21/03/2011 16:10 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) -Trận động đất, sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản đã gây nên những thiệt hại khổng lồ về cả con người lẫn của cải vật chất cho Nhật Bản. Nhưng giới phân tích đánh giá còn một trận “hậu chấn” nữa sẽ tấn công Nhật và nó tới từ lĩnh vực kinh tế.
>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản
Khi bắt đầu tiến hành tái xây dựng những vùng đất bị động đất, sóng thần hủy diệt, nền kinh tế Nhật Bản bỗng nhận ra nó đang phải đối diện với một mối đe dọa vô cùng lớn mang tên nợ nần.
Đứng thứ 2 thế giới về nợ công
Để có tiền tái thiết, chính phủ Nhật sẽ phải bỏ ra hàng tỉ USD, trong bối cảnh mức nợ nần của họ đã đứng vào nhóm cao nhất thế giới. Trận động đất xảy ra tuần trước chỉ là một cú đấm nữa vào nền kinh tế đã chật vật tìm lối tăng trưởng trong suốt 2 thập kỷ qua, sau khi các bong bóng đầu cơ thi nhau vỡ tung.
“Nhật Bản có hàng loạt vấn đề nghiêm trọng mà họ đã chật vật giải quyết trong suốt 20 năm vừa rồi” - Steven Roach, một chuyên gia của tổ chức Morgan Stanley Asia nói - “Họ phải tái xây dựng hệ thống tài chính. Họ gặp rắc rối về mặt dân số. Kết cấu dân số của họ không chỉ đang già đi mà còn thu nhỏ lại. Thảm họa đã tàn phá dữ dội nhiều vùng của nước Nhật, khiến việc tái thiết sẽ vô cùng tốn kém
2 thập kỷ đã mang tới 4 cuộc suy thoái kinh tế và khiến cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản giống như một đường thẳng kéo dài, với mức tăng GDP chỉ chưa đầy 1% mỗi năm. Rất lâu trước khi động đất xảy ra, các nhà dự báo đã tiếp tục đánh cược rằng nền kinh tế Nhật sẽ tiếp tục èo uột thêm một thời gian nữa.
Để kích thích nền kinh tế tăng trưởng trở lại, chính phủ Nhật Bản đã chi tiêu rất mạnh tay nhưng tác động của nó kéo dài không lâu. Thứ mà Chính phủ thu được là một núi những khoản trái phiếu mà họ sẽ phải thanh toán. Theo trang CIA Factbook, mức nợ công của Nhật Bản trong năm 2010 là 95.000 tỷ yen, tương đương 200% GDP, khiến nước này chỉ đứng thứ 2 về nợ nần sau Zimbabwe. Để so sánh, Mỹ đứng thứ 36, với nợ công chiếm khoảng 60% GDP.
“Uống thuốc độc” để giải khát
Giờ đây, để tái thiết những vùng bị động đất tàn phá, Nhật Bản sẽ phải phát hành thêm nhiều trái phiếu nữa, ước tính sẽ lên tới gần 200 tỉ USD. Rủi ro nằm ở chỗ càng phát hành nhiều trái phiếu mới, Chính phủ càng phải trả lãi suất cao bởi chỉ có như thế họ mới thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Lãi suất cao khiến việc vay tiền để làm ăn hoặc tiêu dùng trở nên khó khăn hơn, qua đó sẽ ngăn cản hoạt động tiêu dùng, đầu tư và càng khiến nền kinh tế Nhật đi xuống.
Tìm thấy người sống sót 9 ngày sau thảm họa Ngày 20/3, 9 ngày sau thảm họa động đất và sóng thần khủng khiếp tấn công Nhật Bản, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 2 người còn sống sót. Theo đó cụ bà Sumi Abe, 80 tuổi, và đứa cháu nội Jin Abe, 16 tuổi, đã được phát hiện trên phần mái một ngôi nhà đã sụp ở thành phố Ishinomaki. Cả 2 còn tỉnh táo nhưng rất yếu và đã sống sót nhờ thức ăn còn sót lại trong tủ lạnh nhà họ.
Phí tái thiết của Nhật Bản sẽ chỉ được các công ty bảo hiểm tư nhân hỗ trợ rất ít. Nguyên nhân do Nhật Bản có một chương trình bảo hiểm động đất rất lớn và toàn diện, do chính phủ hỗ trợ. Chương trình này sẽ chi trả cho các cá nhân sở hữu tài sản bị thiệt hại do động đất, đồng thời hỗ trợ các công ty bảo hiểm trong tình huống thiệt hại quá lớn. Các ước tính ban đầu cho thấy lĩnh vực bảo hiểm tư nhân chỉ phải bỏ ra chừng 35 tỉ USD, tức khoảng 6% tổng thiệt hại dự kiến. Như thế nghĩa là người tiêu dùng và các công ty sẽ phải bỏ tiền túi của họ vào cuộc tái thiết, qua đó vô tình càng cắt giảm lợi nhuận kinh doanh và hoạt động tiêu dùng hơn nữa.
Đó là chưa kể tới việc kinh tế Nhật sẽ bị ảnh hưởng nặng từ các hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn sau động đất do nhiều nhà xưởng hỏng hóc. Đã có những báo cáo về tình trạng thiếu phụ tùng, thiết bị cho hoạt động sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp ô tô và lĩnh vực điện tử. Vừa qua Sony đã đóng cửa 6 nhà máy sản xuất đĩa CD, đầu đọc và pin ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản. Các công ty khác như Sharp, Panasonic, Mitsubishi và Sanyo cũng phải đóng cửa một số nhà máy chủ chốt. Tương tự, khoảng 22 nhà máy của Toyota, Honda và Nissan đã ngừng sản xuất.
Những nền kinh tế nào sẽ bị “dư chấn” của Nhật?
Tuy nhiên bức tranh của Nhật Bản không chỉ có những khoảng tối. Nước này có nền kinh tế đa dạng hóa và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi thảm họa chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng GDP.
Trên bình diện ngoại thương, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay sẽ không phải quá lo về tác động tới từ Nhật Bản. Nước này chỉ chiếm 5% tổng lượng hàng xuất khẩu của Mỹ và 8% của Trung Quốc. Dưới một kịch bản tồi tệ nhất, khi nền kinh tế Nhật Bản hoàn toàn sụp đổ, tác động ngược trở lại Mỹ và Trung Quốc sẽ rất nhỏ. Giới phân tích nói rằng 2 nước này chỉ mất đi chưa đầy 1% tốc độ tăng trưởng thường niên. Trong nhóm G10 (10 nước phát triển), Australia là nước chịu tác động lớn nhất từ Nhật Bản. Trong nhóm các quốc gia đang lên, Philippines và Indonesia sẽ là những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất từ thảm họa Nhật Bản. 16% lượng hàng hóa của họ xuất khẩu sang Nhật. Ngược lại, chỉ 6% hàng của Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 3 ở Đông Á, có đích đến là Nhật Bản.
***
Các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng những tổn thất lớn của bất kỳ thảm họa tự nhiên nào, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, thường được theo chân bởi hoạt động đầu tư và chi tiêu mạnh vào tái thiết, cũng giúp kích thích tăng trưởng kinh tế.
Steven Wieting, Giám đốc phụ trách phân tích kinh tế và thị trường của tập đoàn Citigroup khẳng định: “Ngay cả ở trong các thảm họa hạt nhân như Chernobyl, Three Mile Island và Deepwater Horizon hồi năm ngoái, đã có những quan ngại lớn xuất hiện. Nhưng không một biến cố nào, kể cả trận động đất Kobe tàn khốc, có những tác động kéo dài lên nền kinh tế”.
Gia Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất