Oliver Stone: "Trong mỗi người Mỹ đều có một chút Bush”

19/01/2009 11:56 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Hôm 15/1, tổng thống Mỹ George W. Bush đã có bài phát biểu chia tay trên truyền hình Mỹ, trong đó ông vẫn cố thanh minh cho những thất bại của ông trong 2 nhiệm kỳ ở Nhà trắng.
 
Đạo diễn Oliver Stone - 62 tuổi, từng đoạt 3 giải Oscar (trong đó có 2 giải cho phim về đề tài Việt Nam là Trung đội và Sinh ngày 4 tháng 7) – cho rằng người Mỹ cần phải tìm cách hiểu được ông Bush để có thể hiểu thêm những cố tật của nước Mỹ cũng như bản thân mình. Ông trò chuyện với báo Frankfurter Rundschau (Đức) về tổng thống Bush:
 Oliver Stone (trái) và George W. Bush

* Thưa ông Oliver Stone, trong bộ phim W (bộ phim mang tính châm biếm của Oliver Stone về về tổng thống Bush – TT&VH), ông cũng đã thể hiện một số khía cạnh đáng yêu của George W. Bush. Phải chăng vì sắp mãn nhiệm mà ông Bush trở nên đáng mến hơn?

Không. Đối với tôi, ông ta vẫn là một kẻ ích kỷ. Ông ta luôn cố chứng tỏ: “Ta là ông trùm”. Sự bất an và nỗi lo sợ mà ông ta reo rắc chính là động lực cho các chính sách của ông ta. Tôi không hề nương nhẹ ông ta một chút nào trong W. Hành động của ông ta đã để lại những hậu quả nặng nề.

* Diễn viên chính Josh Brolin (thủ vai George W. Bush trong phim W – TT&VH) từng than phiền rằng anh ta đã vô tình bị nhiễm một số tính cách của George W. Bush trong thời gian làm phim W.Ông cũng mắc căn bệnh tương tự?

Chắc là có đấy. Sẽ là ngu ngốc khi bác bỏ thực tế này. Dù sao thì ông ta cũng là người Mỹ và trong mỗi người Mỹ chúng tôi đều có một chút Bush.

* Ở đây ông muốn nói đến đặc tính nào của người Mỹ?

Đó là cái tính thích trả thù và đề cao cái tôi. Đề cao cái tôi có thể gây ra những ảo tưởng, không chỉ đối với Bush, mà đối với tất cả mọi người: Ai cũng có thể mắc phải bệnh ham hố quyền lực và tự cao tự đại.

* Kể cả ông?

Tất nhiên. Một chút đề cao cái tôi cũng là một phần của sự trưởng thành. Nhưng xem ra, ông Bush rất thiếu sự trưởng thành.

* Phải chăng cử tri Mỹ nên tự trách mình vì họ đã hai lần bầu George W. Bush làm tổng thống?

Tôi không rõ mọi người phản ứng như thế nào về bộ phim của tôi. Mỹ là một nước rất rộng lớn với những quan điểm trái nghịch nhau. Sau khi xem bộ phim, một người bạn của tôi – anh ấy ủng hộ đảng Dân chủ - nói: “Tôi bỗng thấy cảm thông hơn với nước Mỹ, vì tôi hiểu ông ta (chỉ Bush) rõ hơn”. Về phần mình, tôi không ưa George W. Bush và cũng không thích tính cách của ông ta. Nhưng đúng là tôi muốn tìm hiểu vì sao ông ta lại trở nên như vậy? Ông ấy chính là một người lưu giữ những thói xấu của người Mỹ: thích báo thù, bạo lực đến mức tàn bạo, tham lam.

* Thế nhưng một số người tiền nhiệm của ông ấy như Nixon và Reagan cũng rất cực đoan. Vậy ông Bush khác họ ở điểm nào?

Nixon phá vỡ luật lệ, lạm dụng quyền lực và dối trá. Reagan là một vị tổng thống hiếu chiến. Nhưng hai người này không thể nào sánh bằng George W. Bush. Ông ta để lại quá nhiều dấu ấn trên thế giới. Ấy thế mà, chúng ta lại đánh giá thấp ông ta, coi ông ta là một võ sĩ hạng nhẹ. Chúng ta có thể cười nhạo ông ta, nhưng tôi dám chắc rằng cháu gái gọi tôi bằng ông vẫn sẽ phải nói về ông Bush.

* Bộ phim W của ông không chỉ đụng chạm đến tổng thống đang mãn nhiệm mà cả giới thông tin đại chúng Mỹ. Vậy ông đánh giá như thế nào thái độ của báo giới trong cuộc chiến Iraq so với chiến tranh Việt Nam mà bản thân ông đã trải qua?

Trong chiến tranh Việt Nam, báo chí cũng góp phần vào quá trình khởi động chiến tranh và qua đó có dính líu trực tiếp với cuộc chiến. Tương tự như chiến tranh Iraq, trước khi xảy ra chiến tranh Việt Nam, báo chí Mỹ cũng đăng tải những hàng tít giật gân, những bức ảnh minh họa trên trang nhất. Nhưng sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân thì đã có một sự đảo chiều. Vì thế trong chiến tranh Iraq, Lầu Năm Góc đã áp dụng chế độ kiểm duyệt trực tiếp. Họ đã học được khá nhiều từ chiến tranh Việt Nam.

* Trong thời gian qua, Internet đã đăng tải quá nhiều về George W. Bush. Vậy liệu người ta có còn muốn đi xem bộ phim W của ông?

Giờ đây hễ nhắc tới George W. Bush, người ta lại phủi tay nói: ”Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Trên thực tế, người ta chẳng biết gì về ông Bush cả. Tôi dám cược rằng trong tương lai, người ta còn phải nói nhiều về con người này.

* Ông có nhận xét gì về việc hầu như không người Mỹ nào muốn đầu tư cho phim W và buộc ông phải huy động tiền ở nước ngoài?

Tôi từng đối mặt với những khó khăn tương tự trong nhiều năm qua. Bộ phim Trung đội là bộ phim duy nhất của tôi được khen ngợi đôi chút. Người ta đã rút dao dọa ngay từ khi tôi làm bộ phim Wall Street. W là một bộ phim quốc tế và chi phí thấp hơn dự kiến. Thời gian quay phim rất ngắn: chỉ mất có 46 ngày.

* Quả là siêu tốc. Làm thế nào mà ông lại làm phim nhanh đến thế?

Chúng tôi đã có một đoàn làm phim tuyệt vời, khâu lựa chọn diễn viên rất kỹ lưỡng và không phải quay bổ sung. Có lẽ là nhờ kinh nghiệm. Nếu ít tuổi hơn, tôi khó có thể làm phim nhanh như vậy.
 
Minh Bích (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm