(TT&VH) - Lần ấy, tôi từ chối bữa cơm tối mà Huệ mời. Hồn nhiên cười, chị không hiểu rằng tôi chưa đủ tự nhiên để ngồi ăn cùng một người nhiễm HIV. Nụ cười của Huệ ám ảnh mãi, cho tới khi tôi chủ động gặp chị để xin lỗi và kể rõ sự tình - nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh chia sẻ.
Hoài Thanh được công chúng biết tới nhiều tại Dấu cộng duyên dáng – cuộc thi dành cho những người nhiễm HIV tổ chức vào tháng 10 vừa qua. Ngoài chức danh Trưởng BGK cho vòng sơ tuyển, anh cũng là tác giả của gần 70 bức ảnh chụp thí sinh được trưng bày trong đêm chung kết. Rồi rộng hơn, từ 8 năm qua, Thanh đã thực hiện công việc ấy một cách nghiêm túc và tỉ mỉ, với 2 cuộc triển lãm, 2 cuốn sách và hàng trăm bức ảnh về những bệnh nhân của AIDS.
Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh
40 tuổi, con của 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh lão làng Đan Quế và Phạm Tuệ, vậy nhưng với Hoài Thanh chụp ảnh chỉ là một thú chơi tay trái. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, nghề chính của anh là thiết kế và làm đồ họa. Nhưng đó cũng là cơ duyên để năm 2003, Thanh làm việc cùng một số bè bạn về những xuất bản phẩm có nội dung giảm thiểu kỳ thị với người bị AIDS. Thiếu hẳn tư liệu ảnh, anh họa sĩ thiết kế Hoài Thanh nhận lời thực hiện những bức ảnh về nạn nhân của căn bệnh thế kỉ. Xoay quanh cuộc sống đời thường của 15 người nhiễm HIV, 15 bộ ảnh được Hoài Thành hoàn thành trong gần 1 năm trời với nhiều chuyến đi từ Nam tới Bắc. Cuộc triển lãm những bức ảnh ấy có tên Cuộc sống vẫn tiếp diễn, được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2005. 3 năm sau tới lượt Cuộc sống vẫn tiếp diễn 2, cũng là một cuộc triển lãm 15 bộ ảnh để nhìn lại những nhân vật cũ đã tồn tại và cảm nhận thế nào sau khi lộ diện. Rồi cứ theo dòng chảy ấy, một cách tự nhiên, Thanh trở thành tay máy gắn với mảng đề tài đặc biệt này.
Thí sinh Nguyễn Thị Huyền sống bằng nghề phụ vữa
Anh tâm sự:- Đợt chụp đầu tiên, tôi mất 3 năm trời để chụp xong 15 bộ ảnh. Mỗi bức ảnh là bề nổi một quá trình dài, kể từ khi tìm thông tin, nhờ giới thiệu, tìm gặp mẫu và quan trọng nhất là thuyết phục lên ảnh. Trong 15 gương mặt ấy, có những người vẫn giấu kín căn bệnh của mình, có những người nhận lời ngay và cũng có người phải mất vài ngày thuyết phục. Lý do chính để họ đồng ý, quanh đi quẩn lại cũng là việc giảm thiểu kỳ thị cho cộng đồng những người có HIV, để xã hội thấy những người có HIV cũng sống và làm việc bình thường như thế nào. 14/15 nhận vật trong các bộ ảnh ấy đã đồng ý lộ diện và công khai danh tính. Người duy nhất không muốn chụp chân dung là một cậu dân chài vùng biển. Lý do cũng dễ hiểu, trong môi trường lao động, cậu thanh niên ấy rất sợ bị kỳ thị và tẩy chay khỏi cộng đồng.
Nguyễn Thị Huệ, Hoa hậu Cuộc thi Dấu cộng duyên dáng |
* Vậy, trong 2 năm trước khi chụp bộ ảnh thứ hai, 15 nhân vật của anh đã sống ra sao khi dư luận chú ý tới mình? - Tôi chỉ chọn lại được 10 người trong số họ, những người vẫn tiếp tục sống lạc quan và đóng góp cho cộng đồng. Còn 5 trường hợp còn lại, tôi chủ động bỏ chùm ảnh về các em nhiễm HIV được nuôi tại Ba Vì. Điều này là từ quan điểm cá nhân: tôi nghĩ đã tới lúc các em cần được chăm sóc để hòa nhập vào cuộc đời thật, chứ không cách ly như vậy nữa. 4 trường hợp còn lại là những câu chuyện khác nhau. Cậu dân chài kể trên không chịu nổi cảm giác lo lắng sợ lộ chuyện nên xin rút. Hai người khác tái nghiện, còn một người thì sống bi quan, chẳng làm bất cứ việc gì để sinh nhai. Đáng tiếc, nhưng thực tế cuộc sống đôi khi cũng khắc nghiệt như vậy. Bù lại, sau mấy năm, cách nhìn về những người có “H” tại Việt Nam cũng khác hơn rất nhiều. Tôi nhận được rất nhiều sự hợp tác tự nguyện trong việc tìm thêm 5 trường hợp để “bù” lại. * Anh nhớ những trường hợp nào nhất trong các bộ ảnh của mình? Mỗi bức ảnh là một câu chuyện riêng. Chẳng hạn, đó là Phạm Thị Huệ, cô gái nhiễm HIV rồi được nhận danh hiệu Anh hùng châu Á. Để chụp quãng đường 100m Huệ chạy trong hành trình rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008, tôi phải bay từ Hà Nội vào TP.HCM và chen lấn khá vất vả với cánh phóng viên. Rồi lần chụp Cúc, một y tá có HIV nhưng vẫn chăm sóc bệnh nhân tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tôi cũng phải đi tới 2 lượt mới “căn” đúng ngày Cúc tiêm chủng cho trẻ em trong xã. Đôi khi, những bức ảnh chỉ gắn với một vài kỉ niệm cá nhân. Như lần chụp các thí sinh dự thi Dấu cộng duyên dáng vừa rồi, tôi tới nhà Huyền ở Ninh Bình. Huyền sống bằng nghề phụ vữa, nên tôi muốn chụp ảnh chị đang xúc cát. Được một lát, khi hỏi mệt chưa, Huyền cười hì hì: Anh cứ đứng đấy chụp thì tới chiều nay là em xúc hết cả đống cát này. Nụ cười ấy khiến tôi nhớ mãi. 8 năm chụp ảnh về đề tài này, cái được lớn nhất của tôi là những trải nghiệm như vậy, để mình có thể lớn hơn và thông cảm hơn với những người có “H”. * Xin cảm ơn anh.
Minh Châu