tiếng nói chung, không gợi lên được sự đồng cảm thì chúng ta đã tự phân tách thế giới của người lớn và trẻ em rồi.
Nếu khiên cưỡng viết cho thiếu nhi mà trong tâm hồn không có được rung cảm thật sự, thật chân thành, thật mạnh mẽ dành cho thiếu nhi, thì những điều ta viết ra chỉ khu biệt về mặt đề tài, chứ không có được tinh thần của tác phẩm. Đây là hiện tượng không hiếm trong văn học. Viết cho thiếu nhi cần phải hiểu được tâm lý, những chuyển động về mặt cảm xúc, hiểu được ngôn ngữ thiếu nhi, đó là điều không dễ, dù ai cũng đã từng là thiếu nhi.
Thơ ca luôn quan trọng với con người. Cuộc sống không thể nào thiếu thơ ca vì ngôn ngữ, vần điệu thơ ca rất gần với tình cảm, gần với sự bộc lộ cảm xúc của con người. Đặc biệt với trẻ em, thơ ca sẽ gợi lên những cảm xúc đặc biệt nhất, cô đọng nhất và gợi mở nhất. Đó cũng là lý do vì sao hiện giờ, nhiều gia đình không chỉ lựa chọn cho con nghe nhạc từ khi trong thai kỳ, mà còn lựa chọn đọc thơ cho con nghe nữa. Hoặc không chỉ ở giai đoạn các bé biết đọc, mà còn ở cả giai đoạn các bé đang học nói, phân khúc thơ ca cho tuổi này cũng rất phong phú".
Chúng ta đôi khi không khó trong việc viết ra một tác phẩm, nhưng lại khó trong việc trả lời những câu hỏi xung quanh nó, rằng tác phẩm đó có thể mang điều gì đến cho thiếu nhi? Tôi thường cần thời gian nhiều hơn (có khi nhiều hơn cả thời gian viết tác phẩm) để trả lời câu hỏi xung quanh nó. Để có thể bồi đắp cho mình một chút tự tin, rằng mình có thể mang đến cho các em điều gì đó bé nhỏ, dễ thương trong thế giới quan của các em về cuộc sống, về thơ ca.
"Hiện giờ, nhiều gia đình không chỉ lựa chọn cho con nghe nhạc từ khi trong thai kỳ, mà còn lựa chọn đọc thơ cho con nghe nữa" - nhà thơ Lữ Mai.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất