20/10/2012 14:07 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH Cuối tuần) - Đang bận rộn chuẩn bị cho show diễn tác giả vào 9,10/11 nhưng nhạc sĩ Dương Thụ vẫn tạm gác chuyện nhạc để ra Hà Nội xem tận mắt trận cầu giao hữu giữa Đội tuyển Việt Nam với Đội tuyển Indonesia trước thềm AFF Cup vào hôm 16/10.
* Thưa ông , đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Phan Thanh Hùng đang được báo chí ca ngợi hết lời. Đánh giá của ông về đội tuyển hiện nay ra sao?
- Tôi luôn cổ vũ cho đội tuyển, luôn mong đội tuyển tiến bộ, và cầu mong cho họ giành lại được chức vô đich AFF, nhưng tôi không quá lạc quan như giới truyền thông các bạn. Lần này, ngay cả chuyện vượt qua vòng bảng cũng chẳng dễ dàng đâu. Không kể Thái Lan, ngay cả Myanmar và Philippines đâu có dễ xơi. SEA Games vừa rồi, dù ta thắng Myanmar ở trận tập huấn với tỷ số rất đậm, cứ tưởng vào giải gặp họ thì chắc chắn bỏ túi ba điểm, rốt cuộc đã thua một cách tủi hổ. Ở giải AFF kỳ trước cứ tưởng đâu đá với Philippines ta phải thắng tới 4, 5-0, dè đâu lại thua muối mặt với hai bàn không gỡ. Thắng thua trong các trận tập huấn chẳng có ý nghĩa gì lắm. Ông (Henrique) Calisto từng thua liểng xiểng trong các trận tập huấn nhưng lại vô địch AFF ngay sau đó. Còn ông (Alfred) Riedl có lúc đá tập huấn kết quả rất khả quan nhưng vào giải chính thức vẫn “xịt” đó thôi.
* Vì sao ông thận trọng quá vậy?
- Vì nhiều lý do.
Lý do đầu tiên là ở huấn luyện viên. Ông Phan Thanh Hùng, tuy là một người có khả năng, nhưng không phải quá vượt trội như một vài nhà báo tán tụng. Liên đoàn chọn huấn luyện viên này có lẽ chỉ là một giải pháp tình thế, bằng không thì chắc là mắc phải bệnh “ta tự hào đi lên, ôi…”, một căn bệnh có tự thời bao cấp do thời đó ta chưa biết nhiều về thế giới bên ngoài nên cứ nghĩ mình đang ở đỉnh. Riedl, Calisto, những huấn luyện viên đẳng cấp, bậc thầy của ông Hùng, trong tay họ là những cầu thủ thuộc thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, chất lượng hơn hẳn các cầu thủ bây giờ, thế mà vẫn thất bại đấy. Cho nên nếu có khen ông Hùng thì cũng nên thận trọng một chút.
Lý do thứ ba là cố tật của người Việt chúng ta về mặt tâm lý: Dễ bốc đồng và cũng dễ xẹp hơi. Tâm lý của cầu thủ cũng thế và tâm lý của người hâm mộ cũng thế. Cầu thủ, khi thất bại đã xẹp hơi lại không được khán giả nhà tiếp sức vì khán giả cũng thế. Còn khi thắng, dù chỉ một trận thôi đã chủ quan lại còn được bơm lên mây, không có ai giúp họ tỉnh táo. Điều này thật tai hại.
Và đặc biệt là giới truyền thông, Lúc cần phải động viên nhiều hơn thì lại vùi dập, gây ức chế. Lúc cần phải “hãm phanh” thì lại “bốc” quá (tất nhiên không phải là tất cả. Có một số nhà báo rất tỉnh táo, chừng mực, nhưng họ vẫn thua số đông). Như thế chẳng những không giúp gì cho việc sửa chữa căn bệnh này mà còn làm nó nặng hơn.
* Vậy ông không tin vào thắng lợi lần này?
- Hy vọng thì có, nhưng tin thì chưa. Vì sao chưa tin thì tôi đã giải thích ở bên trên. Còn vì sao lại hy vọng? Cái này thì… cũng có thể. Vì biết đâu, các nền bóng đá mạnh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore lại cũng đang bê bối, đang rơi vào thoái trào gấp mấy lần nước ta? Biết đâu Myanmar, Philippines vào giải bỗng nhiên mất lửa?!?! Tôi mù tịt thông tin về bóng đá của các nước trong khu vực, nên chỉ giả định thôi. Nhưng mà biết đâu đấy. Và biết đâu trong một ngày đẹp trời đội tuyển ta thi đấu như lên đồng, đá với 200% sức lực và khả năng. Và cả giải là những ngày đẹp trời như thế. Và như thế hẳn là sẽ vô địch. Trong bóng đá, điều gì cũng có thể xảy ra. Hy Lạp , chẳng ai tin tưởng, ngay cả người dân nước họ. Thế mà họ vô địch châu Âu đấy.
* Nhạc sĩ nói như thế trong tình hình đội tuyển đang háo hức tập luyện với sự tự tin cao độ. Liệu đó có phải đã dội một gáo nước lạnh vào đội tuyển trong lúc này không?
- Trong lúc đội tuyển đang rất “nhiệt” mà tôi nói thế chắc là dội một gáo nước lạnh thật. Nhưng đó là điều tôi muốn. Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng và các tuyển thủ cần tỉnh táo nhận rõ thực lực và tình thế trong lúc này. Sự lo lắng, thận trọng trước một trận đánh lớn chẳng bao giờ thừa. Chúng ta chưa hay đâu, nhưng chúng ta vẫn có thể thắng nếu chúng ta “lạnh” một chút, khiêm nhường một chút. Phô trương sức mạnh sớm để đối thủ đề phòng là điều vô cùng bất lợi. Thắng ở giải đấu tập huấn không có nghĩa là sẽ thắng ở giải đấu chính thức, nên cứ bung sức đá để đè bẹp đối phương ở lúc này có thể không phải là một tính toán khôn ngoan. Kẻ hiếu thắng không thể đi xa được.
Bóng đá Đông Nam Á trong mấy năm gần đây có tiến bộ rất nhiều. Thái Lan trước kia hầu như không có đối thủ, giờ thì trầy trật ngay từ vòng loại. Không phải Thái Lan đi xuống mà là sự trỗi dậy mạnh mẽ của bóng đá khu vực. Ngay một đội xưa kia chuyên là cái rổ đựng bóng như Philippines nay họ cũng đã thắng Việt Nam và lọt vào đến trận bán kết. Đấy là chưa kể sự trở lại mạnh mẽ của Myanmar. Trong tình hình như thế, Việt Nam đâu có còn ở thế cửa trên, dù tôi luôn nghĩ rằng ta vẫn có lối đá đẹp nhất, hấp dẫn nhất. Không khí lạc quan quá hiện nay không có lợi cho đội tuyển.
Cà phê bóng đá
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất