Annie Leibovitz: Đánh thức ký ức về những người nổi tiếng

10/12/2011 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nữ nhiếp ảnh gia Mỹ Annie Leibovitz (62 tuổi) đã làm nên tên tuổi với những bức ảnh chân dung của nhiều ngôi sao rock và diễn viên nổi tiếng Hollywood. Nhưng cuốn sách mới và triển lãm mang tên Pilgrimage của bà lại theo một hướng hoàn toàn khác: chụp không gian hoài niệm về những người nổi tiếng.

1. Cuốn sách mới Pilgrimage (và triển lãm cùng tên đang được trưng bày ở London, Anh) gồm 100 bức ảnh, trong đó không hề có một gương mặt nào. Leibovitz chụp ảnh ngôi nhà của Emily Dickinson, phòng tối của nhiếp ảnh gia Ansel Adams hay chiếc TV của Vua rock Elvis Presley và thư viện của Freud. Bà quan tâm tới những câu chuyện đằng sau đó, chìm đắm trong những phong cảnh, ngôi nhà, đồ vật rồi đưa những hình ảnh đó vào cuộc sống.



Những bức ảnh này tượng trưng cho một sự thay đổi rõ ràng của Leibovitz. Chúng được ra đời vào thời điểm cuộc sống của Leibovitz gặp nhiều biến cố. Người tình đồng giới lâu năm của bà - Susan Sontag - qua đời năm 2004. 6 tuần sau, cha bà qua đời và vài năm sau đó mẹ bà cũng ra đi.

Họa vô đơn chí, tháng 8/2009, Leibovitz đã bị Art Capital làm cho điêu đứng khi công ty này đâm đơn kiện bà vì khoản nợ 24 triệu USD.

Suy sụp và chán nản, bà cùng các con, gồm Sarah, Susan và Samuelle, đi chơi cho khuây khỏa. “Trong thời điểm khó khăn đó, tôi không thể động não làm việc gì và cảm xúc cũng cạn kiệt. Tôi cần phải tìm một lối thoát. Tôi cần phải cứu bản thân mình. Tôi cần phải biết mình thích làm gì và có thể làm gì” – Leibovitz chia sẻ.

Leibovitz đã cùng các con tới thác Niagara và đây chính là nơi đã cho bà nguồn cảm hứng lớn để thực hiện cuốn sách ảnh Pilgrimage. “Tôi đã trải qua những năm hết sức khó khăn và đầy lo âu, nên khi đến thác Niagara tôi thấy thanh thản khi ngồi nhìn các con chạy qua chạy lại ở cạnh thành lan can. Rồi chúng bỗng nhiên dừng lại, mê mải đứng ngắm cái gì đó. Tôi tới gần chỗ các con và đứng đằng sau chúng chụp một bức ảnh thác nước (hình ảnh này được lấy làm bìa cuốn sách). Tôi chỉ chụp 3-4 bức ảnh khi đứng ở đó. Nhưng 2 tháng sau, tôi thấy mê phong cảnh nơi này khi xem lại các bức ảnh tại studio của mình ở New York. Tôi còn chụp ngôi nhà của Emily Dickinson ở Amherst, bang Massachusetts. Những nơi này có ý đối với tôi theo những cách khác nhau” – Leibovitz cho biết.



Chiếc ghế trường kỷ của nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856-1939) do Annie Leibovitz chụp tại Maresfield Gardens ở London (Anh).

2. Trong bộ sưu tập này còn có những hình ảnh được chụp tại Anh. Qua đó, người xem có thể được nhìn ngắm ngôi nhà của nhà bác học Charles Darwin ở Kent và Leibovitz vô cùng tự hào khi được phép vào bên trong bảo tàng Freud ở London để chụp ảnh. Bảo tàng này được thiết lập tại chính nhà riêng của nhà phân tâm học Sigmund Freud.

“Thật tuyệt vời khi được đắm mình vào những ký ức lịch sử. Tôi đã phải học cách chụp các đồ vật. Chúng ta không biết nhiều về nhà văn/nhà thơ Henry David Thoreau (1817-1862) mà chỉ biết đến tác phẩm của ông. Khi lần đầu tiên nhìn thấy chiếc giường mây mà ông ngủ trên đó, tôi đã rất xúc động và không biết phải chụp như thế nào” – Leibovitz chia sẻ.

3. Tính đến nay, Leibovitz đã có hơn 4 thập kỷ cầm máy. Bà được đánh giá là một nhiếp ảnh gia tài năng và nổi tiếng ở Mỹ. Song Leibovitz cho rằng: “Con người ta ai cũng có tài, nhưng nó sẽ mất nếu không được nuôi dưỡng. Khi đã có tuổi, điều quan trọng nhất là bạn phải biết được mình đang làm gì. Nếu bạn thích làm một việc gì đó, nó không dễ dàng đạt được, nhưng nó khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Cuốn ảnh Pilgrimage là một sự rèn luyện công việc của tôi. Qua những cuốn sách tôi có thể bộc lộ được hết bản thân mình”.

    Việt Lâm (lược dịch)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm