29/11/2021 15:20 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo hãng tin Kyodo, vụ việc người đàn ông Nhật Bản bị bắt giữ gần đây với cáo buộc đã đánh vào đầu cô con gái 1 tháng tuổi của mình khiến bé tử vong hồi năm 2020 cho thấy sự cấp bách của việc hỗ trợ và giáo dục tốt hơn cho các bậc phụ huynh.
Tình trạng bạo hành của cha mẹ liên quan đến một số trường hợp được cho là hiện tượng "papa mishiri" (ác cảm với bố) tại Nhật Bản. Một số chuyên gia giải thích hiện tượng này là một biểu hiện các kỹ năng nhận biết của trẻ đang phát triển, nhưng họ cũng thừa nhận rằng những người chưa có kinh nghiệm làm bố có thể cảm thấy sốc khi con của họ dường như chối bỏ họ.
Natsuki Nakashima, 23 tuổi, người bị cáo buộc đánh vào đầu con gái Kokona 1 tháng tuổi tại nhà riêng ở Kanoya, tỉnh Kagoshima, ban đầu bác bỏ cáo buộc, nhưng sau đó đã thú nhận. Khi sự việc xảy ra, Nakashima đang ở nhà cùng Kokona và một đứa con khác. Nakashima thú nhận: "Cảm giác bị ức chế gia tăng. Tôi đã đánh con vì con bé không ngừng khóc". Hiện chưa rõ trường hợp của Nakashima có liên quan đến hiện tượng "papa mishiri" hay không.
Giáo sư tâm lý học lứa tuổi tại Đại học Showa Women ở Tokyo, bà Masako Ishii cho biết trẻ sơ sinh khi phát triển khả năng nhận biết có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa cha và mẹ, và những thay đổi rất nhỏ trong cách bố mẹ bế con. Theo bà, trong những gia đình mà người mẹ thực hiện hầu hết các hoạt động nuôi dạy con, thường đứa trẻ từ 6-8 tháng tuổi có phản ứng ác cảm với bố một thời gian.
Theo một cuộc thăm dò do Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản thực hiện, khoảng một nửa số ca trẻ em tử vong do bị bạo hành trong năm 2019 liên quan đến các bé dưới 1 tuổi.
Trong một vụ việc khác, Kazuki Takakura đã bị Tòa án quận Mito kết án 9 năm tù giam vì tội ngộ sát, sau khi con gái 10 tháng tuổi Hazuki của người này tử vong tại Hitachinaka, tỉnh Ibaraki, Đông Bắc thủ đô Tokyo. Takakura thú nhận rằng "sự ức chế vì con không yêu" là một trong những lý do dẫn đến hành động khiến con gái tử vong.
Trả lời phỏng vấn của Kyodo tại trại giam Mito, Takakura cho biết: "Bé luôn gào khóc mỗi khi nhìn thấy tôi, điều đó làm tôi sốc. Tôi lo lắng vì bé không cho tôi bế nhưng tôi không thể chia sẻ chuyện này với ai".
Có thể kể ra một số vụ việc khác, như một người đàn ông ở tỉnh Chiba, phía Đông Tokyo, bị buộc tội làm bị thương con trai 4 tháng tuổi của mình năm 2019. Trước tòa, bị cáo khai rằng "bé gào khóc mỗi khi vợ tôi không ở đó".
Tháng 11 là Tháng hành động chống bạo hành trẻ em ở Nhật Bản. Chuyên gia Ishii cho biết đây là cơ hội để các ông bố tìm hiểu về sự phát triển của trẻ và có thể tham gia tư vấn chuyên gia về việc này.
Các vụ việc bạo hành trẻ em cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho cả các bà mẹ, những người cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như trầm cảm sau sinh và những ông chồng thiếu kinh nghiệm chăm con.
Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội đã khởi động một chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích các chính quyền địa phương lập các nhóm hỗ trợ, mời những người bố có kinh nghiệm chăm sóc con đến chia sẻ cách làm cha mẹ, và kêu gọi các thành phố lập trung tâm hỗ trợ nuôi dạy con.
Chuyên gia Ishii cho biết: "Khi em bé chưa hiểu được ngôn ngữ, bố mẹ rất dễ cảm thấy sức ép. Đặc biệt các ông bố không trải qua quá trình mang thai như người mẹ để có thời gian chuẩn bị làm cha mẹ, do đó họ cần được giáo dục và hỗ trợ thêm".
Bích Liên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất