21/04/2020 18:35 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi 77, nguyện vọng lớn nhất của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính là một ngày được thấy Hoa lũy thép - vở nhạc kịch cảm tác từ tiểu thuyết Lũy hoa của Nguyễn Huy Tưởng - xuất hiện trên sân khấu biểu diễn...
Trước đó, cuối năm 2019, giải Đặc biệt cuộc vận động Sáng tác âm nhạc về Hà Nội (kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô) đã thuộc về ông, với tác phẩm Hoa lũy thép (trích từ vở nhạc kịch cùng tên).
Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhạc sĩ Ngô Quốc Tính cho biết:
- Tôi chỉ gửi phần âm nhạc của một đoạn trích dài hơn 40 phút để dự thi. Đoạn trích đó dài 5 chương trong vở nhạc kịch Hoa lũy thép. Tôi mất khoảng hơn 4 năm để hoàn thành vở đó. Vở kịch có quy mô, cấu trúc đầy đủ như opera phương Tây, nghĩa là cũng có ouverture (nhạc mở màn), có aria (phần nhạc của nhân vật chính).
Độ dài của vở nhạc kịch này là hơn 90 phút, với tổng cộng 2 hồi, 8 cảnh. Nhân vật chính là cô Bích Đào-một chiến sĩ biệt động ở vườn đào Nhật Tân và người yêu của cô, anh Dân-bộ đội của Trung đoàn Thủ đô. Ngoài ra còn có Lâm, một thanh niên Hà Nội và nhà báo Thu Phong...
* Được biết, vở nhạc kịch này cảm tác từ tiểu thuyết nổi tiếng "Lũy hoa"của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết về cuộc kháng chiến bảo vệ Thủ đô cuối năm 1946. Ông có sáng tạo thêm điều gì mới từ cốt truyện của nhà văn không?
- Con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã cung cấp nhiều tài liệu tham khảo cho tôi. Lúc đầu, tôi có ý định bám sát nội dung tác phẩm. Tuy nhiên trong quá trình sáng tác, tôi thấy thực tế câu chuyện ở vùng Nhật Tân (Hà Nội) còn có nhiều thông tin khác, sâu sắc và mãnh liệt không kém gì những chi tiết về việc thành lập Trung đoàn Thủ đô, về tình hình người tản cư hay những tội ác của giặc Pháp. Do vậy, tôi xin phép chỉ lấy một số chi tiết trong truyện Lũy hoa. Còn lại,tôi xây dựng một kịch bản khác, nhân vật chính không theo truyện Lũy hoa nữa mà là một cô đào tên Bích Đào - một loại đào quý của vườn Nhật Tân. Bích Đào là một chiến sĩ cách mạng và có tình yêu rất đẹp với anh chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô.
Nhìn chung, tôi thấy trong cuộc đời phải có tình yêu thì mới đẹp, mới lãng mạn. Và trong chiến đấu cũng thế, phải có tình yêu nam nữ bên cạnh những hy sinh, mất mát. Vì vậy tôi xây dựng tình yêu của nhân vật rất đậm, gần như một khúc tráng ca và có cả âm hưởng bi kịch, khi Bích Đào cuối cùng hy sinh. Nhìn chung, tôi rất thích cảnh tình tự của đôi lứa trong vở này.
* Nhạc kịch ở Việt Nam chưa thực sự là một thể loại được ưa chuộng, ông nghĩ sao về việc nhạc kịch đang thiếu đất diễn, thiếu sự quan tâm của công chúng?
- Nói thật là chúng ta chưa có điều kiện đầu tư để truyền bá, lan tỏa dòng nhạc này. Công chúng không thích dòng nhạc này là lẽ tất nhiên bởi họ phải hiểu thì họ mới thích, mới nghe được. Về lâu dài, ta nên đưa những trích đoạn nhạc kịch kinh điển vào chương trình giáo dục để phổ cập. Muốn nhạc kịch ở Việt Nam được biết đến, được yêu thích thì rõ ràng phải có cách quảng bá và giáo dục cho công chúng dần dần, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
* Ông đã sáng tác nhiều vở nhạc kịch từng được giải thưởng lớn - mà gần nhất là trường hợp “Hoa lũy thép”. Việc dàn dựng những vở nhạc kịch này trên thực tế có khó khăn không?
- Để dựng một vở nhạc kịch thì rất tốn kém, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Bởi thế, với trường hợp Hoa lũy thép, tôi đã bàn bạc với vợ và quyết định: Nếu cần thiết, hai vợ chồng sẽ bán một phần mảnh đất đang có để đầu tư dàn dựng trên sân khấu. Tất nhiên, đây chỉ là sự đầu tư để để thỏa mãn đam mê nghệ thuật, bởi nhạc kịch bây giờ khó có thể gắn với mục đích kiếm tiền.
Tin vui là vừa qua, tôi đã trao đổi điều này với lãnh đạo một nhà hát tại Hà Nội. Có khả năng, vở nhạc kịch Hoa lũy thép sẽ được dàn dựng và biểu diễn trong thời gian tới.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ và hy vọng “Hoa lũy thép” sẽ sớm đến với khán giả.
Vài nét về nhạc sỹ Ngô Quốc Tính Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính sinh năm 1943, nguyên là chỉ huy dàn nhạc Đoàn Chèo, Đoàn Ca Múa Kịch Ninh Bình; từng có nhiều năm công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các tác phẩm chính của ông gồm có giao hưởng Thái Bình Dương; giao hưởng thơ Ánh mắt mùa xuân; các hợp xướng Theo chân Bác, Đôi cánh Điện Biên, Phật tích; kịch bản nhạc kịch Tôi chưa chết được, Nàng Nhũ hương, Cung đàn Liêu - Hạc. Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính từng đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhì về thể loại giao hưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1995, giải đặc biệt về ballet -giao hưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1997, giải thưởng thể loại thanh xướng kịch - hợp xướng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010. |
Minh Duyên (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất