Thị trường thuốc tăng giá, bệnh viện giữ nguyên

25/02/2011 11:14 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ, trên thị trường nhiều loại thuốc đã có sự tăng giá, đặc biệt những thuốc kháng sinh nhập ngoại và thuốc đặc trị đã tăng từ 5 đến 10%.

Sự tăng “ngay tức thì” này là bởi trước đó đã có những “sóng ngầm” tăng giá thuốc chực chờ sẵn.

Có “té nước theo mưa”?

Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược: Giá thuốc tại các bệnh viện công vẫn ổn định

Trước Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu thực hiện bình ổn giá thuốc đến hết tháng 3/2011, đồng thời tăng cường giám sát và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá thuốc bất hợp lý. Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường trong ngày 24/2 cho thấy nhiều nhà thuốc đã tăng giá với một số mặt hàng thuốc, chủ yếu là thuốc nhập khẩu: các loại thuốc Furosemid (dùng cho người bệnh tăng huyết áp, phù...) đã tăng từ 5 đến 10%, thuốc Nifedipine hay Amlor (dùng cho người bệnh tăng huyết áp) mỗi loại tăng từ 5.000- 10.000 đồng/hộp. Thuốc Panadol Extra (thuốc giảm đau) tăng 10.000 đồng/hộp; thuốc điều trị huyết áp Exfort của Pháp nhảy vọt từ 540.000 đồng lên 590.000 đồng/hộp 28 viên. Thuốc kháng sinh Zinnat tăng từ 255.000 đồng/hộp 10 viên lên 275.000đ/hộp...

Thuốc nội cũng không chịu thua kém, bởi chỉ qua khảo sát một vài mặt hàng thuốc nội như bổ phế Nam Hà tăng từ 14.000/hộp lên 17.000 đồng; thuốc ho Bảo Thanh cũng tăng thêm 3.000 đồng/hộp... Theo nhân viên một số nhà thuốc, nhiều công ty, nhà phân phối dược đã thông báo giá thuốc sẽ điều chỉnh trong thời gian tới với mức tăng 15-20% như Dược phẩm Nhất Nhất, Dược phẩm Hà Nam...

Theo ông Đỗ Văn Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam, thực tế, không phải chỉ trong mấy ngày gần đây, khi có sự điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ, thì giá thuốc mới tăng mà trước đó trong tháng 1/2011, qua khảo sát 53 cơ sở bán lẻ thuốc ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam phát hiện có đến 21 cơ sở điều chỉnh giá một số mặt hàng thuốc. Cụ thể, tăng nhiều nhất là Polygynax tăng 10% (từ 78.000 lên 86.000 đồng/hộp); Selsun 100ml tăng 10% (từ 68.000 lên 74.500 đồng/lọ); Nifedipin 20mg tăng 9% (từ 55.000 lên 60.000 đồng/hộp); Glucose5% 500ml, Sodium Clorid 0,9%, Lactat Ringer tăng 8,2%...

Mấy ngày gần đây khi có sự điều chỉnh về tỷ giá USD/VNĐ thì việc điều chỉnh giá thuốc lần này của các cơ sở kinh doanh càng có cớ để biện minh hơn... và chỉ có người tiêu dùng là phải gánh chịu!

Nhiều loại thuốc trên thị trường bắt đầu tăng giá
Giá thuốc trong bệnh viện vẫn ổn định

Hiện tại, thuốc ngoại chiếm 49% thị trường, chủ yếu là các loại thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh, giá thành cao. Số thuốc sản xuất trong nước thì 90% nguyên liệu phải nhập khẩu và phần lớn các nguyên liệu để làm bao bì cũng phải nhập khẩu. Vì vậy việc điều chỉnh giá thuốc chỉ là chuyện sớm hay muộn. Nhưng vấn đề là điều chỉnh với mức bao nhiêu cho hợp lý là điều mà các cơ quan quản lý cần xem xét.

Vấn đề người dân quan tâm hiện nay là giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện liệu có đội lên như giá thuốc bên ngoài hay không? Bởi nếu không tăng giá, có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp, nhà phân phối dược phẩm bỏ thầu thuốc tại các bệnh viện như đã từng xảy ra. Hầu hết thuốc đã được đấu thầu từ cuối năm 2010 và các bệnh viện đều lấy giá của năm 2010 để sử dụng đến giữa năm 2011.

Trao đổi với TT&VH về vấn đề này, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết: Hiện tại, giá thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập tiếp tục ổn định. Các bệnh viện đã đấu thầu và đang cung cấp thuốc với giá cũ mà muốn tăng, Bộ Y tế sẽ phải họp bàn bạc cụ thể. Việc tăng giá thuốc phải có lộ trình phù hợp, không phải thích tăng là tăng!

Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm