Lãnh tụ Triều Tiên qua đời - Ai sẽ lấp đầy khoảng trống?

20/12/2011 10:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 19/12, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il đã qua đời trước đó hai hôm, thọ 69 tuổi. Tin tức này khiến cho giới quan sát thế giới không khỏi ngỡ ngàng và đã đưa ra nhiều phỏng đoán về chuyện gì sẽ xảy ra theo sau cái chết đột ngột của ông Kim.

>> Chuyên đề sự kiện Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-IL qua đời

Theo KCNA, ông Kim Jong-Il đã qua đời vào lúc 8h30 sáng 17/12 do đột quỵ, khi đang đi trên tàu hỏa để thực hiện một chuyến thị sát bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng.

Qua đời sau nhiều tin đồn về sức khỏe

Trước khi ông Kim qua đời, từ năm 2008 đã có những đồn đoán về sức khỏe của ông. Tháng 8/2008, tờ tuần báo Shukan Gendai của Nhật Bản dẫn lời giáo sư đại học Waseda Toshimitsu Shigemura nói rằng ông Kim đã qua đời vì tiểu đường hồi năm 2003 và những lần xuất hiện gần đây đều là các nhân vật đóng thế. Shigemura còn nói rằng một đoạn phân tích giọng nói của Kim hồi năm 2004 không giống với của ông trước đó và ông Kim cũng không xuất hiện trong lễ rước đuốc Olympic qua Bình Nhưỡng vào tháng 4/2008.

Khỏi phải nói, giới tình báo đã há hốc mồm ngạc nhiên trước những nhận định nhuốm đầy màu sắc "điên rồ" này.

Tháng 9/2008, khi ông Kim không xuất hiện trong lễ duyệt binh mừng kỷ niệm 60 năm ngày quốc khánh Triều Tiên, tình báo Mỹ đã phỏng đoán ông bị "ốm nặng sau khi bị đột quỵ". Tới tháng 10 năm đó, liên tiếp nhiều tờ báo đã loan tin về sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Các nguồn tin không chính thức từ Hàn Quốc nói rằng Kim đã phải qua phẫu thuật sau khi bị đột quỵ nhẹ. Tờ Chosun Ilbo sau đó dẫn nguồn Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh thì cho biết ông đã bị đột quỵ vào ngày 22/8. Tờ New York Times khẳng định Kim "ốm rất nặng sau khi bị đột quỵ vào ngày 15/8, nhưng cơ quan tình báo không cho rằng vụ việc có thể đe dọa tới tính mạng của ông".

KCNA cho biết ông Kim Jong-Il đã qua đời sau khi bị đột quy

Ngày 14/9, hãng tin Kyodo của Nhật Bản tiếp tục thông báo rằng Kim đã bị đột quỵ do chảy máu não hoặc một số lý do tim mạch và Bắc Kinh đã biệt phái 5 bác sĩ quân y siêu hạng tới trợ giúp Bình Nhưỡng. Sau lần đột quỵ này, ông Kim sẽ cần nghỉ ngơi dài và để phục hồi, trước khi có thể cử động cơ bắp, chân tay. Tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản thì nói rằng ông Kim thường bất tỉnh nhân sự kể từ tháng 4. Tháng 10/2008, tờ New York Times dẫn lời ông Taro Aso nói trước Quốc hội Nhật Bản rằng Kim đã phải vào viện. "Tình trạng của ông ấy không tốt. Tuy nhiên tôi tin rằng ông ấy vẫn có khả năng ra quyết định". Aso cũng nói rằng một bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Pháp đã lên máy bay tới Bắc Kinh, có thể là tới Triều Tiên chữa trị cho ông Kim.

Nhằm phản ứng với các tin đồn này, hồi tháng 4/2009, Triều Tiên đã công bố một đoạn video có cảnh ông Kim tới thăm các nhà máy và nhiều nơi khác ở Triều Tiên trong giai đoạn từ tháng 11 đến 12/2008.

Không ai ngờ nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bất ngờ qua đời vì đau tim.

Người lãnh đạo Triều Tiên gần 2 thập kỷ

Thông tin chi tiết về thời điểm ông Kim Jong-Il chào đời tương đối khác nhau. Nhưng theo dữ liệu của Liên Xô cũ để lại, ông sinh tại làng Vyatskoye, gần Khabarovsk, vào năm 1941. Đây là nơi cha đẻ của ông, Kim Il-Sung, đã chỉ huy Tiểu đoàn số 1 trong Sư đoàn số 88 của Hồng Quân, gồm toàn người Trung Quốc và Triều Tiên.

Tiểu sử chính thức đầu tiên của Kim Jong-Il lại nói rằng ông sinh ở núi Baekdu tại Triều Tiên khi đó là thuộc địa của Nhật Bản, vào ngày 16/2/1942. Người ta nói rằng ngày ông chào đời, trên  ngọn núi đã xuất hiện cầu vồng đôi và một ngôi sao mới đã tỏa sáng trong vũ trụ. Năm 1945, khi Kim mới được 3 hay 4 tuổi thì Thế chiến II chấm dứt và Triều Tiên giành lại độc lập từ Nhật Bản. Cha ông trở lại Bình Nhưỡng vào tháng 9 và tới tháng 11 thì tới lượt Kim về nước trên một chiếc tàu Liên Xô, cập cảng Sonbong.

Nhân dân Triều Tiên tiếc thương trước cái chết của vị lãnh tụ

Kim đã theo học chương trình phổ thông từ tháng 9/1950 tới tháng 8/1960, tại các trường Tiểu học số 4 và Trung học cơ sở Namsan. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu phương Tây tin rằng Kim đã được dạy dỗ tại Trung Quốc như một biện pháp đảm bảo an toàn cho ông trong thời gian diễn ra chiến tranh Triều Tiên. Trong quá trình học tập, Kim đã tham gia chính trị. Ông hoạt động trong Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên dân chủ, tham gia các nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Năm 1957, Kim đã trở thành phó bí thư Đoàn trường và đã rất tích cực giáo dục tư tưởng cho các bạn cùng lớp.

Kim tốt nghiệp Khoa Chính trị học và Kinh tế học tại trường Đại học Kim Il-sung năm 1964. Ngay sau khi ra trường, ông đã bắt đầu làm việc tại Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK). Năm 1973, ông được bầu làm Bí thư WPK và vào tháng 2/1974, ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 8/1997, ông trở thành Tổng Bí thư WPK và đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên các khóa từ năm 1982 đến 1998. Ông làm Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên từ tháng 12/1992 đến tháng 4/1993. Năm 1992, ông Kim Il-sung công khai thông báo rằng Kim Jong-Il đã nắm các vấn đề đối ngoại tại Triều Tiên. Tới tháng 7/1994, khi Kim Il-sung qua đời vì đau tim ở tuổi 82, Kim Jong-Il đã lên nắm quyền và tiếp tục lãnh đạo Triều Tiên cho tới khi qua đời.

Láng giềng nín thở chờ tin

Theo giới phân tích, cái chết của ông Kim đã để lại một khoảng trống lớn ở Triều Tiên, nhất là khi quyền lãnh đạo được trao cho con trai Kim Jong-un, một người chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị. Các nước láng giềng của Triều Tiên hiện đều ở trong tình trạng căng thẳng. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lập tức yêu cầu giới chức chính quyền ở trạng thái báo động cao, đồng thời dừng mọi cuộc nghỉ phép và du lịch. Ông đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để giám sát tình hình. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng tăng cường giám sát vùng phi quân sự và kiểm tra dấu hiệu di chuyển của quân đội ở phía bên kia chiến tuyến.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng đã lập đội xử lý khủng hoảng riêng của ông. Còn tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói rằng Mỹ đang giám sát chặt chẽ các báo cáo đưa ra từ Triều Tiên. "Tổng thống đã được thông báo và chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản. Chúng tôi vẫn cam kết duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên và vì sự tự do, an ninh của các đồng minh.

Giới phân tích đánh giá Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, sẽ là nơi đưa ra đáp án cho thắc mắc: điều gì tiếp theo sẽ xảy ra ở Triều Tiên. Nhưng hiện Bắc Kinh đã từ chối nói về kế hoạch đối phó trong tình huống ông Kim qua đời và ít khả năng sẽ hé lộ điều gì trong thời gian tới. Nhưng họ tin rằng Bắc Kinh có thể sẽ gây tác động để giới lãnh đạo mới ở Triều Tiên chấp nhận cải cách mở cửa dần nền kinh tế, và qua đó giúp giữ vững ổn định chính trị trong nước.

CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố quốc tang ông Kim Jong-Il từ ngày 17 đến 29/12. Ủy ban tang lễ quốc gia do ông Kim Jong-un, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đứng đầu. Theo KCNA, lễ viếng sẽ bắt đầu từ ngày 20 đến 27/12 tại Bình Nhưỡng, tang lễ sẽ được tổ chức vào ngày 28/12 và lễ an táng được cử hành vào ngày 29/12 theo nghi thức cấp nhà nước. Thi thể của ông sẽ được an táng tại Lăng Kumsusan, nơi an nghỉ của cha ông là cố Chủ tịch Kim Il-Sung.

Con trai chủ tịch Kim sẽ kế nhiệm cha

Ngày 19/12, truyền thông Triều Tiên đã gọi người con trai út của ông Kim Jong-Il là "người kế tục vĩ đại". KCNA thông báo khá rõ: "Sự lãnh đạo của Kim Jong-Un là đảm bảo vững chắc cho việc hoàn thành sự nghiệp cách mạng về chủ thể qua nhiều thế hệ, sự nghiệp mà nhà lãnh đạo Kim Il-Sung đã khởi xướng và được nhà lãnh đạo Kim Jong-Il dẫn đầu đến chiến thắng."

Ông Kim Jong-Un khoảng gần 30 tuổi, đã được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao trong đảng và quân đội hồi tháng 9/2010. Trước đó, trong bản tin thông báo ông Kim Jong-Il từ trần, đài truyền hình nhà nước đã kêu gọi nhân dân tiếp tục vững bước dưới sự chỉ đạo của ông Kim Jong Un.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm