“Tôi ủng hộ hoa lúa là Quốc hoa”

30/06/2010 10:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Các cuộc thăm dò tới thời điểm này cho thấy đại đa số các ý kiến đều cho rằng nên chọn hoa sen là Quốc hoa. Song, vừa qua, TT&VH đã nhận được thư của ông Bùi Văn Điểm, nguyên Chánh Văn phòng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương bày tỏ quan điểm nên chọn hoa lúa.

TT&VH xin giới thiệu bài viết này của ông để thêm một lần nữa cùng nhìn lại loài hoa đặc biệt này.

Tôi rất đồng tình với tác giả Huy Bom trong bài viết đăng trên mục BLOG 365 của TT&VH số ra ngày 22/6 vừa qua với nhan đề “Nên chọn hoa lúa là Quốc hoa”. Tôi xin minh họa thêm để ủng hộ cho hoa lúa:  


Vẻ đẹp hoa lúa Ảnh Q.Việt (sưu tầm)

1. Hoa lúa trắng muốt, sáng rực các cánh đồng Việt Nam, tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước của dân tộc ta, nó thanh cao, nhã nhặn, nhún nhường, khiêm tốn vươn lên từ bùn đất và cả nương đồi khô hạn. Sen không ao hồ, sen không tồn tại. Đào không chịu đẹp cùng sức nóng miền Nam. Còn mai vàng lại chê cái rét miền Bắc... Chỉ có hoa lúa ung dung tươi tắn đầy đủ vẻ đẹp ở mọi môi trường, ứng chịu được khí hậu khắc nghiệt mọi vùng, miền của Tổ quốc.

2. Khi xưa, chỉ có lúa mùa, lúa chiêm và thêm lúa ba trăng giáp hạt, nay nào là lúa Đông - Xuân, lúa Xuân, lúa Xuân - Hè, lúa Hè - Thu... Lúa mùa nào cũng có, hoa mùa nào cũng nở, hơn hẳn hoa đào, hoa mai chỉ đợi Xuân về, hoa sen phải chờ sang Hạ. Hoa lúa thì từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến núi cao, gần gũi mọi dân tộc, mọi tôn giáo đâu đâu cũng trân trọng, còn các loài hoa khác có kẻ biết người không.

3. Hoa lúa là hoa có tiền có hậu, ban đầu tinh khôi trắng trong, e ấp kín đáo dịu dàng như thiếu nữ, rồi trưởng thành toát bông đồng loạt, từ ra hạt sữa tới hạt chắc có cùi có lõi ngọt bùi để nuôi sống con người (tuy ta xét về hoa, song phải nói tới quả là cái kết của hoa), hơn hẳn đào ra hoa cũng kết quả nhưng ít, không đều, chua ngọt lẫn lộn, thường là chua. Hoa sen kết hạt quý, nhân tốt, tâm lại xanh và đắng (tuy là vị thuốc) làm thiếu cái hồ hởi ban đầu, mất đi sự nhất quán cho đời. Mai vàng hay mai trắng ít khi ra quả để có hậu. Hoa ban trên núi rừng Tây Bắc hay hoa hồng nhung địa bàn có rộng hơn, biểu tượng tình yêu nhưng cũng chỉ đầu mùa sau đó cũng đổi màu, tàn phai.

4. Họa chăng hoa lúa “thiếu chút truyền thống” không thấy cắm vào bình để thờ, không được người ta đặt bàn thưởng ngoạn, là do lịch sử mang lại số phận cho hoa; một là, yểu điệu, thân thảo e ấp khó cắm ( rồi ta sẽ có cách); hai là, các tầng lớp thượng lưu trước đây có điều kiện chơi hoa, thấy hoa lúa quá nhiều trên đồng mênh mông bát ngát, bình thường như không khí để thở hàng ngày, hoa quá gần gũi với tầng lớp bần cùng tay lấm chân bùn, một nắng hai sương mà có tâm lý tầm thường hóa hoa lúa để kẻ sang nâng thành quy tắc: “Vua chơi lan, quan thưởng trà”; với hoa sen theo đạo Phật được từ Ấn Độ sang, Trung Quốc tới mà nghiễm nhiên được hưởng lộc mà thôi.

5. Hoa lúa lâu nay cũng gián tiếp được đề cập thành biểu tượng quốc gia, bông lúa vàng trên Quốc Huy Việt Nam và nhiều logo của các đoàn thể ở Trung ương, địa phương, sao ta không nối mạch cao quý này để hoa lúa có vị trí xứng đáng Quốc hoa?!

Theo các tiêu chí tuyển chọn Quốc hoa, tôi thấy hoa lúa đạt nhiều tiêu chuẩn cơ bản nhất, vừa đẹp sắc, đậm đà hương lại tình nghĩa cho đời. Những dịp Xuân về do thời tiết không thuận thiếu cành đào, chậu hoa mai để chơi Tết chỉ hơi tiêng tiếc một chút, hạn hán đầm ao cạn khô chẳng ai nghĩ đi cứu sen. Song tất cả các cánh đồng lúa không nở hoa thì thiên hạ quả là lao đao đó! Tôi thấy chọn hoa lúa là được cả nội dung, hình thức và cũng tri ân tạo hóa cho chúng ta báu vật tồn tại.

Tôi mong được Hội đồng tuyển chọn Quốc hoa cân nhắc xem xét chọn hoa lúa.

Bùi Văn Điểm

NẾU CHỌN SEN HỒNG KHÔNG SỢ TRÙNG VỚI ẤN ĐỘ

Một trong các tiêu chí lựa chọn Quốc hoa được đưa ra là phải “Không trùng lắp với Quốc hoa của các quốc gia khác”. Đây có lẽ là tiêu chí duy nhất trong cả 13 tiêu chí mà nhiều người cho rằng “ứng cử viên” hoa sen dù có nặng ký đến đâu cũng không thể vượt qua được, bởi đã có Ấn Độ chọn hoa sen là Quốc hoa rồi.


Ấn Độ chọn sen trắng, Việt Nam có thể chọn sen hồng làm Quốc hoa!
Tuy nhiên, tại cuộc tọa đàm nhỏ với chủ đề Quốc hoa do Kênh Truyền hình Thông tấn tổ chức vừa qua, họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật) đã “hóa giải” lo ngại này, khi lập luận rằng, mỗi loài hoa đều có nhiều giống và màu sắc khác nhau. 10 nước cùng chọn hoa hồng làm Quốc hoa, nhưng không bị trùng lặp, vì mỗi nước đều chọn một loại hoa hồng khác nhau về giống và màu sắc để làm biểu trưng cho nước mình. Hoa sen cũng vậy. Nếu Ấn Độ đã chọn sen trắng là quốc hoa, thì Việt Nam có thể chọn sen hồng.

Cũng trong cuộc tọa đàm nói trên, ngoài họa sĩ Trần Khánh Chương, ý kiến của cả hai đại biểu còn lại là họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) - người trực tiếp tham gia soạn thảo đề án - và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đều cho rằng nên chọn hoa sen làm Quốc hoa bởi loài hoa này gắn bó sâu sắc với đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam.

TT&VH sẽ tiếp tục đăng tải các ý kiến đa dạng về việc chọn loài hoa làm Quốc hoa của Việt Nam

N.Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm