01/06/2012 06:42 GMT+7
(TT&VH) - 1. Câu trả lời cho dấu hỏi ở trên: đó là sự nhạy cảm được nhân lên ba lần. Trẻ em dễ tổn thương bởi sự vô tình từ người lớn. Người vô gia cư luôn hứng đủ mọi rủi ro từ những góc tối của xã hội. Còn vấn đề đồng tính, đó là một câu chuyện rất dài về sự kì thị, điều mà dư luận bắt đầu chú ý trong những năm gần đây.
Thực tế, trong cuộc hội thảo Thúc đẩy, bảo vệ quyền của trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới (Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường Việt Nam (ISEE) tổ chức tại Hà Nội vào sáng 31/5), các chuyên gia cũng sử dụng khái niệm “nhóm ba lần dễ bị tổn thương” để nói về những đối tượng hội đủ cả ba yếu tố này. Nhưng, chuyện không nằm ở việc “cộng dồn” những bất hạnh mà các em đang gánh chịu. Một câu hỏi lớn hơn được đưa ra: mối liên hệ qua lại giữa những điều không may mắn này.
Cụ thể, một khảo sát của ISEE đã được tiến hành với 32 thiếu niên từ 15- 18 tuổi tại TP. HCM. Dù vô gia cư hoặc có gia đình, tất cả số này là người mang giới tính thứ ba và đang kiếm sống bằng mọi nghề trên đường phố. Kết quả nghiên cứu cho thấy: áp lực về giới tính là một phần lý do để các đối tượng được khảo sát “chán ngấy” cuộc sống ở nhà. Có nghĩa, sự kì thị hoặc cảm giác trống trải (vì không có người cùng khuynh hướng giới tính) đã thúc đẩy các em tìm sự cân bằng từ việc chuyển ra một môi trường khác, nơi dù tiềm ẩn nhiều bất trắc nhưng lại dễ dàng có cơ hội tiếp cận với cộng đồng giới tính thứ ba.
2. “Mẹ em cằn nhằn: mày là thứ gì chứ không phải là người”; “Bố em vừa đánh vừa mắng: tao lo cho mày như bao nhiêu đứa khác mà tại sao mày lại như vậy”; “ Lúc cả nhà ngủ say, bố em lấy kéo cắt tóc em. Em tỉnh dậy khóc: lấy kéo đâm chết con đi chứ sao làm vậy” ... Đó là những câu chuyện được kể tại hội thảo về sự thô bạo, (hoặc đơn giản chỉ là vô tâm) trong cách người khác nhìn về giới tính của những cô cậu bé thiếu may mắn này.
Thậm chí, đôi khi sự miệt thị lại đến từ những việc tưởng như rất bất ngờ theo kiểu “ Người ta vận động mấy thiếu nhi trong xóm tham gia một phong trào chung. Mình cũng muốn vào, họ nói thẳng là không chấp nhận pêđê”. Hoặc “người quản lý trường nói: vào học thì chỉ nhận một là nam, hai là nữ. Em bị xếp ở giữa nên không ai nhận hết”.
Không có gì khó hiểu khi 1/3 đối tượng được khảo sát của ISEE cho biết: Các em từng lấy dao tự rạch lên cơ thể mình khi buồn. Bởi, đó là sự bột phát đến từ trạng thái trầm cảm sau một thời gian dài ức chế. Và, cũng không có gì khó hiểu khi hàng loạt diễn đàn của những bạn trẻ mang giới tính thứ ba xuất hiện tại Việt Nam trong vài năm qua. Bởi đó là nhu cầu lấp đầy những khoảng trống về tâm lý, bằng việc tìm sự chia sẻ từ một cộng đồng như mình.
Năm 1990, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã chính thức loại khái niệm “đồng tính luyến ái” khỏi danh sách các trạng thái bệnh lý. Còn tại Việt Nam, vào ngày 1/6, hãy cứ thống nhất cùng nhau ở một tiền đề đơn giản: đồng tính hay dị tính, trẻ em trước hết vẫn phải được là... trẻ em đã. Bởi ai cũng hiểu việc tìm được tiếng nói chung của xã hội về người đồng tính không thể chỉ là câu chuyện trong một sớm một chiều.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất