Mỹ: Ai là tác giả kế hoạch cứu trợ 700 tỷ USD?

30/09/2008 18:32 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Sau hơn một tuần tranh cãi kéo dài thâu đêm, nhiều lần rơi vào bế tắc, chiều 28/9, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ cùng Nhà Trắng đã nhất trí chậm nhất là ngày 1/1, sẽ thông qua kế hoạch giải cứu thị trường tài chính Mỹ trị giá 700 tỷ USD. Kế hoạch khổng lồ này được xem là có thể là ngăn chặn sự sụp đổ hơn nữa của thị trường tài chính, cứu vãn nền kinh tế Mỹ khỏi tình trạng suy thoái. Ai là tác giả của kế hoạch đó?

Con người quan trọng

Người khởi xướng kế hoạch khá bất thường nói trên chính là Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson.

Ông là người đứng đầu một bộ luôn được xem là “trái tim” của các chính phủ Mỹ. Cơ quan đầu tiên trong nội các mà Tổng thống George Washington thành lập là Bộ Tài chính. Hiện nay tòa nhà Bộ Tài chính vẫn nối với Nhà Trắng thông qua một hệ thống đường hầm bí mật. Chừng đó cũng đủ để cho thấy tầm quan trọng của Bộ Tài chính đối với nước Mỹ.
 
Khi Tổng thống G.W.Bush lên nắm quyền, dưới thời hai bộ trưởng tiền nhiệm, mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Bộ Tài chính không được tốt. Nhưng khi Henry Paulson trở thành bộ trưởng, mọi thứ lại trở lại với đúng vị trí của nó. Trong những ngày sóng gió này Paulson đã là nhân vật quan trọng nhất ở Washington.

Henry Paulson sinh ngày 28/3/1946, đỗ Thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Harvard và từng làm việc cho Goldman Sachs, một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu ở phố Wall.

Ông làm nên tên tuổi vào thời điểm Goldman Sachs đang chuyển mình thành một tập đoàn toàn cầu do những tài năng nắm giữ. Chính ông đã giúp Goldman Sachs tiến mạnh vào thị trường châu Á (bản thân Paulson có quan hệ tốt với Trung Quốc và đã thăm nước này hơn 70 lần). Năm 1999, ông trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Goldman Sachs sau khi làm một cuộc lật đổ chống lại John Corzine.

Paulson chỉ rời Goldman Sachs để tới Bộ Tài chính Mỹ sau một thời gian dài bị “ve vãn” bởi người đồng nghiệp cũng từng làm ở Goldman Sachs là Josh Bolten, nhân vật hiện là Chánh văn phòng nội các của Tổng thống Bush. Lúc ra đi, Paulson chỉ mang theo một nhóm nhỏ những người thân thiết nhất với ông ở Goldman.

Ngay khi đảm nhận cương vị mới, ông đã tạo ra sự khác biệt với hai người tiền nhiệm bằng việc tuyên bố khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ sẽ là một trong bốn vấn đề kinh tế lâu dài cần phải giải quyết. Giờ ông lại gây chú ý với kế hoạch cả gói nhằm cứu vãn nền kinh tế.

Cái phao tiền tỷ

Hôm 28/9 vừa qua, kế hoạch của ông Paulson, sau khi bàn bạc, sửa đổi và có tên "Đạo luật ổn định kinh tế khẩn cấp 2008", đã được Nhà Trắng và Quốc hội thỏa thuận xong. Nội dung đạo luật này tập trung quanh một số ý chính như: Cho phép Bộ Tài chính dùng tiền để hỗ trợ các định chế tài chính đang vướng vào những khoản nợ xấu do khách hàng vay mua bất động sản không trả được. Đây là kế hoạch lớn chưa từng có kể từ cuộc ''Đại suy thoái'' hồi đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Tuy nhiên tiền sẽ được cấp theo nhiều đợt với 250 tỉ sẽ chuyển ngay và và 100 tỉ chỉ cấp theo yêu cầu của Nhà Trắng. Quốc hội có quyền phủ quyết việc cấp tiếp 350 tỉ còn lại.

Đổi lại, các ngân hàng vay tiền sẽ phải trao cho chính phủ lượng cổ phiếu nhất định, qua đó giúp người đóng thuế Mỹ được lợi nếu hoạt động làm ăn của ngân hàng khôi phục, khiến cổ phiếu tăng giá.

Luật cho phép nâng hạn mức nợ quốc gia từ 10,6 ngàn tỷ USD lên 11,3 ngàn tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính được toàn quyền mua, giữ, và bán tài sản theo bất cứ hình thức nào. Trong đó, gồm cả việc vượt trên các quy chế thông thường về mua bán của Chính phủ, để thuê các công ty tư nhân thực hiện.

Trong ba tháng đầu tiên và đều đặn mỗi sáu tháng, chính phủ phải báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện các quyền được trao nói trên. Một ủy ban giám sát thực thi kế hoạch cứu trợ cũng sẽ được thành lập với các thành viên gồm Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang (FED), Chủ tịch Ủy ban cổ phiếu và chứng khoán liên bang (SEC), Chủ tịch Cơ quan tài chính nhà đất liên bang (FHFA) và Bộ trưởng Bộ phát triển nhà ở và đô thị. Nếu được thông qua, đạo luật sẽ có hiệu lực tới ngày 31/12/2009 và có thể được gia hạn hai năm theo yêu cầu của chính phủ.

Liệu có mạo hiểm?

Tổng thống Bush ủng hộ rất nhiệt tình kế hoạch và bày tỏ sự lạc quan, cho rằng không tốn tới 700 tỉ USD để cứu vãn nền kinh tế. Ông cho rằng chính phủ Mỹ sẽ bán phần tài sản mua của các ngân hàng và thu lời, khi thị trường trở lại bình thường.

Nhưng nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ thái độ lo ngại. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu kế hoạch cứu trợ này không đạt được mục tiêu. Một số người ước tính rằng khoản thua lỗ trong hệ thống tài chính Mỹ có thể lên tới hơn 1.000 tỉ USD. Nếu Bộ Tài chính mua lại những quản nợ xấu với mức giá cao hơn một chút so với mức hiện tại, khoản chênh lệch sẽ không cung cấp đủ vốn để các ngân hàng hoạt động và nguy cơ phá sản do thua lỗ nghiêm trọng sẽ vẫn còn đó. Ngoài ra, vẫn còn những tranh cãi về việc 700 tỉ USD này thực sự chỉ cứu các đại gia trong giới tài chính Mỹ chứ chưa ngó ngàng tới quyền lợi của những người dân Mỹ bị thu nhà thế nợ.

Song nếu xét tới thực tế hiện nay của kinh tế Mỹ, nếu không nhanh chóng thông qua phương án cứu trợ ngành tài chính, tình hình sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát và tới lúc đó chi phí để khôi phục nền kinh tế sụp đổ sẽ còn lớn hơn nhiều lần con số 700 tỉ USD nói trên.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm